Tin mới

Hoang mang vì bọ đậu đen, người dân làm lễ... "cúng tiễn"?

Thứ năm, 14/05/2015, 08:58 (GMT+7)

Nhiều người độc miệng còn cho đó là dự báo điềm lũ bọ đậu đen tấn công là điềm gở, phải cúng lễ đuổi bọ...

Nhiều người độc miệng còn cho đó là dự báo điềm lũ bọ đậu đen tấn công là điềm gở, phải cúng lễ đuổi bọ...

Những con bọ đậu đen cánh cứng thường đi theo bầy đàn.

Kinh hoàng một ngày thu 10 bao tải bọ

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở ấp Lạc Sơn (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) sống trong hoang mang, lo sợ, vì bỗng dưng bọ đậu đen lũ lượt tràn vào nhà. Bọ đậu đen tràn khắp nhà, từ các vật dụng đến chăn chiếu, mùng, mền, đồ ăn, thức uống... khiến người dân đối mặt với vô vàn phiền phức mà không có cách diệt trừ.

Những người sống lâu năm tại địa phương cho rằng, lũ bọ từng xuất hiện cách đây hàng chục năm và họ đã từng rất vất vả. Thời gian đầu xuất hiện, lũ bọ không nhiều như thời điểm hiện tại. Không ai lý giải được thực trạng, họ chỉ biết rằng lũ bọ xuất hiện vào đầu mùa mưa nhưng lại chưa tìm ra cách khắc phục.

Trong vòng ba năm trở lại đây lũ bọ xuất hiện ngày một nhiều hơn, số lượng cũng vì thế tăng lên gấp bội. Thông thường lũ bọ xuất hiện tại một số nhà lân cận và thường xuất hiện nhiều năm liên tiếp, điều này khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Người ta tìm cách tránh né lũ bọ vì không thể nào diệt hết được chúng. Người ta cũng không lý giải được hiện tượng vì sao lũ bọ lại chọn nhà để ghé thăm, thay vì ở những nơi ẩm thấp ngoài đồng ruộng.

Ngày nào ông Nguyễn Kim Đoán (SN 1955) cũng phải bỏ ra vài tiếng đồng hồ để diệt lũ bọ, nhưng càng diệt thì lũ bọ càng đông. Ông Đoán bảo: “Chúng lũ lượt kéo vào rất đông từ sáng sớm đến tối. Mỗi ngày tôi thu gom cả bao bọ, có nhà bà Diệp Thị Thêu trong ấp một ngày thu cả 10 bao bọ. Nhà tôi đã đối mặt với lũ bọ này năm lần rồi.

Có lẽ, nhà ở trong vườn nên chúng mới tiện thể ghé thăm như thế. Chúng tôi không có cách dẹp chúng, chỉ dùng khò hay xịt thuốc rầy nhưng cũng không ăn thua. Năm trước nhà tôi gom tổng cộng được 12 bao bọ đậu đen, trong khi năm nay chỉ mới đầu mùa thôi mà đã gom được tới 10 bao rồi. Tình trạng này kéo dài, không biết có thời gian để làm ăn gì nữa không”.

Ngao ngán với cảnh hoành hành của lũ bọ, ông Phạm Thanh Long (SN 1929) còn đóng cửa kín mít. Ông Long lo lắng: “Không hiểu chúng xuất hiện từ đâu mà nhiều thế. Chúng tôi đã dùng nhiều cách nhưng không những bọ không giảm mà còn nhiều hơn”.

Cúng lễ đuổi bọ đậu đen?

Đối mặt với sự xuất hiện lũ lượt của lũ bọ, nhiều người hoang mang lo ngại, có người tin rằng đó là một điềm gở. Ông Long chia sẻ: “Có người khách đến nhà tôi giải thích về sự xuất hiện của lũ bọ, anh ta bảo rằng điều này là một điềm gở và cần phải có cách khắc phục. Nhiều năm tôi đã làm lễ cúng bái để lũ bọ rời đi, nhưng chúng lại càng nhiều hơn. Quá ngán ngẫm chúng tôi cũng mặc kệ luôn. Không hiểu sao trong lúc bất lực trước lũ bọ tôi lại tin vào điều tâm linh nhảm nhí đến thế”.

Không chỉ ông Long, nhiều người dân khác thấy cảnh bọ xuất hiện nhiều nên ai mách gì cũng làm. Vì thế, tin vào điều mách bảo của những kẻ lợi dụng yếu tố tâm linh, nhiều người dân đã bày đàn tốn kém để đuổi bọ. Song bọ vẫn bò vào đầy nhà, mà tiền bạc lại “đội nón theo thầy” ra đi. Bất lực nhiều người không chịu nổi cảnh sống chung với lũ bọ, đành bỏ nhà đi ở nhờ hoặc đi biệt xứ.

