Tin mới

Hàng trăm bệnh nhân tâm thần bỗng “khỏi bệnh” kỳ lạ

Thứ bảy, 28/06/2014, 16:35 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Thời gian gần đây, dư luận đang lan truyền tin “hàng trăm bệnh nhân tâm thần bỗng khỏi bệnh” khi điều trị tại đền Thó, Hưng Yên. Vậy, thực hư câu chuyện này như thế nào?

 

 

(Tinmoi.vn) Thời gian gần đây, dư luận đang lan truyền tin “hàng trăm bệnh nhân tâm thần bỗng khỏi bệnh” khi điều trị tại đền Thó, Hưng Yên. Vậy, thực hư câu chuyện này như thế nào?

Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, nhóm PV lần theo tin tức về việc, hàng trăm bệnh nhân tâm thần bỗng khỏi bệnh bằng phương pháp “tập thể dục và nghe tụng kinh phật” tại đền Thó, thôn Tảo C (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) để tìm hiểu sự thật.

Bệnh tình thuyên giảm sau nửa tháng

Men theo quốc lộ 5 (hướng Hà Nội – Hải Phòng), nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, đền Thó nằm giữa thôn Tảo C yên bình. Khi nhóm PV đến, đúng lúc ông Nguyễn Ngọc Tự, chủ nhang đền Thó (nơi cưu mang hơn 10 người bệnh) đang làm lễ, báo cáo với đức tổ họ về việc bệnh nhân “khỏi bệnh”, được gia đình đến đón về.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Viết Quang (58 tuổi, trú tại thôn Lường, xã Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên) chồng bà Nguyễn Thị Tụ (59 tuổi, bị tâm thần mãn tĩnh đã hơn 5 năm nay), ông cho biết: “Vợ tôi đã điều trị tại nhà thầy Tự được 3 tháng, hiện đã tỉnh táo, trò chuyện bình thường, nhận ra được mọi người, sức khỏe tốt hơn rất nhiều so với ngày mới đến, giờ bà ăn ngủ tốt. Có thể nói là đã khỏi bệnh, vì thế hôm nay tôi và gia đình đến đây để xin phép thầy đón bà về.”

Bà Tụ khi mới đến điều trị tại đến Thó (ảnh trái) và ngày được trở về nhà (ảnh phải).

Vừa nói, ông Quang vừa chỉ tay ra phía vợ mình đang vui vẻ trò chuyện ở bàn cạnh đó. Rồi ông lấy trong cặp ra quyển sổ bệnh án và kể tiếp: Cách đây 5 năm (2009) bà Tụ bắt đầu có những biểu hiện: mất ngủ, nói nhiều, khóc lóc vô cớ, chửi bới bậy bạ. Gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị nhiều lần, thế nhưng cứ về nhà được một thời gian bệnh tình lại tái phát. Bà luôn cho rằng có người đang muốn tìm giết mình và gia đình. Nếu ngày trước bà chỉ khóc - cười vô cớ… thì nay bà còn có những hành động nguy hiểm như tự đập đầu vào tường đến toác cả máu, và bỏ ăn, uống nhiều ngày.

Đầu tháng 2/2014, gia đình tiếp tục đưa bà đi nhiều BV chữa trị, trong đó có cả tuyến BV trung ương nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau đó, nghe thông tin thầy Tự có khả năng chữa được bệnh tâm thần nên đưa bà đến và làm đơn xin được điều trị tại đó.

Thầy có 1 nguyên tắc là trong 3 tháng đầu tiên người nhà không được tiếp xúc với người bệnh. Nhưng, khi về nhà được nửa tháng do lo lắng cho vợ, vì khi đưa bà đến gặp thầy sức khỏe bà rất yếu do nhịn ăn, uống 20 ngày liền. Khi đến nơi, ông hết sức bất ngờ bởi vợ nhận ra ông ngay, sắc mặt bà tươi tỉnh, trò chuyện bình thường.

Giống trường hợp của bà Tụ, ông Lê Viết Tân (bệnh nhân, số 110 đường Hùng Vương, TP Lạng Sơn) mắc bệnh tâm thần đã nhiều năm nay, ông đã đi chữa bệnh tại nhiều bệnh viện ở phía bắc, thế nhưng bệnh cứ thuyên giảm rồi tái phát. Mỗi lúc lên cơn, ông đập phá đồ đạc, thậm chí vác gậy vô cớ đuổi đánh người. Ông đến điều trị tại đền Thó được 2 tháng, hiện sức khỏe đã tiến triển tốt, tỉnh táo, có thể tự mình chăm sóc bản thân và làm những công việc nhẹ nhàng.

