Tin mới

Kế hoạch, chuyên đề của cảnh sát giao thông là gì?

Thứ hai, 22/08/2016, 16:46 (GMT+7)

Mỗi kế hoạch của CSGT thường định ra các chuyên đề cụ thể để xử lý và thể hiện dưới dạng văn bản dài ít nhất 2 trang giấy. Kế hoạch được quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trước khi làm nhiệm vụ.

Mỗi kế hoạch của CSGT thường định ra các chuyên đề cụ thể để xử lý và thể hiện dưới dạng văn bản dài ít nhất 2 trang giấy. Kế hoạch được quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trước khi làm nhiệm vụ.

Trao đổi trên báo Vnexpress, một cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, kế hoạch của cảnh sát giao thông có thể do cấp Bộ, Cục, Giám đốc Công an thành phố... đưa ra. Mỗi kế hoạch thường định ra các chuyên đề cụ thể để xử lý và thể hiện dưới dạng văn bản dài ít nhất 2 trang giấy.

Kế hoạch được quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trước khi làm nhiệm vụ.

Vị CSGT này lấy ví dụ, với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát sẽ được trang bị máy móc, máy đo để tập trung vào xử lý người vi phạm nội dung này. Tuy nhiên trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện những vi phạm khác mà thuộc thẩm quyền, cảnh sát giao thông vẫn có quyền xử lý.

Đáp lại những băn khoăn của dư luận về thông tin người dân không được yêu cầu đòi kiểm tra kế hoạch, chuyên đề của CSGT của Cục trưởng Cục CSGT Trần Sơn Hà, Cục pháp chế (Bộ Công an) chính thức khẳng định yêu cầu trên là "vô lý".

VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an) cho biết, đó là kế hoạch nội bộ trong công việc của lực lượng công an nên người dân không thể "vô lý" yêu cầu kiểm tra.

Hơn nữa, mỗi cảnh sát khi ra đường làm nhiệm vụ không cầm tờ "lệnh" kế hoạch, chuyên đề này. “Không ai in cả nghìn bản rồi phát cho từng người mà chỉ có lãnh đạo cấp phòng hoặc cấp đội được nhận để rồi quán triệt, giao nhiệm vụ cho cấp dưới", tướng Quân cho hay.

Theo ông, nếu nghi ngờ có kẻ mạo danh cảnh sát giao thông, người dân thay vì yêu cầu được xem kế hoạch kiểm tra chuyên đề có thể kiểm tra bảng tên, thẻ chứng minh công an hay gọi điện thoại đến đơn vị... để xác minh. Điều đặc biệt là cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thường theo tổ chứ không đi một mình.

Tuy nhiên, một số người dân cho rằng cảnh sát giao thông nên công khai kế hoạch, chuyên đề đang xử lý, bởi trong xã hội văn minh, người dân khi được kiểm tra sẽ giúp ngăn chặn việc lạm quyền của cảnh sát.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên báo Đất Việt, TS Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục KTVB - Bộ Tư pháp) thì cho rằng, về nguyên tắc, dân có quyền giám sát, kiểm tra CSGT khi làm nhiệm vụ trên thực địa. Nhưng quyền này phải được thực hiện thế nào là vấn đề cần làm rõ.

Người dân khi thực hiện quyền này cũng không thể tùy tiện, dễ gây khó, gây rối cho lực lượng chức năng, cho CSGT ở ngay vị trí tác nghiệp. Nếu nghi ngờ sai trái, thiếu chuẩn xác của trang thiết bị, người dân có quyền nêu vấn đề, có quyền khiếu nại, thậm chí có quyền tố cáo.

''Nói như vậy nhưng không có nghĩa được nói người dân không có quyền giám sát, kiểm tra. Khẳng định "dân không có quyền này là không đúng", ông Sơn nhấn mạnh.

Cự Giải (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news