Tin mới

Hết vụ Huyền Như lại đến Đông Anh, Vietinbank quản trị rủi ro kiểu gì?

Thứ sáu, 09/05/2014, 10:20 (GMT+7)

“Hàng triệu tài khoản của khách hàng cá nhân, hàng vạn tài khoản của doanh nghiệp giao dịch hàng bao nhiêu năm nay có sao đâu” – nguyên Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng giãi bày. Tuy nhiên, hết vụ Huyền Như lại đến vụ Chi nhánh Đông Anh vướng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vấn đề hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro của Vietinbank cũng là mối quan ngại với nhiều nhà đầu tư lẫn khách hàng…

“Hàng triệu tài khoản của khách hàng cá nhân, hàng vạn tài khoản của doanh nghiệp giao dịch hàng bao nhiêu năm nay có sao đâu” – nguyên Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng giãi bày. Tuy nhiên, hết vụ Huyền Như lại đến vụ Chi nhánh Đông Anh vướng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vấn đề hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro của Vietinbank cũng là mối quan ngại với nhiều nhà đầu tư lẫn khách hàng…

“Vụ Huyền Như, chúng tôi chới với”

“Ở thời điểm năm 2011, chúng ta chới với”, ông Phạm Huy Hùng mới đây bộc bạch. “Trong bối cảnh hạ tầng rất thấp như vậy. Rõ ràng chúng ta trên tất cả mọi phương diện hết sức yếu. Chúng ta phân cấp cho các chi nhánh 20.000 cán bộ, quy mô lớn như vậy và chúng ta phân cấp xuống đến từng đơn vị. Sự việc xảy ra ở một phòng giao dịch chỉ có 6 cán bộ thôi và trước đó phòng giao dịch này là Quỹ tiết kiệm”.

Báo chí đưa tin, Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), trong khoảng thời gian 18 tháng (từ 3/2010 đến 9/2011). Vụ án có tới 23 bị cáo, nhưng toàn bộ số tiền thất thoát khổng lổ nói trên đều qua một đầu mối Huyền Như.

Trong khi vụ Huyền Như đang chờ án phúc thẩm vì nhiều đơn vị kháng án, nguyên lãnh đạo một chi nhánh của Vietinbank mới đây cũng bị truy tố với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hai vụ việc diễn ra gần thời điểm khiến dư luận không khỏi thắc mắc về công tác quản trị rủi ro của Vietinbank thế nào? Việc quản lý tiền của khách hàng trong tài khoản ra sao? Tại sao một ngân hàng có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam lại có tới 2 vụ việc như trên xảy ra liên tiếp?

Liên quan đến vụ việc này, nguyên Chủ tịch Vietinbank cho rằng: “Hàng triệu tài khoản của khách hàng cá nhân, hàng vạn tài khoản của doanh nghiệp giao dịch hàng bao nhiêu năm nay có sao đâu. Không ai bị sao cả”.

"Sau những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng diễn ra, an toàn sẽ là yếu tố cần cân nhắc khi gửi tiền vào ngân hàng."

Nhưng có lẽ, mọi người sẽ thắc mắc, tại sao không phải là một ngân hàng nào khác trong nhóm “tứ trụ”, không phải BIDV, không phải Vietcombank, không phải Techcombank, mà lại là Vietinbank? Liệu rằng vụ việc chỉ là may rủi hay công tác quản lý rủi ro của Vietinbank thực sự chưa hiệu quả?

Chủ tịch phải trực tiếp ra tay

Về vấn đề quản lý rủi ro của Vietinbank, sau các sự vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại Chi nhánh Nhà Bè và vụ nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Đông Anh, cổ đông nghi ngại rằng liệu công tác quản lý rủi ro của Vietinbank trong thời gian tới có thể chặn được các vụ việc tương tự.

Giái đáp vấn đề này, tân Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng cho hay, ngay sau khi phát hiện ra vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Vietinbank chủ động trình báo cho Bộ Công An về vụ việc này.

“Như vậy, bản thân HĐQT, Ban lãnh đạo của Vietinbank đã có những giải pháp vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt trong việc quản lý lại hệ thống, nâng cao công tác quản trị điều hành gắn với quản trị rủi ro, để kịp thời ngăn chặn các vụ việc như vụ việc Huyền Như”, ông Thắng khẳng định.