Danh sách người bệnh đang điều trị tại đây có cả dân thường, trí thức và doanh nhân. Ví như trường hợp ông chủ xưởng cơ khí Nguyễn Nhân Thắng ở thôn Phú Đa, xã Phú Ngân, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, bị mắc bệnh tâm thần mà khiến gia cảnh tiêu tan. Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Quân vốn là một chiến sĩ trong quân đội ở Lạng Sơn. Mỗi khi phát bệnh, ông Quân lại đánh vợ đến ngất xỉu. Ám ảnh nhất là trường hợp hai bố con ở thôn Cứu Sơn, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đều bị tâm thần hiện đang điều trị tại đây.

Người nhà bệnh nhân Vũ Thị Tuyết, 50 tuổi, thôn Phúc Lai, xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đang điều trị tại đây cho biết: “Bà Tuyết bị chứng rối loạn tuần hoàn não, không hiểu sao mỗi lúc gà gáy thì bà Tuyết lại bị ngất, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên rồi Bạch Mai điều trị, chi phí lên đến cả trăm triệu mà vẫn không khỏi. Sau đó gia đình quyết định đưa bà đến chữa trị tại đền Thó một tháng thì những triệu chứng đó biến mất, sức khỏe bà trở lại bình thường”.

Bí kíp chữa bệnh và sự thật về con số hàng trăm người điên khỏi bệnh

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Tự (trưởng họ, trưởng đền Thó) cho biết, các rối loạn tâm thần có thể điều trị bằng tổ hợp các liệu pháp lao động, nghỉ ngơi, chơi thể thao và thư giãn giải trí.

Hằng ngày những bệnh nhân này đều phải tập thể dục, buổi sáng, mỗi người phải chạy ít nhất mười vòng quanh sân đền. Người bị bệnh nặng thì cho đi bộ ở trong sân. Họ tập thể dục khoảng 1 tiếng, sau đó đi tắm rồi ăn sáng. Theo ông Tự thì, tập thể dục sẽ giúp cho bệnh nhân khơi dậy sự tập trung chú ý, trực tiếp tác động lên cơ quan vận động làm lưu thông khí huyết.

Ông Nguyễn Quang Tự, người đang cưu mang hơn 10 người bệnh.

Sau khi ăn sáng xong, bệnh nhân đi vệ sinh sạch sẽ rồi ngồi thiền nghe tụng kinh. Khi đã ngồi thiền thì tuyệt đối không được ra khỏi vị trí. Thời gian ngồi nghe kinh kéo dài 3 tiếng (từ 7 – 10 giờ sáng). Người bị bệnh nặng thì phải nằm nghe kinh trong khoảng thời gian dài hơn. Đây là liệu pháp nhằm tạo cho người bệnh cảm thấy thoải mái tinh thần, tâm thanh tịnh.

“Đây không phải là sự cuồng tín, cũng không phải là mê tín, dị đoan hoặc tuyên truyền truyền đạo giáo. Đây chỉ là liệu pháp điều trị bằng tinh thần” - ông Tự nhấn mạnh.

Người bệnh tập trung ngồi nghe tụng kinh.

Ông Tự cho rằng, lao động sẽ giúp đào thải những độc tố trong cơ thể, có khả năng tác động tích cực của vỏ não, tạo ra những xúc cảm, phản xạ cơ bản, có ý thức và không bị u mê trong hoang tưởng.

“Những người bệnh nặng ban đầu tôi chỉ cho họ tập thể dục là chính, nếu tiến triển sẽ cho họ làm những công việc nhẹ như quét sân, đổ rác. Còn với những người bệnh đã tỉnh táo sẽ cho họ làm những công việc thường nhật như chẻ củi, đào đất, gặt lúa… Đó là những công việc họ đã từng làm, khi họ được tiếp xúc với nó, những giác quan sẽ tác động lên não và làm họ gọi nhớ lại thời gian họ chưa phát bệnh” – ông Tự nói.

Tiếp đến, buổi chiều tất cả mọi người sẽ chuyển sang chơi thể thao. Chơi thể thao sẽ rất hữu ích cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt, có tư duy khép kín. Người bệnh có thể chơi cầu lông, đá bóng và chơi cờ. Ai không chơi được cũng phải ra sân xem người khác chơi. Đó là sự kết hợp giữa nhóm người ở trạng thái ức chế được đưa ra hòa đồng cũng nhóm bệnh nhân hoạt bát. Ngoài ra, nhà đền còn tổ chức cho các bệnh nhân đi thăm quan làng quê, đồng ruộng và thăm các khu di tích lịch sử, đình, đền, chùa để cho họ có cảm giác thân thiện và Bình An.

