Tin mới

Khiêng nạn nhân đang hấp hối vào lề đường rồi bỏ đi: Bị xử lý thế nào?

Thứ bảy, 09/04/2016, 17:05 (GMT+7)

"Nếu 2 thanh niên bỏ mặc nạn nhân bên lề đường nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội" - Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết.

"Nếu 2 thanh niên bỏ mặc nạn nhân bên lề đường nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội" - Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết. 

Ngày 7/4, một trang báo điện tử đưa tin về vụ việc hai thanh niên khiêng một nạn nhân Tai nạn giao thông (địa bàn khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương) vào lề đường rồi bỏ đi, sau đó thì nạn nhân tử vong.

Trao đổi với phóng viên quanh vụ việc này, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty luật Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm. Tội này được quy định tại điều 102 Bộ luật hình sự như sau:

1.  Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Để cấu thành tội này phải thỏa mãn hai điều kiện: "Hành vi không cứu giúp mặc dù có điều kiện" và "Hậu quả dẫn đến chết người từ hành vi trên".

Hiện trường nơi phát hiện nạn nhân tử vong sau khi 2 thanh niên đưa nạn nhân vào lề đường rồi bỏ đi. Ảnh: Dân Việt

Luật sư Nguyễn Minh Long phân tích: dựa trên các thông tin mà báo chí cung cấp, hai thanh niên biết nạn nhân bị tai nạn giao thông nhưng chỉ đưa nạn nhân vào vỉa hè mà không hô người dân sống quanh đó giúp đỡ hay đưa nạn nhân vào bệnh viện, dẫn tới hậu quả thương tâm. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự nói trên, thì người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này.

Cụ thể, nếu 2 thanh niên đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội. Về điều này lại cần phải tiến hành suy xét và điều tra thêm. Đây cũng chính là lý do giải thích cho nhiều trường hợp người dân thờ ơ, không cứu giúp người bị hại nhưng cũng không bị xử phạt hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Để xác định được lỗi của 2 thanh niên trên, cần làm rõ được rằng liệu có phải hành vi không đưa người đến bệnh viện để cứu chữa kịp thời của họ đã dẫn tới một phần cái chết của nạn nhân không. Và khi phát hiện nạn nhân bị thương nặng, hai thanh niên có biết về tình trạng nguy hiểm của nạn nhân không" - Luật sư Long nêu rõ.

Ngoài phân tích khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Giám đốc Công ty Luật Dragon cũng nêu hành vi bị xử phạt hành chính của hai thanh niên. Cụ thể, tại điểm đ, khoản 3, điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, nguyên nhân của việc bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, phần lớn do tâm lý e ngại của người dân, sợ bị liên lụy tới bản thân và gia đình, bị gây khó dễ với các thủ tục rườm rà khi vào bệnh viện... Lý do khác là do sự kém hiểu biết về pháp luật, cho rằng không cứu giúp người bị nạn cũng không vi phạm pháp luật. Hành vi của hai thanh niên trên là một trong những minh chứng cụ thể cho sự vô tâm và sợ liên lụy đó và để lại hậu quả thương tâm.

Trước đó, đêm 07/4, thấy người gây tai nạn đưa xe trốn khỏi hiện trường, hai thanh niên đã đưa nạn nhân đang ngất xỉu (sau này được xác định là ông Phạm Văn Diên , 45 tuổi, quê ở Ninh Bình) đưa vào lề đường phía sau công ty Viglacera (Dĩ An, Bình Dương) rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau, người dân khu vực phát hiện ông Diên đã tử vong.Sáng sớm hôm sau, khi Công an thị xã Dĩ An tổ chức ghi nhận hiện trường, khám nghiệm pháp y thì hai thanh niên này đã đến trình diện, cung cấp thông tin về vụ việc.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news