Tin mới

Kế hoạch chặt hạ 6.700 cây xanh: “Hà Nội không có quyền quyết định!”

Thứ năm, 19/03/2015, 16:12 (GMT+7)

“Hà Nội không thể tùy tiện đốn hạ một số lượng lớn cây xanh hàng trăm tuổi khi chưa được Quốc hội thông qua. Trong vụ việc này, Hà Nội không thể tự quyết định” – GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

 

 

“Hà Nội không thể tùy tiện đốn hạ một số lượng lớn cây xanh hàng trăm năm tuổi khi chưa được Quốc hội thông qua. Trong vụ việc này, Hà Nội không thể tự quyết định” – GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Trước thông tin về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội (và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây trên nhiều tuyến đường của thủ đô), với tư cách là Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông cảm thấy lo lắng vì việc đốn hạ này sẽ phá vỡ phần lớn cảnh quan của Thủ đô, làm thay đổi diện mạo của Hà Nội trong nhiều thập kỷ.

GS. Nguyễn Lân Dũng nhận định, niềm tự hào lớn nhất của Thủ đô Hà Nội chính là cây xanh. Hà Nội là Thủ đô, là di sản vô giá của đất nước, thì những hàng cây xanh hàng trăm năm tuổi cũng là tài sản quốc gia; không thể nào tuỳ tiện đốn hạ.

“Tôi thấy khá vô lý thì các lý do đốn hạ 6700 cây được đưa ra như: ảnh hưởng đến quá trình thi công các công trình giao thông, tránh gãy đổ trong dịp mưa bão… Vì chúng ta có rất nhiều các chuyên gia và nhiều phương án để tránh việc phải đốn hạ lượng lớn cây cổ thụ như vậy. Như vậy, nếu có cây bị gãy đổ vì bão thì ta chỉ nên trồng thay thế cây đó chứ không phải là triệt hạ hàng loạt cây các tuyến đường nội thành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan của thủ đô” – Giáo sư cho hay.

Theo phân tích của Giáo sư, một chuyện hệ trọng như vậy, thành phố Hà Nội không có quyền tự quyết định mà phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và sự thông qua của Quốc Hội. Ngoài ra, thành phố phải hỏi ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, Hà Nội không thể tự quyết việc chặt hạ 6.700 cây xanh mà nhất thiết phải có sự thông qua của Quốc hội

Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ông Phí Văn Kỷ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông Lâm nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh,  không nhất thiết phải chặt hạ số cây xanh trên những lý do bất khả kháng như cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn; cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống hay để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Ông Kỷ phân tích, cây xanh phải trồng khoảng 5, thậm chí 10 năm mới có thể có được tán xanh cho đô thị. Nếu những cây hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ thì phải mất bao lâu, thành phố mới có thể có được những tán xanh như thế. Một thực tế có thể thấy rõ là nếu chặt hạ số cây trên, độ che phủ của thành phố bị suy giảm nghiêm trọng. Vậy thì trong những năm tới, liệu Hà Nội có còn là một thủ đô Xanh – Sạch – Đẹp nữa không?

Và trước phát biểu của Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long, cho rằng “Bây giờ đang xây dựng thành phố văn minh hiện đại, muốn tạo ra đô thị văn minh hiện đại, trồng cây cũng theo quy hoạch”, ông Kỷ cho biết, quy hoạch ở đây không phải là phá hết cây cũ và thay thế bằng một lượng cây mới. Ngoài ra, cũng không nhất thiết bấng những cây đẹp để mang đi trồng tận dụng ở khu vực khác. Ông nêu quan điểm, ở những tuyến đường mới của thành phố thì mới nên trồng cây “theo quy hoạch” – nghĩa là cây gì, số lượng bao nhiêu và mật độ như thế nào. Còn ở những tuyến phố cũ, việc quy hoạch bằng cách chặt hạ cây rồi sau đó tiến hành trồng thay thế thì không thực sự cần thiết.

“Theo tôi, quyết định đốn hạ 6700 cây xanh trong thành phố là một việc hệ trọng, dứt khoát phải có sự tham gia ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các nhà khoa học về Lâm Nghiệp và các chuyên gia về cây trồng. Trong đó, các chuyên gia về cây trồng sẽ đóng góp ý kiến về việc trồng thay thế cây gì để đảm bảo đúng theo chuẩn quy hoạch của thành phố, tránh tình trạng trồng bổ sung xong, đến năm mười năm sau lại lặp lại điệp khúc chặt bỏ - thay thế.” - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi bên lề cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 17/3, ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho biết,hiện nay có thể thấy cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn…

Theo ông Long, do ban đầu thành phố không hiểu biết về cây xanh đô thị, nhiều khi trồng lung tung, thậm chí để người dân trồng. Sau này tìm hiểu ra mới rõ ở đô thị thì cây phải có những tiêu chuẩn cụ thể… Trên cơ sở đó, công ty Công viên cây xanh tìm hiểu và thay thế cây.

Ông Long cho rằng, hiện nay việc thay thế cây đã được các cơ quan chức năng bàn bạc. Người dân thì có người ủng hộ, có người không ủng hộ việc làm này. Thành phố không phải lúc nào cũng hỏi, cũng làm theo ý kiến của một số người không đồng tình.

 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news