Bệnh nhân khi mới đến thường sống lủi thủi một mình. Sau khi nhà đền có những biện pháp tác động tích cực, họ đã hòa đồng được với mọi người. Sau bữa ăn, nhà đền tổ chức chiếu các bộ phim có nội dung ngắn gọn, phong phú, tuyệt đối không chiếu những bộ phim có nội dung xấu, buồn. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động ca hát, nghe nhạc nhẹ và hát các ca khúc về quê hương đất nước.

Ở đây, chúng tôi không dùng thuốc chữa trị và bắt họ ở khép kín trong phòng bệnh. Chủ yếu là dùng biện pháp tâm lý kết hợp với phương pháp lao động, thể dục, giải trí nhằm giúp người bệnh tái thích ứng với xã hội.

Những người bệnh tham gia gặt lúa.

Khi chúng tôi hỏi về con số hàng trăm bệnh nhân được chữa khỏi bệnh như lời đồn, ông Tự cho hay: “Tôi là việc này xuất phát từ tâm và truyền thống chữa bệnh cứu người của gia đình. Người ta có bệnh thì mới đến đây, khi nào họ khỏe mạnh bệnh tình thuyên giảm thì gia đình mới đưa về. Tôi chỉ quan tâm đến việc sức khỏe họ có tốt không, chứ chẳng bao giờ thống kê xem mình giúp được bao nhiêu người.

Nói khỏi hoàn toàn thì chưa thật chính xác vì bệnh tâm thần có thể tái phát bất cứ khi nào, tuy nhiên khi đến đây và trở về với gia đình, người bệnh đã tỉnh táo và có thể nhận thức như người bình thường. Có thể nói là khỏi đến 95%. Tôi làm việc này đã 10 năm, nếu nói về con số vài trăm người cũng chẳng sai”.

Theo Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - BV tâm thần ban ngày Mai Hương (số 4, Phố Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Bệnh tâm thần ngoài chữa bằng thuốc, bằng biện pháp tâm lý thì phải kết hợp phương pháp lao động – tái thích ứng xã hội mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Lao động ở đây nhằm mục đích điều trị người bệnh, có tác dụng khôi phục các hoạt động tâm thần của người bệnh. Người bệnh tâm thần nếu không được hướng dẫn lao động, dễ đi vào thế giới tự kỷ và mau chóng đi đến trạng thái tâm thần sa sút.

Liệu pháp lao động là hình thức cơ bản nhất để người bệnh tái thích ứng xã hội. Chỉ có lao động có tổ chức thì người bệnh mới gắn bó với tập thể, với xã hội. Bệnh viện tâm thần hoặc khoa tâm thần nào mà không tổ chức cho người bệnh lao động, là những bệnh viện và bệnh khoa không có sức sống, vào đấy sẽ thấy thiếu không khí sinh động, người bệnh khi thì trùm chăn ngủ suốt ngày, khi thì ngồi yên lặng một xó nhà, hoặc trêu chọc, phá phách, vẽ bậy lên tường, đi trốn…

Vì sao lao động lại đóng góp vào việc chữa bệnh tâm thần? Lao động huy động mọi khả năng hoạt động tâm thần của người bệnh, làm cho người bệnh tập trung chú ý và tăng cường ý chí, phát huy sáng kiến làm cho sản phẩm ngày một tốt hơn. Lao động làm cho người bệnh quên hết những cảm giác khó chịu do ảo giác và hoang tưởng gây ra, làm cho người bệnh bớt lo lắng về bệnh tật, làm mất đi những ý nghĩ đen tối, tiêu cực dễ xảy ra khi người bệnh ngồi không một mình. Lao động còn làm cho người bệnh vui vẻ phấn chấn hơn vì họ cảm thấy có ích cho xã hội.

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trinh Quốc Quân, trưởng công an xã Lương Tài cho biết: Đền Thó ở thôn Tảo C là ngôi đền lâu đời. Việc chữa bệnh ở đây là tự phát, những người dân ở các vùng lân cận biết tin đưa người thân họ đến chữa trị. Chúng tôi cũng không nắm được cách thức chữa bệnh tại đây. Chúng tôi đã yêu cầu ngôi đền cung cấp tất cả các danh sách các bệnh nhân đang chữa trị tại cơ sở, các giấy tờ liên quan và ông Tự cũng chấp hành. Ngoài ra, ông tự cũng cam kết về an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng của người bệnh và làm những việc mà pháp luật không cho phép. Cơ sở này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Ông Thạch Ngọc Hinh, Trưởng thôn Tảo C, xác nhận: Thời gian gần đây, đền Thó đã có rất nhiều bệnh nhân ở khắp các nơi đến để chữa trị. Nhiều người bệnh tình đã thuyên giảm nên giới thiệu người khác đến. 

Thuận Phong

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news