Tin mới

Khi câu chuyện ý thức trong rạp phim vẫn phải nói mãi: Xả rác, gác hẳn chân lên ghế trước và "thân mật" như ở nhà, bao giờ mới hết?

Thứ hai, 06/08/2018, 08:51 (GMT+7)

Tiền có thể mua được một cặp vé xem phim, nhưng sự tôn trọng chỉ có thể "mua từ người khác". Mỗi hành động xấu xí trong rạp chiếu phim là 1 lần đánh mất đi sự tôn trọng, làm xấu đi văn hóa xem phim của giới trẻ.

Tiền có thể mua được một cặp vé xem phim, nhưng sự tôn trọng chỉ có thể "mua từ người khác". Mỗi hành động xấu xí trong rạp chiếu phim là 1 lần đánh mất đi sự tôn trọng, làm xấu đi văn hóa xem phim của giới trẻ.

Hiện nay, phần lớn rạp chiếu phim đã ra mắt loại hình ghế ngồi dành cho đôi tình nhân "sweetbox". Loại ghế này được đặt ở dãy cuối cùng, cao nhất trong rạp chiếu, có vách ngăn cao có thể hạn chế tiếng ồn, đảm bảo riêng tư và đặc biệt là không có gác tay ở chính giữa.

Dẫu biết loại hình ghế ngồi này dành riêng cho các cặp đôi, thế nhưng không có nghĩa nó "đa năng" như 1 nhà nghỉ. Hình ảnh được camera hồng ngoại của rạp phim ghi lại mới đây đã khiến nhiều người ngán ngẩm.

Khi câu chuyện ý thức trong rạp phim vẫn phải nói mãi: Gác hẳn chân lên ghế trước, xả rác đầy chỗ ngồi và thân mật như ở nhà, bao giờ mới hết? - Ảnh 1.

Cặp đôi với hình ảnh thân mật quá đà trên ghế Sweetbox bị nhân viên rạp phim CGV chụp lại từ màn hình camera giám sát.

Khi sự việc cặp đôi thân mật thái quá trên ghế sweetbox trong rạp chiếu phim CGV vừa lắng xuống, Cộng đồng mạng lại lắc đầu trước hình ảnh khác của 1 cô gái có hành vi thiếu tôn trọng khi xem phim ở rạp: Mặc quần short, gác hẳn 2 chân lên ghế trước.

Khi câu chuyện ý thức trong rạp phim vẫn phải nói mãi: Gác hẳn chân lên ghế trước, xả rác đầy chỗ ngồi và thân mật như ở nhà, bao giờ mới hết? - Ảnh 2.

Hình ảnh cô gái trẻ gác chân lên ghế trong rạp chiếu phim gây bức xúc - Ảnh: FB

Tất nhiên khi vào rạp phim, sẽ không ai đưa ra những gạch đầu dòng điều cấm kỵ cụ thể như Đừng "ân ái" ở ghế đôi, đừng "thân mật thái quá" với người bên cạnh, đừng đưa chân lên đầu khách trước. Nhưng đó là một trong những điều mà bất kỳ rạp phim nào cũng đã đưa vào quy định: ngoài việc tắt chuông điện thoại, không hút thuốc, quay phim, chụp ảnh..., thì điều quan trọng tối thiểu trong bảng quy định mà bất cứ ai cũng phải làm đó là hãy tôn trọng những người xung quanh. Những cái gạch đầu dòng kia dù không được liệt kê thành văn bản, nhưng cũng hiểu rằng khi làm những điều đó, bạn đã trở nên thiếu ý thức và thiếu tôn trọng người xung quanh thế nào.

Dù vậy, câu chuyện về văn hóa xem phim của một số người vẫn cứ phải nói hoài nói mãi.

Đạp chân vào ghế trước, xả rác đầy chỗ ngồi, hò hét khi phim vẫn đang chiếu...

Trước đây, vào khoảng tháng 11/2017, 1 thanh niên đang mải mê xem phim trong rạp thì ngửi thấy mùi lạ. Mùi lạ ấy không từ đâu khác mà từ chính bàn chân của cặp đôi ngồi phía sau, gác chân lên ghế trước. Thanh niên này đã chụp lại hình ảnh của đôi chân ấy, đồng thời kể lại câu chuyện dở khóc dở cười của mình trên mạng xã hội.

"Mình đang xem phim thì cứ thấy có mùi lạ thoảng qua mũi. Sau đó, mới phát hiện hai đôi bàn chân của một cặp gác lên ghế phía trước vẫy vẫy. Nói thật là suất chiếu muộn, vắng khách và phía ghế trước của hai người đó không có ai ngồi. Nhưng cái kiểu gác chân lên ghế trước, rung rinh rung rinh thoải mái như ở nhà mà không để ý người khác có thấy khó chịu hay ngửi thấy mùi chân của mình không thì không chấp nhận được" - nam thanh niên kể khổ trên Facebook.

