Tin mới

Hóa đơn tiền điện tháng tăng 'phi mã', EVN lên tiếng lý giải

Thứ hai, 29/04/2019, 15:36 (GMT+7)

Trước những ý kiến trái chiều về hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao, thậm chí bất thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có lý giải về việc này.

Sau khi nhận được hóa đơn tiền điện vào tháng 4, nhiều người dân cho biết họ đã cảm thấy bất ngờ, thậm chí là sốc khi thấy số tiền phải nộp bỗng nhiên tăng vọt bất thường. Trước những ý kiến trái chiều về hóa đơn tiền điện tháng 4, EVN cho biết:

Theo quy luật thời tiết, hằng năm, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Ngành điện cũng khẳng định các thắc mắc của khách hàng về hoá đơn tiền điện đã được giải quyết với tỉ lệ hơn 98%.

Qua theo dõi số liệu sản lượng điện tại TP Hà Nội và TP.HCM cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày.

Đáng chú ý, ngày cao điểm nhất đạt 63,4 triệu kWh (20/4) tại Hà Nội và sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4) tại TP.HCM.

"Mức sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ này của TP.HCM cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay; con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kwh ngày 6/2/2019)", đại diện EVN cho biết.

Biểu giá điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc.

Cơ quan điện lực cũng đưa ra nguyên nhân do điều chỉnh giá bán điện kể từ ngày 20-3 vừa qua. Nếu hộ dùng dưới 50 kWh sẽ tăng hơn 7.000 đồng/tháng, từ 51-100 kWh sẽ tăng hơn 14.000 đồng/tháng, nếu dùng từ 101-200 kWh sẽ tăng hơn 31.000 đồng/tháng.

"Trường hợp khách hàng sử dụng 400 kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn", tập đoàn EVN nêu rõ.

Theo EVN, số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Do số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.

Đơn vị này cũng cho biết, tính đến ngày 26/4 vừa qua, xét riêng tại địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM là 2 TP lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4-2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP.HCM là trên 22%.

Trước đó, chiều 20/3, phát biểu tại buổi họp "Công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, chúng ta có 6 bậc thang đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng từ 50 đến 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%. Đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng tới 300 kWh sẽ phải trả 53.100 đồng. Khách hàng sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng.

Thế nhưng, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố. Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hoá đơn điện tăng lên 50-70% so với các tháng. Chuyên gia này cho rằng, lý giải của ngành điện cho việc tăng giá vừa qua chỉ là một góc độ, nguyên nhân chủ yếu là ở sự bất hợp lý của biểu giá điện.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news