Tin mới

“Hiệp sĩ” U.55

Thứ sáu, 11/04/2014, 23:49 (GMT+7)

Gọi ông là “hiệp sĩ” đường phố, ông xua tay “đừng nói thế, nghe dị quá”. Trêu ông, đã 55 tuổi, bị hen suyễn thì lấy đâu sức khoẻ để bắt cướp, ông trợn mắt “không dám yếu đâu, khi thấy cướp, trai tráng 20 không bằng tui đâu nghe…”. Ông là Võ Việt Cường - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định, thuộc LĐLĐ quận 1, TPHCM. Hơn 5 năm chạy xe ôm, ông đã tham gia truy bắt, phát hiện hàng chục vụ cướp giật, ma tuý, là tấm gương cho 152 anh em trong nghiệp đoàn noi theo.

Gọi ông là “hiệp sĩ” đường phố, ông xua tay “đừng nói thế, nghe dị quá”. Trêu ông, đã 55 tuổi, bị hen suyễn thì lấy đâu sức khoẻ để bắt cướp, ông trợn mắt “không dám yếu đâu, khi thấy cướp, trai tráng 20 không bằng tui đâu nghe…”. Ông là Võ Việt Cường - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định, thuộc LĐLĐ quận 1, TPHCM. Hơn 5 năm chạy xe ôm, ông đã tham gia truy bắt, phát hiện hàng chục vụ cướp giật, ma tuý, là tấm gương cho 152 anh em trong nghiệp đoàn noi theo.

“Hiệp sĩ” U.55
Vợ ông Cường - bà Tuyết Hoa - luôn ủng hộ công việc của chồng.

Gương sáng phố phường

Hôm ông Cường được Ban tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước TPHCM mời lên giao lưu với vai trò là gương điển hình tiêu biểu, “hiệp sĩ” lên sân khấu với cánh tay phải bó bột. Ông cười “không sao đâu, đau sơ sơ thôi mà, đã theo cái nghiệp bắt cướp thì gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường”.“Hôm đó là ngày đầu tiên đi làm lại sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tôi vừa ra khỏi nhà thì thấy một cô gái la thất thanh: Cướp, cướp. Phía trước, có một tên thanh niên đi xe máy đang rồ ga, vọt chạy. Theo phản xạ, tôi liền phóng xe theo. Từ cầu Bông (quận 1), tôi đuổi về quận Bình Thạnh. Thấy tôi gí sát nút, tên cướp vứt lại chiếc túi xách. Tôi cúi nhặt túi xách, quay đầu xe để chạy về trả cho cô gái thì bị một người chạy chiếc SH đi tới quẹt ngang tay lái, tôi loạng choạng, nhưng không té. Thấy vậy, người chạy xe SH cũng đi luôn. Định thần lại thì thấy bàn tay tôi máu tuôn ra...” - ông Cường kể chuyện đuổi cướp, gặp nạn phải nhập viện điều trị gần 2 tháng trời mới khỏi bằng cái giọng nhẹ thênh của người Sài Gòn.

Đó là lần thứ bao nhiêu truy đuổi bọn cướp ông cũng không nhớ rõ. Ông cho biết, ngày trước cha mẹ nghèo lại ít học, để nuôi vợ con, ông chạy xích lô gần 20 năm. Khi thành phố cấm xích lô máy, xe ba gác khu vực nội thành, ông tìm mua một chiếc xe máy “ma” (xe máy cũ được đưa về từ Campuchia - PV) và chuyển qua chạy xe ôm.

Tháng 12 năm 2007, LĐLĐ quận 1 thành lập Nghiệp đoàn xe ôm, vận động anh em hành nghề xe ôm vào tổ chức Công đoàn, qua đó tuyên truyền, giáo dục anh em chấp hành các quy định của Nhà nước về pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường và đặc biệt là phối hợp với công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự, điều tiết giao thông, phòng chống tội phạm trên địa bàn quận. Thấy mô hình hay hay, ông và 98 anh em khác viết đơn xin tham gia.