Khi câu chuyện ý thức trong rạp phim vẫn phải nói mãi: Gác hẳn chân lên ghế trước, xả rác đầy chỗ ngồi và thân mật như ở nhà, bao giờ mới hết? - Ảnh 3.

Đôi trai gái vô tư gác chân lên ghế trước trong rạp chiếu phim, mặc cho những người xung quanh thấy phản cảm, có mùi khó chịu - Ảnh: FB

Nhắc đến ý thức, văn hóa xem phim, câu chuyện muôn thuở về xả rác bừa bãi và mang đồ ăn ngoài vào rạp lại được kể lại. Nếu như hành động gác chân nói trên gây ảnh hưởng đến khán giả xem phim thì việc xả rác lại trở thành nỗi sợ hãi của nhân viên rạp chiếu.

Cách đây khoảng 1 năm, 1 nhân viên của rạp chiếu phim đã ghi lại những hình ảnh sau giờ chiếu nhìn như một bãi chiến trường. Vỏ bánh kẹo ngổn ngang dưới sàn, bỏng ngô cùng nước uống vương vãi khắp nơi,... Thậm chí, vỏ hoa quả cũng như nhiều đồ ăn khác của khán giả mang từ ngoài vào rạp chiếu cũng ngang nhiên bỏ lại rạp. Nhiều người phải ngán ngẩm: "Ăn vụng không biết chùi mép là đây!".

Những hình ảnh bừa bãi, ngổn ngang sau giờ chiếu phim - Ảnh: FB

Khán giả đến rạp thưởng thức điện ảnh, họ bỏ tiền ra mua chiếc vé xem phim và có quyền tận hưởng những giá trị dịch vụ mà rạp chiếu phim mang lại. Tuy nhiên, những giá trị dịch vụ ấy không hề bao gồm việc làm ảnh hưởng đến người khác. Việc có hành động riêng tư thái quá, gác chân lên ghế hay làm ồn chưa bao giờ được ủng hộ.

Chia sẻ về câu chuyện này, nhiều bạn trẻ là khán giả của các rạp chiếu phim đã lên tiếng kể lại những bức xúc của mình.

Q.N (Hà Nội) - 1 bạn nữ có kỷ niệm kinh hoàng tại rạp chiếu phim CGV Aeon Mall Long Biên, tâm sự: "Mình xem phim Mission Impossible suất chiếu lúc 19h45p ngày 3/8. Một nhóm các em cả nam cả nữ đi xem phim. Vào rạp thì nói chuyện hô hố. Cứ 5 phút đạp ghế 1 lần. Mình quay lại nhắc nhở thì hùa nhau "chị ấy bảo không đạp chân kìa hihi haha". Đến đoạn gần cuối phim nó cho cả giày gác lên ghế. Xong phim dài chúng nó chán rủ nhau về thì như vỡ chợ, đứa đứng đứa ngồi hò hét nhau đi về trong khi phim vẫn đang chiếu và đằng sau chúng nó còn khoảng 50 người.

Hay như bạn trẻ J.D cũng chia sẻ câu chuyện của mình: "Có em ở rạp mình thì cứ đoạn cao trào em vỗ tay như làng em trúng số, cả rạp chép miệng em vẫn ngây thơ không biết gì. Rồi 1 hôm khác lại 1 đôi uyên ương ngồi thuyết minh cho nhau, thơm má nhau. Cái tình huống mà cả rạp biết lâu rồi phút cuối chúng nó lại còn "thấy chưa, anh biết ngay mà, huhu". Còn nhiều nữa: bật điện thoại sáng, nói chuyện to như ở nhà, cười văng bỏng,...".

Thậm chí, bạn M.H (Hà Nội) còn phải đối mặt với 1 nhóm học sinh nhỏ tuổi trong rạp chiếu phim, bị các em làm ồn, thậm chí dính bỏng ngô do các em vô tư ném nhau trong rạp.

"Hôm nay xem Christopher Robin suất 13h45 - 05/08. Mình đã cố chọn giờ cuối tuần và là buổi trưa vì nghĩ rằng sẽ vắng và ít trẻ con. Nhưng không hề. Rạp đông kinh khủng và nguyên nửa hàng bên cạnh của mình là trẻ con, các em chắc khoảng cuối cấp 2.