Bà Phạm Thị Thu (SN 1962, con gái ông Long) là người chứng kiến cảnh khốn khổ của cha mẹ vì lũ bọ nhiều năm qua. Bà Thu cho biết: “Cha tôi bảo ban ngày bọ đã đông, đêm đến chúng còn đông hơn gấp bội, không những thế chúng còn tiết ra mùi hôi rất khó chịu. Nhiều khi cha mẹ phải chạy ra ngoài sân ngồi vì trong nhà quá nhiều bọ. Nhiều bữa tôi qua thấy cha mẹ ngồi trong mùng ăn cơm mà thấy tội. Nhưng cha mẹ vẫn muốn ở căn nhà của mình mà không chịu đi, chỉ khi bọ tấn công quá đông, không ngủ được thì cha mẹ mới chạy qua nhà tôi để ngủ nhờ”.

Bà Phạm Thị Thu chỉ nơi vừa quét dọn, nhưng bọ đậu đen lại ập vào nhanh chóng.

Đồng cảnh ngộ với ông Long là trường hợp ông Nguyễn Văn Thiệu (SN 1943). Trước đây ông Thiệu cũng ngụ tại ấp, nhưng lũ bọ hoành hành khiến gia đình ông vô cùng mệt mỏi. Ông Thiệu cùng gia đình phải cắn răng bỏ nhà đi nơi khác ở. Còn gia đình ông Đoán do muốn giữ lại mảnh đất nên cố ở lại. Một mặt ông Đoán tiêu diệt lũ bọ bằng mọi cách, mặt khác cả gia đình ông phải dọn ra ở kho dự trữ thức ăn cho heo.

Bất lực trước cảnh bọ đậu đen tấn công, nhiều người đã sử dụng chất hóa học để tiêu diệt chúng nhưng bất thành. Trường hợp bà Diệp Thị Thêu, do số lượng bọ đậu đen quá đông, gia đình bà đã sử dụng đủ biện pháp như dùng khò để giết bọ, dùng thuốc trừ sâu, thuốc rầy... nhưng đều bất thành.

Không chỉ gia đình bà Thêu mà nhiều gia đình khác cũng chọn cách tương tự. Theo chuyên gia đánh giá thì những biện pháp xịt thuốc độc hại là quá nguy hiểm. Người dân xịt thuốc độc hại sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ngộ độc và những tác dụng phụ từ thuốc gây nên. Trong khi đó dù sử dụng thuốc độc hại nhưng lũ bọ vẫn không chết, thậm chí còn nhiều hơn.

Nhà bà Diệp Thị Thêu mỗi ngày gom hàng chục bao bọ đậu đen.

Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, đã cử đoàn cán bộ xuống địa phương tìm hiểu và xem xét biện pháp khắc phục. Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân, không nên dùng thuốc xịt có mùi để tiêu diệt bọ đậu đen sẽ gây phản tác dụng. Ở cấp địa phương, những ngày qua cũng rất lo ngại trước thực trạng này.

Nhiều người dân thấy phun hoá chất bọ đậu đen không chết thấy lo sợ, tâm lý bất an. Tuy nhiên, trước thông tin có người lạ cho rằng đó là điềm gở, không ít nhà khoa học cho rằng: Đó là những kẻ cơ hội cố tình “tát nước theo mưa”. Bởi lẽ, bọ đậu đen xuất hiện theo định kỳ, có thể những năm sau nhiều hơn năm trước là do khí hậu biến đổi, môi trường sống chưa đảm bảo vệ sinh. Chính quyền địa phương phải trấn an người dân, tìm cách diệt bọ để xua tan những hoang mang lo ngại yếu tố tâm linh dễ nảy sinh yếu tố tiêu cực bỏ đất, bỏ nhà.

Ông Nguyễn Văn Toại, trưởng ấp Lạc Sơn cho biết: “Hiện bọ xuất hiện ngày càng nhiều tại địa phương gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tâm lý người dân dù chỉ mới đầu mùa mưa. Mong rằng tình trạng này sớm được cơ quan chức năng tìm biện pháp giải quyết để cuộc sống người dân ổn định”.

 

Biện pháp phòng ngừa

Trao đổi với PV, Tiến sỹ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, ấu trùng bọ đậu đen chuyên phân hủy cây mục, lá cây, đến mùa mưa chúng phát triển thành bọ và sống khoảng một tháng.

Bọ đậu đen không gây thiệt hại cho cây trồng nhưng lại trở ngại cho sinh hoạt của người dân. Người dân nên vệ sinh cây mục bằng nấm phân hủy chất hữu cơ để bọ đậu đen không có thức ăn. Nếu bọ vào đến nhà, thì có thể dùng thuộc diệt muỗi, thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt chúng.

   

Mai Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news