Ông kể, vụ án đầu tiên ông “phá” liên quan đến ma tuý, sợ bị trả thù dữ lắm. Sau đó, một lần đi đón khách vào sáng sớm, ông nghe giọng hai người phụ nữ đi tập thể dục la lớn. Nhìn thấy một thanh niên chân đất đang cắm đầu chạy, không kịp suy nghĩ, ông thả xe, nhảy bổ ôm lấy tên cướp. Vốn là dân “có nghề”, đai nâu taekwondo, đai xanh judo, ông đã dễ dàng đánh bật chiếc dao bấm, khống chế tên cướp, lấy lại được sợi dây chuyền 6 chỉ vàng cho nạn nhân.

“Sau vụ đó, tôi tự tin lên hẳn, giờ thấy cướp tôi chẳng sợ, tôi lại còn mong được gặp bọn chúng. Mình mà sợ là bọn cướp giật làm tới, cướp nó đâu có trừ ai, mình mà trốn tránh nó thì có ngày nó sẽ cướp của người thân mình” - ông Cường cười hào sảng.

“Hiệp sĩ” U.55
Bức vách của căn phòng dường như không đủ để ông treo bằng khen, giấy khen về thành tích bắt cướp của mình.  

5 năm, ông Cường đã tham gia 29 vụ bắt cướp, chưa kể hàng chục vụ lẻ tẻ, truy đuổi bọn cướp, lấy lại được tài sản cho người bị hại. Năm 2013, ông được 152 đoàn viên trong nghiệp đoàn bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định. Với vai trò người đứng đầu, ông vận động anh em cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn mình hoạt động.

“Nguyên tắc của anh em khi tham gia truy bắt cướp là không được gây tai nạn cho người đi đường, khi tiếp cận được tên cướp phải hết sức cẩn thận, xử lý nhanh gọn, không để người dân hiếu kỳ tập trung gây ùn tắc giao thông, đảm bảo tài sản cho nạn nhân” - ông Cường nói.

“Chú sợ bị bọn cướp trả thù không?” - tôi hỏi. “Có lần tôi bị bọn buôn bán ma tuý chỉ thẳng vào mặt, chửi tục, dọa trả thù rồi đó chứ, nhưng mà tôi cứ kệ. Giờ anh em chúng tôi không chỉ chờ bọn cướp ra tay rồi mới đuổi bắt, mà phải chủ động phòng ngừa. Khi bà con cô bác thông báo, mô tả đặc điểm của bọn bị nghi vấn, chúng tôi sẽ lập tức ghi vào sổ. Anh em sẽ thông báo cho nhau chú ý đề phòng, hễ thấy bọn chúng có ý đồ là mình đón đầu, bắt ngay tại trận.

Thực ra, nếu chú ý quan sát thì bọn cướp rất dễ bị nhận ra. Bọn cướp giật chủ yếu là con nghiện, ánh mắt lờ đờ, mặt lúc nào cũng ngó nghiêng, chúng đã nhắm con mồi rồi là đảo tới, đảo lui vài lần. Tui đỗ xe chờ khách, ai đi qua, đi lại là tui biết ngay” - ông chủ tịch U.55 phân tích.

Vác tù và hàng tổng cũng vui!“

Lại nói về chuyện gãy cái tay, bà vợ tôi cằn nhằn suốt. Tiền thuốc men không ai lo, bảo hiểm y tế không có, không đi làm được, nhà đã khổ lại càng khó” - ông thanh minh khi bà vợ Nguyễn Thị Tuyết Hoa đến bên cạnh ông. Bà Hoa cười: “Không cằn nhằn ổng mới lạ. Năm đầu tiên, ổng tham gia bắt cướp, phường, quận tặng bằng khen ỳ xèo mà ổng giấu biệt. Đâm xe vào bọn cướp làm cái đầu xe vỡ nát, ông lại bảo là... tự ngã dúi đầu xe. Chỉ đến năm 2009, khi ông được mời đi giao lưu trong chương trình “Gương sáng phố phường”, được quay lên tivi, được người ta tặng tiền, tặng xe đạp... ông mới không giấu được nữa”.

Nói vậy thôi, chứ bà Hoa bảo, bà rất vui vì “hai thằng con tôi lại ủng hộ ba nó. Nhà nghèo, con ít học, đi làm sớm, nhưng được cái đứa nào cũng ngoan. Chúng bảo, mỗi khi nhìn thấy những tờ giấy khen của ba nó, cứ nghĩ đến việc ba nó có khi liều cả mạng sống để góp phần giữ gìn trật tự, chống lại cái xấu thì tụi nó không có cớ gì để làm điều gì có lỗi với ba”.

