Tin mới

Không thể dùng tiền ngân sách để bồi thường cho việc làm đường nứt nhà dân

Thứ năm, 14/12/2017, 14:24 (GMT+7)

Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 khiến nhà dân bị nứt không thể dùng tiền ngân sách để bồi thường.

Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 khiến nhà dân bị nứt không thể dùng tiền ngân sách để bồi thường.

Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, với sự điều chỉnh linh hoạt, cần thiết, sáng 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 19.

Theo thông tin trên Tri thức trực tuyếnTTXVN đăng tải, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải quyết bồi thường khi nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Ban Quản lý tại 31 dự án (15 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ; 3 dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; 13 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ theo hình thức BOT), ước tính có hơn 35.000 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng 166,793 tỷ đồng.

Công nghệ thi công với máy móc cỡ lớn và sức ép tiến độ dự án được coi là nguyên nhân gây lún nứt nhà dân (ảnh chụp QL 1A đoạn qua Thanh Hoá trong quá trình thi công). Ảnh: Tuổi Trẻ

Để có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng, tránh việc khiếu kiện đông người kéo dài và thực hiện quyết toán công trình, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án này để chi trả bồi thường thiệt hại.

Phần vốn này được lấy từ kinh phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư của các dự án và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương xem xét, xác định đối tượng, mức độ ảnh hưởng, quyết định giá trị thiệt hại và thực hiện chi trả bồi thường trên cơ sở kết quả giám định tổn thất của đơn vị tư vấn giám định độc lập.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc khẩn trương xem xét, tháo gỡ các vướng mắc để có phương án bồi thường, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc, xem xét, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường.

Về nguồn vốn bồi thường, các đại biểu cho rằng, việc bồi thường thiệt hại cho người dân có nhà ở, công trình xây dựng bị ảnh hưởng phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Đa số ý kiến nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, việc khảo sát, đánh giá hiện trạng trước thi công; tính toán, sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các giải pháp trong thi công, quyết định phạm vi, hạn mức mua bảo hiểm công trình thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu thi công. Do đó, trong trường hợp xảy ra thiệt hại, nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường, ngân sách Nhà nước không bố trí nguồn lực để xử lý các nội dung này.

Việc này giúp nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu thi công trong khâu dự báo, chuẩn bị và triển khai thực hiện dự án; đồng thời tránh tạo thông lệ không tốt, sẽ phải xử lý ở rất nhiều công trình thuộc các lĩnh vực khác nhau, gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Do vậy, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo, rà soát kỹ nguyên nhân để xác định trách nhiệm bồi thường, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đặt vấn đề: Việc thi công ảnh hưởng đến người dân, khi lập dự án có lường trước vấn đề hay không; trách nhiệm này thuộc về Chính phủ, Bộ Xây dựng hay nhà thầu? Trong trường hợp không phân định được thì đưa ra tòa để xử lý dân sự, “trách nhiệm thuộc về ai người đó trả”, làm tiền lệ từ nay về sau thi công dù cho là công trình Nhà nước vi phạm cũng phải ra tòa – Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, không có căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết vấn đề này bởi đây là quan hệ dân sự, quan hệ trực tiếp giữa nhà thầu với người dân. Trong điều hành, tránh tình trạng Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm thay, can thiệp sâu vào công việc cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ giám sát trực tiếp, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Quốc hội khách quan khi đề cập đến những vấn đề liên quan tới người dân, tài chính, ngân sách.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận. Ảnh: Quochoi.vn

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Việc đền bù do thi công dự án gây nên thiệt hại cho hơn 35.000 hộ dân với số tiền 166,793 tỷ đồng cần được xử lý, giải quyết thấu đáo.

Tuy nhiên, nội dung Chính phủ trình không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thuộc trách nhiệm giải quyết của Chính phủ. Đây là trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu và người dân nên phải thực hiện theo Bộ luật Dân sự, không thuộc phạm vi xử lý của ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với sự giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hướng dẫn, giải thích rõ cho người dân biết để tạo sự đồng thuận cao.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news