Cũng theo ông Thắng, hiện hệ thống quản trị rủi ro của Vietinbank đang được xây dựng theo chuẩn Basel II. Ban triển khai dự án Basel II này là một ban lớn nhất từ trước đến nay, có sự tham gia đầy đủ từ Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, các Ủy viên HĐQT, và đặc biệt, có sự tham gia của đối tác ngoại của Vietinbank là Ngân hàng Tokyo Misubishi UFJ (BTMU) và IFC cùng một số chuyên gia Vietinbank mời tham gia.

“Hiện công tác quản trị rủi ro của Vietinbank đang được triển khai và dần đi vào ổn định với đầy đủ bộ máy tổ chức, con người, quy trình nhiệm vụ và công nghệ. Công tác quản trị rủi ro của Vietinbank đều được thực hiện theo chuẩn Basel II là đủ 3 vòng kiểm soát tại cả Hội sở chính cũng như các chi nhánh”, ông Thắng cho hay.

Ba vòng trên gồm: Vòng thứ 1 - tại tất cả các phòng ban nghiệp vụ tại Hội sở chính và các phòng ban tại Chi nhánh phải thực hiện. Vòng 2 thuộc trách nhiệm của Khối Quản lý Rủi ro – là vòng kiểm soát thứ 2 tại Hội sở chính. Vòng 3 là vòng của ban hệ thống kiểm tra kiểm soát của Vietinbank.

Ông Thắng cho biết đây là nỗ lực hết sức của Vietinbank trong giai đoạn vừa qua, sau khi xảy ra vụ Huỳnh Thị Huyền Như. “Quý vị yên tâm, không thể xảy ra vụ việc như của Huyền Như hay vụ tại Chi nhánh Đông Anh”, tân Chủ tịch khẳng định.

Nguyên Chủ tịch Phạm Huy Hùng cũng nhấn mạnh: “Đến nay, đầu giờ ban ngày, mở hệ thống ra, kể cả hệ thống dọc ở trên và tại chỗ, đều có thể cập nhật ngay, nhanh nhất, từng sai phạm nhỏ nhất, ở bất kỳ đâu, ở chỗ nào và họp Hội đồng kỷ luật ngay, xử lý ngay lập tức”.

Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch cũng thừa nhận: “Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai mạnh mẽ nhiều dự án công nghệ, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và hiệu quả hoạt động, quả lý điều hành theo chuẩn mực quốc tế, song các dự án đổi mới như Basel II đối với Quản lý rủi ro, dự án thay thế Ngân hàng lõi Core Banking, dự án kho dữ liệu doanh nghiệp EDW… đang triển khai ở giai đoạn đầu dự án nên vẫn chưa phát huy tác dụng”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, HĐQT Vietinbank mới đây cũng đưa ra chủ trương mua Bảo hiểm trách nhiệm thành viên HĐQT – Cấp quản lý hàng năm tại ngân hàng. Theo đó, khi tham gia bảo hiểm này, các tổn thất phát sinh từ yêu cầu bồi thường cũng như các khoản thanh toán chi phí đại diện pháp lý liên quan đến điều tra phát sinh tuân theo pháp luật hiện hành có thể được chi trả bởi công ty bảo hiểm.

Trong một diễn biến liên quan đến vụ Huyền Như, một loạt ngân hàng và tổ chức bị hại tuyên bố sẽ đòi lại được khoản 3.900 tỷ liên quan đến vụ Huyền Như. Mới đây, CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) tuyên bố đã nhận được bản án hình sự sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27/01/2014 vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. ORS cho biết công ty cũng đã tiến hành gửi đơn kháng cáo ngày 27/01/2014 và các thủ tục liên quan cho việc phúc thẩm của vụ án. Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya cũng cho biết ngày 10/2/2014, công ty đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân TPHCM và Tòa án Nhân dân Tối cao kháng cáo bản án nói trên và yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền nói trên cũng lãi suất theo quy định cho công ty.

(Theo Seatime)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: khach hang