Tin mới

"Hành tung" bí ẩn của Triều Tiên và cách Singapore xử trí với hai tấm thảm đỏ

Thứ hai, 18/06/2018, 07:57 (GMT+7)

Những chuyện hậu trường trong cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều được tiết lộ trong bài viết đăng tải trên Straits Times.

Những chuyện hậu trường trong cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều được tiết lộ trong bài viết đăng tải trên Straits Times.

 

Hai tấm thảm đỏ

Đêm 12/6, các quan chức hải quan và nhân viên sân bay Changi chuẩn bị tiễn một nhân vật VIP - với 2 tấm thảm đỏ.

Bốn máy bay chở khách đậu trên phi trường khu phức hợp VIP của sân bay Quốc tế Changi: Hai chiếc máy bay Boeing 747 của Trung Quốc và hai chiếc Ilyushin của Air Koryo, Triều Tiên.

Không ai biết lãnh đạo Triều Tiên sẽ lên chiếc máy bay nào để trở về. Không ai biết mấy giờ ông sẽ khởi hành.

Cuối cùng, người Singapore đành phải "đoán". Họ trải 2 tấm thảm đỏ , mỗi tấm dẫn tới một chiếc máy bay của Air China và cầu nguyện ông Kim Jong-un sẽ lên một trong hai chiếc máy bay đó.

"Chúng tôi chỉ còn cách hy vọng và cầu nguyện ông ấy sẽ không lên hai chiếc máy bay còn lại. Đó là một chuyện rất nhạy cảm, và không dễ để di chuyển những tấm thảm đỏ", Giám sát viên Cơ quan Nhập cư và Kiểm tra Singapore (ICA) Reshma Nair cho hay.

Cuối cùng, ông Kim đã lên một trong hai chiếc máy bay của Trung Quốc và rời khỏi Singapore lúc 11h30.

Chính sự bí mật của phái đoàn Triều Tiên là nhân tố tạo ra những xáo trộn phút chót trong một sự kiện chính trị, thông thường vốn được sắp xếp một cách kỹ lưỡng.

Mặc dù Singapore có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hội nghị thượng đỉnh cấp cao nhưng cuộc gặp Mỹ - Triều hôm 12/6 lại không tương đương về mức độ thách thức.

Khi Singapore được chọn

Nội các Singapore bắt đầu có ý niệm rằng Singapore có thể được đề nghị tổ chức thượng đỉnh vào đầu tháng 5, khi các quan chức Mỹ đề cập tới khả năng đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật K. Shanmugam cho biết, "không có gì chắc chắn và bạn biết đấy, chúng tôi không thể làm việc dựa trên những khả năng có thể xảy ra".

Ngày 10/5, ông Trump đăng tải trên Twitter rằng thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Singapore vào 12/6, và cũng đột ngột như lúc thông báo, sự kiện bị hủy vào 24/5, để rồi lại hồi sinh 2 ngày sau đó.

Tới lúc đó, Singapore đã chính thức được đề nghị làm nước chủ nhà nhưng vì kế hoạch liên tục thay đổi nên "chúng tôi hủy bỏ mọi thứ, rồi lại phải làm lại", ông Shanmugam nói.

Vấn đề được đưa ra bàn bạc ở cấp Nội các và sau đó Singapore quyết định tổ chức hội nghị. Công tác chuẩn bị bắt đầu trong vòng chỉ hơn 2 tuần trước ngày diễn ra thượng đỉnh.

Ít nhất, 7.400 công chức tham gia vào quá trình này, bao gồm 5.000 nhân viên của Bộ Nội vụ, 2.000 người thuộc lực lượng vũ trang Singapore (SAF), hơn 300 nhân viên liên lạc và 80 nhân viên từ Bộ Ngoại giao Singapore.

Quy mô này tương đương với các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng thế giới mà Singapore tổ chức năm 2006 và mất 5 năm để lên kế hoạch.

Cẩn mật khác thường

Hóa ra, tình huống mà các nhân viên sân bay Changi phải đối mặt đêm 12/6 là "chủ đề" xuyên suốt hội nghị, từ lúc các nhà lãnh đạo đặt chân tới Singapore hôm 10/6.

Theo Straits Times, nguyên do phần lớn là bởi tính chất nhạy cảm của cuộc gặp. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp gỡ một lãnh đạo của Triều Tiên, khi mà hai bên vẫn đang ở trạng thái chiến tranh.

Thêm vào đó là sự lạ lẫm của người Triều Tiên. Trước đây, chưa từng có các cuộc gặp song phương để làm mẫu cho công tác đón tiếp ông Kim. Bộ Ngoại giao Singapore đã phải chú ý tới từng tiểu tiết nhỏ nhặt nhất, trong đó có hoạt động ký sổ lưu niệm tại Istana trước cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Thủ tướng Lý Hiển Long.