“Hiệp sĩ” U.55
Ông Cường (bên phải) và đồng nghiệp chia sẻ công việc khi không có khách. 

Phần mình, ông Cường bảo, ông không thể bắt được bọn cướp nếu không có sự ủng hộ của gia đình, của bà con. Ví như lần đuổi theo bọn cướp giành lại hộp tiền, hộp card điện thoại trị giá gần 20 triệu đồng cho một cửa hàng, ông đã quăng luôn túi trái cây của khách hàng nhờ ông chuyển giúp. Ông kể: Khi nghe cướp, cướp. Như quán tính, tôi quăng bịch trái cây đánh phịch, rồ ga đuổi theo. Tôi ra dấu cho hai anh em trong nghiệp đoàn cùng quay bắt. Sau khi rượt đuổi qua hàng chục con đường, ngõ ngách, ba anh em chúng tôi cũng tóm gọn hai tên cướp giao cho công an. Sau gần 3 tiếng đồng hồ nhịn đói ngồi viết 4 bản tường trình về sự việc, tôi được “tha” về, lúc đó đã 3 giờ chiều.

Trong câu chuyện của “hiệp sĩ” xe ôm, ông hiếm khi nhắc đến hoàn cảnh của mình, cho đến khi tôi đề nghị được đến nhà ông chụp ảnh. Ông dặn: “Chỗ tôi ở nóng lắm đó, tầng trên cùng, cô chịu khó”. Qua mấy con hẻm ngoằn ngoèo, đi thang bộ lên 4 tầng lầu, chỗ ở của gia đình “hiệp sĩ” gồm 4 người gói gọn trong căn phòng chừng 12m2.

Trưa tháng 4, TPHCM nóng hơn 30 độ C, dường như căn phòng của gia đình ông hứng trọn cái bỏng rát của thành phố. Tôi lên trước, đẩy cửa vào, ông Cường còn đứng ở mé cầu thang tầng 4, nói với theo tiếng được tiếng mất: “Cô cứ lên, tôi bị hen suyễn nên phải đứng nghỉ một lúc...”.

Đứng chờ ông cắt cơn hen trong căn nhà đang hầm hập như lò lửa, tôi không thể nào lý giải được một con người suốt ngày phải lo lắng cơm áo, gạo tiền, chạy ăn từng bữa như ông mà vẫn tích cực bắt cướp, góp phần giữ gìn trật tự phố phường suốt bao nhiêu năm qua.

Tôi thấy xót xa vô cùng, khi ông - một ông già U.55, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định - đang bị bệnh hen suyễn hành hạ, nhưng lại “sợ” đi bệnh viện vì không có tiền, không có bảo hiểm y tế (dù tự nguyện) vì không có chứng minh nhân dân... lại được xã hội gọi là “hiệp sĩ” đầy ngưỡng mộ.

Như đọc được ý nghĩ trong mắt tôi, ông Cường tiến đến vỗ vỗ vai tôi, cười lớn: “Mỗi người một cảnh, chỉ cần mình không thấy hổ thẹn vì những việc mình làm. Cuộc sống vui vẻ thì có gì mà lăn tăn!”.

Lời bình:

“Tôi lên trước, đẩy cửa vào. Ông Cường còn đứng ở mé cầu thang tầng 4, nói với theo trong tiếng được tiếng mất: “Cô cứ lên, tôi bị hen suyễn nên phải đứng nghỉ một lúc...””. Chi tiết này khiến người đọc cũng muốn hụt hơi cùng nhân vật Võ Việt Cường - người phải chạy ăn từng bữa, bị bệnh tật hành hạ, nhưng lại sợ đi bệnh viện vì không có tiền, lại được xã hội gọi là “hiệp sĩ” đầy ngưỡng mộ. Và chính nó đã “cứu” cho những gì “chưa tới” của phóng sự.

Chi tiết là hồn vía, là yếu tố sống còn khiến một phóng sự có thể lay chuyển tâm tư, trí não và trụ mãi trong lòng người đọc. Tiếc là người viết phóng sự biết chú trọng đến việc tìm và “dựng” chi tiết trong phóng sự ngày càng ít đi. Đây cũng là lý do khiến nhiều phóng sự trên báo, thực chất chỉ là bài phản ánh kéo dài do quá chú tâm vào bám và kể lại sự kiện...

Hoàng Văn Minh


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Võ Việt Cường