Tin mới

Hiệu trưởng phát phiếu "hỏi cung" vụ phạt học sinh 231 cái tát: Luật sư lên tiếng

Thứ ba, 04/12/2018, 11:05 (GMT+7)

Trước vụ việc bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2 trả lời các câu hỏi vụ phạt tát 231 cái đối với một học sinh, luật sư cho rằng: "nhà trường không có quyền điều tra".

Trước vụ việc bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 trả lời các câu hỏi vụ phạt tát 231 cái đối với một học sinh, luật sư cho rằng: "nhà trường không có quyền điều tra".

Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh. Ảnh: Tiền phong

Như tin đã đưa, ngày 3/12, dư luận xôn xao trước việc Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2 trả lời phiếu điều tra như "hỏi cung" sau vụ giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy bắt phạt tát 231 cái vào mặt bạn.

Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, ông Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những câu hỏi chi tiết được nhà trường xây dựng theo hướng chối tội, thoái thác trách nhiệm của cô giáo, luật sư Cường cho rằng, các em học sinh lần thứ hai trở thành nạn nhân của nạn phản giáo dục.

"Vụ việc đã được khởi tố nên thẩm quyền điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan điều tra. Nhà trường không có quyền can thiệp để làm sai lệch kết quả giải quyết vụ án", trên VTC News dẫn lời vị luật sư nói.

Theo luật sư, trường hợp các em chưa đủ 18 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự (người chưa thành niên) thì việc hỏi cung, lấy lời khai bắt buộc phải có người giám hộ, phụ huynh hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Việc hỏi cung, lấy lời khai, làm việc của các cơ quan chức năng đối với người chưa thành niên phải đảm bảo cho trẻ em không bị hoảng sợ, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý.

Vì vậy, việc hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh Phạm Thị Lệ Anh yêu cầu các em phải ghi rõ họ và tên, lớp, trả lời tất cả các câu hỏi theo phiếu in sẵn, gây áp lực rất lớn tới các em, hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các em.

Luật sư Cường đề nghị cơ quan điều tra có văn bản yêu cầu nhà trường chấm dứt hành vi điều tra trái pháp luật, có dấu hiệu làm sai lệch thông tin vụ việc.

Phòng giáo dục huyện Quảng Ninh, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng cần có những văn bản ý kiến để trường THCS Duy Ninh dừng ngay mọi hoạt động điều tra trái pháp luật, gây tổn hại đến các em, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.

"Nếu cần thiết, có thể xem xét tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng trường này để phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ và xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ việc", ông Cường nói.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Trí thức trẻ sáng 4/12, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông đã đọc kỹ 19 câu hỏi được cô Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh đưa ra trong phiếu điều tra bắt học sinh phải trả lời và thấy đây là việc làm không nên, sai trái, phản sư phạm.

Phiếu điều tra như hỏi cung gồm 19 câu hỏi của vị hiệu trưởng.

"Sự việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái đã rất rõ ràng, dư luận lên án, công an cũng khởi tố vụ án rồi nhưng tôi không thể hiểu Hiệu trưởng lại chỉ đạo điều tra học sinh như vậy nhằm mục đích gì, với suy nghĩ thế nào?.

Cách đưa ra 19 câu hỏi rồi bắt học sinh trả lời như "hỏi cung" không ai có thể đồng tình và chắc chắn mọi người sẽ càng buồn, phẫn nộ hơn khi trong ngành sư phạm lại có hiện trường thế này", GS Hạc nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT nêu rõ, với học sinh lớp 6 phải trả lời 19 câu hỏi như vậy quá nặng nề, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em.

"Đọc nhiều câu hỏi chính tôi cũng không thể hiểu nổi họ đặt nội dung như tát mạnh, nhẹ, bao nhiêu cái hay có, không tát... nhằm mục đích gì.

Lẽ ra những việc đau lòng, vết hằn như thế này phải để cho các em học sinh trong lớp quên đi chứ không phải gây lại, khiến cho tâm lý của các em chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bản thân tôi thấy rằng, những người làm ra các câu hỏi này thể hiện sự ngớ ngấn và rõ ràng nếu người ngoài ngành nhìn vào sẽ đánh giá đây là tra khảo, xâm hại tâm lý học sinh chứ không phải nhằm mục đích tìm ra sự thật vụ 231 cái tát", GS Hạc nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 24/11, thay vì xử phạt nghiêm hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy sau vụ việc phạt em H.L.N. 231 cái tát, ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) lại yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 phải trả lời 18 câu hỏi.

Các em phải ghi giới tính cùng họ tên đầy đủ của mình vào phiếu điều tra. Cuối phiếu các em cũng phải viết đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…”.

Từ bản điều tra này của học sinh, Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Lệ Anh có Báo cáo số 46 gửi Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng GD&ĐT Quảng Ninh vào ngày 26/11.

Báo cáo có đoạn: “Chiều 24/11/2018, nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc học sinh bị các bạn tát 231 cái là có thật, nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh".

Trong một câu hỏi: “Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?”. Nhiều em trả lời là 7 bạn bị tát, lớp trưởng N.T.N. khi trả lời các nhà báo là 10 bạn bị tát, còn N. trong clip nói chuyện với chúng tôi trước đó cũng khẳng định có 10 bạn bị phạt tát do cô Thủy phát động.

Tuy nhiên, trong lời khai này, cả lớp trưởng và N. đều trả lời 0. Một số học sinh cho hay (các em đề nghị chúng tôi giấu tên), các em bị cấm nói cô phạt tát bao nhiêu bạn, một số bạn vì bức xúc nên viết vào, một số bạn vì sợ mà viết thành 0 bạn. Báo cáo của nhà trường lại bỏ qua câu trả lời này.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news