Lần sau các em giữ yên lặng nơi công cộng giùm, đừng đánh nhau trong rạp, đừng ném bỏng ngô vào nhau (vì các em ném cả vào chị rồi), cũng đừng khoe mình ăn bỏng giắt răng hay không xì nước mũi được. Chị mệt mỏi lắm. Thậm chí có người nhắc các em cũng tỏ thái độ. Từ sau lần này chị cạch xem phim không giới hạn độ tuổi vì các em rồi đấy" - M.H bức xúc kể trên mạng xã hội.

Khi câu chuyện ý thức trong rạp phim vẫn phải nói mãi: Gác hẳn chân lên ghế trước, xả rác đầy chỗ ngồi và thân mật như ở nhà, bao giờ mới hết? - Ảnh 5.

Hình ảnh 3 thanh niên gác chân lên ghế trong rạp chiếu phim được cư dân mạng chia sẻ - Ảnh: FB

...đến nỗi lòng nhân viên rạp chiếu phim

Trong suất chiếu thì khách xung quanh bị ảnh hưởng, còn sau mỗi suất chiếu thì chính nhân viên rạp phim phải dọn... hậu quả của nhiều khách hàng kém ý thức. Bạn H.L (23 tuổi, Hà Nội) - 1 nhân viên tại rạp chiếu phim kể lại: "Mình đã từng dọn rất nhiều phòng chiếu, đa số khán giả đến xem phim đều lịch sự, nếu không mang bỏng nước đi vứt thì họ cũng không bày bừa ra. Nhưng có vài bạn lại rất vô ý thức. Mình nhớ có bạn đã mang trà sữa từ ngoài vào rạp, làm đổ lên ghế, bao nhiêu trân châu, thạch dính rất ghê. Có bạn còn trét bã kẹo cao su vào tay vịn nữa. Quá ngán ngẩm luôn.

Trước cửa phòng chiếu luôn có thùng rác mà. Ước gì mỗi khán giả đến xem đều mang rác của mình đi vứt khi rời khỏi rạp thì tốt biết mấy, có nặng nề gì đâu nhỉ?".

Một bạn nam từng làm nhân viên rạp phim ở TP. HCM cũng cho biết, đối tượng khách hàng mà bạn thường xuyên phải nhắc nhở trong rạp đa phần là người trẻ, có một số người lớn tuổi đi cùng gia đình và con cháu của họ. "Có một vài cô, bác quên tắt chuông điện thoại nên khi đang xem phim, thấy điện thoại sáng và chuông reo ầm ĩ thì mới loay hoay nhờ con cháu tắt hộ. Lúc đấy mình cũng có thể thông cảm được nhưng nhiều trường hợp người trẻ, thanh niên dù biết quy định phải không sử dụng điện thoại trong lúc chiếu phim nhưng vẫn vô tư nghe điện thoại và nói chuyện lớn tiếng ảnh hưởng đến khách xung quanh. Một số người thì cầm điện thoại nhắn tin suốt bộ phim, ánh sáng từ màn hình điện thoại khiến nhiều khách phân tâm, mình phải nhắc rất nhiều lần và thực sự mệt mỏi" - Bạn kể lại.

Làm nhiệm vụ nhắc nhở khách xem phim, dù là theo quy định nhưng một số nhân viên thậm chí còn bị khách mắng mỏ, dọa đánh, họ ví von nghề của mình như "làm dâu trăm họ" bởi phải tiếp xúc với rất nhiều dạng người, khách khác nhau.

Những hình ảnh, những câu chuyện về văn hóa xem phim kể trên được nhắc lại như một bài học gửi gắm đến mỗi bạn trẻ. Tiền có thể mua được một cặp vé xem phim, nhưng sự tôn trọng chỉ có thể "mua từ người khác", từ chính những hành động đẹp bạn làm nơi rạp chiếu phim. Cúi khom lưng khi đi qua màn hình, không gây tiếng ồn, cười quá lớn với bạn bè, xả rác đúng chỗ... - những hành động đẹp này cần được nhân rộng.

Văn hóa đẹp nơi rạp chiếu phim là điều mà những công dân như trẻ như chúng ta cần hoàn thiện và coi đó là việc dĩ nhiên phải làm để đảm bảo cho việc vui chơi lành mạnh ở nơi công cộng cũng như hình thành một con người với những thói quen tốt. Hãy để rạp chiếu phim là nơi phát ra những tiếng cười của con trẻ, những sự sâu lắng hay thậm chí là những giọt nước mắt của khán giả với những bộ phim mang đầy những giá trị nhân văn. Là nơi nhớ về khi chúng ta muốn tìm đến cho mình sự giải trí thực sự, chứ không phải những cái lắc đầu ngao ngán về thói quen xấu còn tồn tại khi xem phim tại rạp.

Thục Hạnh

Theo Helino/Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news