Tin mới

Hành trình từ câm điếc ốm gầy trở thành cao thủ hầu quyền nức tiếng

Thứ năm, 11/02/2016, 16:18 (GMT+7)

Ẩn đằng sau cáo thân hình nhỏ thó của lão sư Trần Cửu (gần 80 tuổi) chính là một truyền nhân của hầu quyền, một con người mà niềm đam mê võ học đã giúp ông vượt qua lưỡi hái của tử thần.

Ẩn đằng sau cáo thân hình nhỏ thó của lão sư Trần Cửu (gần 80 tuổi) chính là một truyền nhân của hầu quyền, một con người mà niềm đam mê võ học đã giúp ông vượt qua lưỡi hái của tử thần.

Đã gần 80 tuổi thế nhưng lão võ sư Trần Cửu vẫn sinh sống ở Nhơn Nghĩa Đường cùng người "huynh đệ" Lưu Kiếm Xương. Không được may mắn như bao người khác, năm 6 tuổi, sau cơn bạo bệnh tưởng vô phương cứu chữa, ông bắt đầu mang di chứng câm điếc cùng với đó là một thân hình ốm yếu cho tới ngày nay.

Có một “Hầu nhân” dị biệt

Võ sư Trần Cửu là con thứ 9 trong gia đình võ sư Trần Lâm, một "hầu nhân" đích thực của hầu quyền Thiếu Lâm tự theo võ phái Đại thánh bát quái môn (một võ phái của hầu quyền thành lập ở Hồng Công). Vốn cũng muốn hướng con theo nghiệp võ thế nhưng năm lên 6 tuổi Trần Cửu bị ốm nặng, liên tiếp sau đó là những cơn co giật kinh niên, cuộc sống tưởng chừng chấm dứt.

Còn nước còn tát, cha ông là võ sư Trần Lâm, một bậc võ đạo tiếng tăm lẫy lừng đã tuyệt vọng với ước mơ có hậu duệ nối nghiệp. Ông ngậm ngùi mang con tới gửi cho người bạn đồng môn với mong muốn giữ lại sinh mạng cho con trai. Đó chính là võ sư Lưu Hào Lương, người đương thời gắn cho ông biệt danh "người khổng lồ" với chiều cao 1,90m, nặng trên 100kg.

Võ sư Trần Cửu bên cạnh người bạn vong niên – võ sư Lưu Kiếm Xương.

Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, dù không được như người bình thường nhưng cảm phục công ơn của võ sư Lưu Hào Lương, ông đã bái vị võ sư này làm sư phụ với mong muốn phát triển võ học Châu Gia để đền đáp. Cũng từ đây ông bắt đầu quãng đời gắn bó với Nhơn Nghĩa Đường và cha con võ sư Lưu Hào Lương – Lưu Kiếm Xương cho đến ngày nay.

Ngày ấy biết đệ tử sức khỏe có hạn, lại là con của "huynh đệ", võ sư Lưu Hào Lương chú trọng thuốc thang và luyện cho Trần Cửu làm quen dần với võ đạo, tập đi quyền, vận khí công để thoát khí, thông vòm họng. Thế nhưng những cố gắng ấy cũng không mang lại hiệu quả khi mà những căn bệnh cố hữu sau cơn bạo bệnh không mất đi. Chưa kể cho đến khi trưởng thành Trần Cửu cũng chỉ cao đến 1,4m.

Với người học võ thì hiển nhiên đây là rào cản khiến người học khó có thể tiếp thu chứ chưa nói gì đến chuyện luyện thành tài. Ấy vậy nhưng ông trời cũng không nỡ lấy đi của người ta tất cả. Bù lại cho dị tật câm điếc và chiều cao nhỏ bé là một trí nhớ khó ai sánh nổi. Vốn dĩ võ sư Lưu Hào Lương được nhiều cao thủ từ khắp nơi tìm đến thử sức. Những lần tháp tùng sư phụ đi tỷ thí, Trần Cửu lặng lẽ theo dõi, lặng lẽ quan sát sau đó về nhà, lão xắp xếp lại trí nhớ và học được tuyệt chiêu của môn phái khác.

Phát hiện ra khả năng nhạy bén, thông minh của học trò nên võ sư Lưu Hào Lương cùng với võ sư Trần Lâm hướng Trần Cửu đi theo con đường riêng từ hầu quyền Thiếu Lâm tự. Với đặc tính dĩ nhu thắng cương, môn võ học này không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại mà còn phù hợp với cơ thể nhỏ bé của Trần Cửu.

Trời chẳng phụ lòng người, Sau một thời gian khổ luyện, Trần Cửu đã sớm chứng minh rằng mình có đủ tố chất để học môn võ quyền thần này với ba tiêu chí: Đức đạo, kiên trì và ti chức. Giới võ lâm Sài Gòn biết đến Trần Cửu như một huyền thoại không có đối thủ trên sàn diễn hầu quyền. Đòn ngón biến hóa tinh tường, khi thì dũng mãnh như chúa sơn lâm, khi lại nhe răng co người thủ thế như khỉ đột. Những thế thủ, thế đánh của hầu quyền khiến đối thủ lao đao khó đỡ. Phản công nhanh như sóc, phòng thủ vững như chông.

