Tin mới

'Hồng thuỷ số 3' hình thành trên sông Dương Tử, tình hình rất nguy cấp

Thứ sáu, 24/07/2020, 17:30 (GMT+7)

Cuộc chiến với lũ lụt lịch sử trong năm nay ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quan trọng trong bối cảnh đỉnh lũ thứ 3 đã hình thành trên sông Dương Tử, với mưa lớn dữ dội được ghi nhận ở vùng thượng nguồn.

Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung tâm kiểm soát lũ lụt và hạn hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vừa đề nghị người dân cảnh giác cao độ với đỉnh lũ thứ 3 hình thành trên sông Dương Tử, vì mực nước ở ngưỡng rất cao còn duy trì cho đến đầu tháng 8.

Mạng lưới đê Jingjiang ở thành phố Kinh Châu của tỉnh Hồ Bắc – dự án kiểm soát lũ lớn trên sông Dương Tử (sông Trường Giang) và nhiều con đê khác đang đối mặt nguy cơ lớn do đỉnh lũ thứ 3 kéo đến, khiến đập Tam Hiệp phải xả lũ ở cường độ lớn hơn trước, truyền thông Trung Quốc cho biết.

Ủy ban sông Dương Tử đã yêu cầu nỗ lực tăng cường sự phối hợp giữa các hồ chứa nước với đập Tam Hiệp để kiểm soát tình hình. Ảnh: THX

Theo Trung tâm kiểm soát lũ lụt và hạn hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho biết, tình hình kiểm soát lũ dọc sông Dương Tử đang hết sức nghiêm trọng. Ủy ban Thủy lợi sông Dương Tử đã nâng mức cảnh báo ở đoạn sông Dương Tử chảy qua Hồ Bắc và Hồ Nam, từ mức xanh lên mức vàng vào ngày 23/7.

7 cổng xả lũ của đập Tam Hiệp đã được mở để giải phóng áp lực từ hồng thủy số 2. Ảnh: News CN

Tính đến thời điểm 9 giờ sáng ngày 24/7, mực nước tại đập thủy điện Tam Hiệp ở mức 159,02 mét, lưu lượng dòng chảy đạt 45.800 m3/giây, tăng 2.500 m3/giây so với ngày hôm trước.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc đang theo dõi sát sao mực nước trên sông Dương Tử, cũng như mực nước tại 5 hồ và sông cỡ vừa trên địa bàn tỉnh.

Những hình ảnh chụp tối 19/7 ghi nhận 7 cổng xả lũ của Đập Tam Hiệp được mở.

Tại phía hạ lưu, 'hồng thủy số 2' mới tràn qua địa bàn thành phố Vũ Hán vào tối ngày 23/7. Mực nước trên sông Dương Tử đoạn chảy qua Vũ Hán vẫn ở mức cao và tình hình nghiêm trọng đến mức nào tùy thuộc vào mức độ xả lũ ở đập Tam Hiệp trong những ngày tới.

Kể từ đầu tháng 6, mưa lũ đã ảnh hưởng đến 45,52 triệu người ở 27 tỉnh của Trung Quốc, làm hư hại 35.000 căn nhà. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế do lũ lụt gây ra đã lên tới 116,05 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16 tỷ USD). Ước tính ít nhất 142 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trong đợt lũ năm nay ở Trung Quốc.

Ảnh vệ tinh gây tranh cãi về đập Tam Hiệp (trái) và ảnh của CASC.

Trước nhiều thông tin về đập Tam Hiệp đang bị biến dạng khi phải gồng mình gánh lũ, ngày 21/7, tờ Hoàn cầu thời báo trích lời các kỹ sư nói rằng "sự biến dạng đàn hồi là có thể phục hồi và không phải vĩnh viễn. Đập Tam Hiệp luôn nằm trong giới hạn thiết kế".

Trong một bài báo khác hôm 22/7, Hoàn cầu thời báo dẫn lời Wang Hao, một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tuyên bố "vật liệu bê tông được sử dụng cho con đập này khác với bê tông thông thường" và nó sẽ tiếp tục đứng vững, mạnh hơn cho đến khi đạt "sức mạnh đỉnh cao trong 100 năm".

Ngoài tính toàn vẹn của con đập, nhiều người đặt câu hỏi về mục đích kiểm soát lũ có chủ đích của công trình này khi mà lũ lụt gần đây lan rộng cả trên lẫn dưới đập. Một số người dân Trung Quốc ở những nơi bị ngập lụt nghiêm trọng trong năm nay đã nghi ngờ nhà chức trách xả lũ nhiều hơn để bảo vệ con đập, không màng đến nguy hiểm của họ. Hình ảnh vệ tinh của con đập chụp hôm 9/7 cho thấy toàn bộ các cửa xả lũ đều mở bất chấp việc Trung Quốc chỉ thừa nhận mở 3 cửa.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news