Một bản thảo đề tên ông Kim Jong-un đã được chuyển trước cho phía Triều Tiên để họ kiểm tra chức vụ ghi trong sổ. Cần rất nhiều nỗ lực để sắp xếp lễ ký sổ lưu niệm này, ngay cả việc xung quanh nơi diễn ra có những nhân vật nào.

Chỉ là một lịch trình ngắn như vậy nhưng cũng cần tới 2-3 vòng trao đổi ngược xuôi mới lên được kế hoạch.

Ngôn ngữ cũng là một rào cản. Chỉ có một đại diện của đoàn Triều Tiên nói tốt tiếng Anh được chỉ định trao đổi với đội ngũ ngoại giao của Singapore.

Chuyện tương tự với đội an ninh. Terrence Lee, sĩ quan của SAF, chỉ huy nhóm an ninh tại Capella cho biết, ông phải dùng ký hiệu tay để trao đổi với nhóm an ninh Triều Tiên khi họ cùng thực hiện nhiệm vụ trong khuôn viên khách sạn.

Ngoài đội ngũ vệ sĩ "chạy bộ", ông Kim còn một số yêu cầu an ninh khác thường như không được chụp ảnh ông đang bước vào xe ô tô, đồ ăn của ông được chuyển từ Triều Tiên tới và phải có khu vực đặc biệt để các đầu bếp của ông nấu nướng.

Ông Trump muốn "đổi lịch họp"?

Cập nhật lịch trình là nguyên tắc tiêu chuẩn trong công tác bảo vệ lãnh đạo, tuy nhiên, phần lớn lịch trình của lãnh đạo Triều Tiên lại được giữ bí mật và chỉ được tiết lộ ở phút chót, kể cả với chính quyền Singapore.

Các thông tin như địa điểm chủ chốt được xác nhận chỉ 1 tuần trước khi bắt đầu. Ngay cả khi đó, kế hoạch chính xác và yêu cầu mà hai bên đưa ra đều chưa rõ. Quyết định đi thăm Marina Bay Sands, Gardens by the Bay, cầu Jubilee và cảng Pasir Panjang đêm 11/6 của ông Kim cũng đột ngột. Yêu cầu được đưa ra chỉ trước sự kiện vài giờ.

Hành tung bí ẩn của Triều Tiên và cách Singapore xử trí với hai tấm thảm đỏ - Ảnh 3.

Ông Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm với hai Bộ trưởng Singapore. Ảnh: Reuters/FB

Về phía Mỹ, ông Trump cũng là một nhân vật dễ thay đổi. WaPo đưa tin rằng, sau khi tới Singapore ngày 10/6, ông Trump cảm thấy sốt ruột và buồn chán. Ông muốn giới chức của mình đẩy cuộc gặp sớm lên 1 ngày, từ 12/6 lên 11/6.

"Giờ ta đã ở đây. Sao ta không thể thực hiện luôn?", ông Trump đã thắc mắc như vậy trước khi được thuyết phục giữ nguyên thời gian diễn ra cuộc gặp. Chuyện này đã khiến nhiều người ở phía Mỹ lo sợ cuộc gặp sẽ bị hủy.

Sự ngang bằng

Ở vị trí của nước chủ nhà, Singapore nhận được yêu cầu từ cả hai đoàn rằng "phải có sự ngang bằng nhiều nhất có thể". Người Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu này.

Vì thế, dù là đoàn xe hộ tống, lễ đón tại sân bay hay khách sạn họ lưu trú, Singapore đều phải thể hiện sự ngang bằng trong cách sắp xếp của mình. Khi đoàn Mỹ chọn khách sạn Shangri-La, Singapore đã giúp đoàn tiền trạm Triều Tiên thu hẹp phạm vi tìm kiếm về một nơi tương xứng. Cuối cùng, Bình Nhưỡng chọn St.Regis.

Cả hai lãnh đạo đều do Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đón tiếp tại sân bay. Đoàn xe hộ tống của mỗi bên có khoảng 40 phương tiện trong đội hình chính. Ngoài ra, Singapore còn cung cấp thêm một số phương tiện bọc thép cho đoàn Triều Tiên.

Singapore đã thanh toán chi phí lưu trú cho Triều Tiên. Đây cũng là nguyên tắc thường thấy trong các sự kiện song phương diễn ra tại một nước thứ ba. Chuyện Singapore chịu phí khách sạn cho các lãnh đạo trong các chuyến thăm chính thức cũng không phải chuyện lạ.

Người tham gia phỏng vấn không muốn tiết lộ số tiền Singapore phải trả nhưng căn phòng hạng tổng thống mà ông Kim lưu trú có giá khoảng 7.500 USD/đêm. Đây là một phần trong tổng số 15 triệu USD chi phí mà Singapore đã bỏ ra để tổ chức thượng đỉnh.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news