Với mong muốn phát triển Thiếu Lâm Châu gia theo ý nguyện của sư phụ, lão võ sư vẫn ngày ngày đến hỗ trợ lớp võ thuật ở Nhơn Nghĩa Đường. Con số môn sinh đã lên tới hàng ngàn người trong đó có cả những người con của võ sư Lưu Kiếm Xương, thế nhưng với hầu quyền thực sự thì chỉ còn một số đệ tử thân tín. Hầu quyền đòi hỏi sự lanh lẹ tháo vát, thông minh sắc sảo, đòi hỏi sự bền gan kiên định, phải có một cái tâm, một trái tim hiệp nghĩa. Để đáp ứng tất cả các yêu cầu đó vô cùng khó, bởi vậy người không biết vẫn bảo Trần Cửu là người khó tính.

Cuộc sống đời thường

Triết lý sống của một người học võ với ông khá đơn giản, đơn giản như cách ông chọn đệ tử, sống phải có cái tâm, trái tim hiệp nghĩa, luyện võ để rèn luyện bản thân, rèn luyện sức khỏe chứ không phải để đấu đá. Có lẽ vì vậy mà không giống như các võ sư ở miền Nam trước đây thường lấy võ đài làm nơi khởi nghiệp, quảng bá hình ảnh, thu hút môn sinh thì người ta chỉ thấy ông trên các "sân khấu biểu diễn".

Võ sư Trần Cửu luyện tập cùng môn sinh.

Nhưng không hẳn vì vậy mà hầu quyền và vị võ sư nhỏ thó ấy bị coi thường. Tương truyền thời Sài Gòn chiến tranh loạn lạc, trong lúc ra đường không may gặp phải một đám giang hồ. Ban đầu chúng xấc xược định "ăn tươi nuốt sống" ông. Can gián không được bất đắc dĩ ông phải xuất quyền, trong chốc lát cả đám thanh niên giang hồ nằm rạp xuống đất. Liền sau đó chúng chạy về "mách" với đại ca, một kẻ có máu mặt trong giới giang hồ ngày ấy. Thế nhưng thay vì tìm cách rửa hận cho đám đệ tử háo thắng, vị đại ca này chỉ tìm đến ông chắp tay thi lễ và gửi lời xin lỗi.

Người ta biết nhiều đến danh tiếng võ sư Trần Cửu như một truyền nhân của hầu quyền nhưng ít người biết rằng cuộc sống của vị "hầu nhân" ấy lại chất chứa không ít khổ đau. Ngoài nỗi đau thể xác, những khiếm khuyết bất hạnh so với người thường, lão võ sư còn có những nỗi niềm riêng khó thấu tỏ.

Đầu tiên đó là hạnh phúc cá nhân. Sống trên đời không ai không mong muốn có một hạnh phúc riêng thế nhưng nay đã bước sang cái tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hi thì ông đơn chiếc, thậm chí nỗi cô đơn còn lớn hơn trước đây rất nhiều.

Nếu như trước đây ông còn sư phụ, cùng luyện công cùng một lòng phát triển võ học Châu Gia thì hẳn nhiên ông còn có người "sẻ chia, trò chuyện". Sinh lão bệnh tử, người sống trên đời khó tránh khỏi cái chết. Ngày sư phụ Lưu Hào Lương mất, ông không nói được tiếng nào chỉ gầm lên như một con mãnh thú rồi phủ phục trước nhang án. Lần đầu tiên họ thấy ông khóc, khóc như một đứa trẻ.

Nghe đâu ngày trước người ta cũng định mối lái cho ông với một cô gái bị câm, thế nhưng khi mọi người bày tỏ thì ông nhất mực từ chối. Không ai hiểu, chỉ thấy ông lặng lẽ cúi đầu quay đi, cũng từ ngày ấy không ai còn nhắc đến chuyện tìm vợ cho ông nữa. Nói như người bạn vong niên Lưu Kiếm Xương thì võ sư Trần Cửu dẫu không thể học hành như người thường nhưng để nói về hiểu biết, đạo lý thì Trần Cửu không hề thua kém bất cứ ai. Trong mối lương duyên ấy hẳn là ông tự thấy bản thân đã không may mắn, ông sợ không thể lo được cho người bạn đời khi chính bản thân có quá nhiều khiếm khuyết cơ bản.

Có lẽ cũng chính vì vậy, ngoài võ đường ra, võ sư Trần Cửu dành mọi tình cảm còn lại cho người mẹ già. Ngày mẹ mang trọng bệnh, ông chạy đôn chạy đáo vừa lo công việc dạy dỗ, vừa đi bán hàng thêm kiếm tiền vừa lo thuốc thang, chăm sóc cho mẹ. Tất cả mọi chuyện từ ăn uống, giặt giũ của mẹ một tay ông lo cả. Từ ngày mẹ mất ông trở nên trầm lặng hơn, nghe đâu trước lúc nhắm mắt, mẹ ông vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo cho con trai những lúc ốm đau không có người chăm sóc, chẳng có con cháu phụng dưỡng.

Giờ đây không còn ai bên cạnh, thế nhưng ông vẫn giữ thói quen của nhà võ, sáng dạy sớm tập thể dục, gần 80 mươi tuổi nhưng ông vẫn xuất hiện ở phòng tập gym nơi trước đây ông làm thêm. Khó có thể hình dung ở tuổi 80 mà thân thể nhỏ bé ấy vẫn cường tráng như thanh niên. Giờ đây ông dành toàn bộ quãng thời gian cuối đời còn lại cho nghiệp võ.

Thành Huế

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: luyện võ