Tin mới

Khủng bố 11/9: 102 phút chấn động và 13 năm ám ảnh của lịch sử thế giới

Thứ ba, 09/09/2014, 11:23 (GMT+7)

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chấn động trước tin nước Mỹ bị tấn công khủng bố. 13 năm trôi qua, những cảnh tượng kinh hoàng xảy ra sau khi bốn chiếc máy bay bị không tặc khống chế lao vào các biểu tượng nước Mỹ vẫn là một nỗi ám ảnh đối với người Mỹ và cộng đồng quốc tế.>> Nước Mỹ sau 12 năm của vụ khủng bố chấn động 11/9 >> Hé lộ nguyên nhân Bill Clinton từng tha chết cho bin Laden trước khủng bố 11/9

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chấn động trước tin nước Mỹ bị tấn công khủng bố. 13 năm trôi qua, những cảnh tượng kinh hoàng xảy ra sau khi bốn chiếc máy bay bị không tặc khống chế lao vào các biểu tượng nước Mỹ vẫn là một nỗi ám ảnh đối với người Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Ngày định mệnh 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách hiệu Boeing đang trên đường từ Boston, Newark và Washington D.C tới San Francisco, Los Angeles và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. 13 năm trôi qua, cả thế giới vẫn không thể quên 102 phút chấn động lịch sử nước Mỹ đó.

Năm 1993, một quả bom với sức công phá tương đương 1,1 tấn thuốc nổ TNC đã phát nổ tại Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tọa lạc tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ nhưng hai tòa tháp vẫn đứng vững.

Tuy nhiên, 8h46 ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).

 

Khoảnh khắc chuyến bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines lao vào tòa pháp phía nam Trung tâm Thương mại Thế giới lúc 9h03 sáng ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương

Sau đó 17 phút, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam. Mùi nhiên liệu máy bay, sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách tự tử để thoát khỏi chúng.

Ba tòa nhà trong khu trung tâm Thương mại thế giới đổ sập vào ngày bị tấn công. Tháp phía Nam của Trung tâm thương mại thế giới sập lúc 9h59 sau khi cháy bừng bừng trong 56 phút do tác động của chuyến bay 75 của United Airlines. Tháp phía bắc bị sập lúc 10h28 sau khi cháy khoảng 102 phút.

Một nhóm không tặc khác điều khiển chiếc máy bay với số hiệu chuyến bay 77 của American Airlines đâm xuống Lầu Năm Góc lúc 9h37 khiến 125 người thiệt mạng, gồm 70 dân thường và 55 nhân viên quân sự. Chiếc thứ 4 của United Airlines, số chuyến 93, đâm xuống gần Shankville, Pennsylvania lúc 10h3, sau khi các hành khách trên boong vật lộn với những kẻ không tặc. Theo dự kiến, chiếc máy bay thứ 4 này sẽ nhằm vào tòa nhà Quốc hội Mỹ - đồi Capitol hoặc Nhà Trắng.

Cú va chạm giữa máy bay chở khách với tòa tháp phía nam tạo thành quả cầu lửa khổng lồ giữa không trung. Bên cạnh đó, tòa tháp phía bắc vẫn tiếp tục bốc cháy dữ dội

Một số hành khách có thể dùng dịch vụ điện thoại trên máy bay hoặc điện thoại di động đã cung cấp thông tin như có bao nhiêu tên không tặc trên máy bay và một số hành khách bị đánh. Các báo cáo cho biết, trên máy bay, những kẻ không tặc đã đánh đập và giết hại phi công, tiếp viên và trong một trường hợp là cả hành khách.

Trên chuyến bay số 93 của United Airlines, một đoạn băng ghi âm trong khoang lái cho biết, phi hành đoàn và hành khách đã cố giành quyền kiểm soát máy bay từ tay bọn không tặc sau khi nghe điện thoại rằng một vụ cướp máy bay đã xảy ra lúc sáng, và máy bay lao vào tòa nhà. Không lâu sau đó, máy bay lao xuống một cánh đồng gần Shankville, Pennsylvania lúc 10h03 khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (bao gồm cả nhóm không tặc).

Mike Smith, một người lính cứu hỏa, nói: "Khắp nơi tràn ngập hỗn loạn. Từ cảnh sát đến người đi đường, lính cứu hỏa,... ai cũng gào thét, khóc lóc và chạy loạn. Cảnh tượng hệt như một trận chiến ác liệt. Rất nhiều người bị thương".

Ở tòa tháp phía Bắc, nhiều người mắc kẹt quyết định đu mình trên cửa sổ nhằm tìm cách thoát thân. Những cửa sổ này nằm ở độ cao 400 m so với mặt đất

New York ở trong tình trạng báo động. Giới chức ra lệnh phong tỏa tất cả các đường hầm và cầu trong phạm vi toàn thành phố. Mọi chuyến bay ngang qua hoặc tới New York đều bị cấm, hủy hoặc đổi đường bay.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ. Mọi chuyến bay đều bị hoãn hoặc phải hạ cánh khẩn cấp. Cơ quan an ninh tổ chức sơ tán tại nhiều khu vực quan trọng như Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Liên Hiệp Quốc...
 
Gần 13 năm trôi qua kể từ "ngày đen tối của nước Mỹ", hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng.

Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết trừ đám cưới con gái, vụ khủng bố 11/9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông. Khi đó, Bush đang tham dự một sự kiện giáo dục ở bang Florida. Sau khi biết tin về sự việc xảy ra với Tháp Bắc WTC, ông nghĩ đó chỉ là một tai nạn nhưng sau khi Andy Card, lúc đó là Chánh văn phòng Nhà Trắng, thông báo chiếc phi cơ thứ hai đâm vào Tháp Nam WTC, cựu Tổng thống biết nước Mỹ đang bị tấn công.

"Khi đó, tôi thực sự rất bàng hoàng và giận dữ. Nhưng trên cương vị là người đứng đầu một đất nước, tôi phải tỏ ra bình tĩnh", Tổng thống Bush nói.

"Tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến trên màn hình cảnh những người trên Tháp Đôi WTC nhảy khỏi tòa nhà và tôi, người đứng đầu nước Mỹ, chẳng thể làm gì giúp họ", Bush nói.

Cựu tổng thống Mỹ George W.Bush gặp gỡ và động viên lính cứu hỏa, những người trực tiếp tham gia nỗ lực giải cứu nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Rất nhiều lính cứu hỏa chết hoặc bị thương khi không kịp thoát khỏi các tòa nhà lúc nó sụp đổ

Cindy Rodriguez, một nhà báo, cho biết, "Hình ảnh một người phụ nữ với những vệt mascara lem trên khuôn mặt in đậm trong tâm trí tôi. Cô ấy nói rằng người ta sẽ tìm thấy chồng chưa cưới của cô. Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng đội cứu hộ sẽ tìm thấy những người còn sống mắc kẹt trong đống đổ nát. Đám đông phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đứng ngoài bệnh viện, chờ đợi những câu chuyện kỳ diệu mà chúng ta đang rất muốn nghe. Tất cả mọi người chờ đợi trong vô vọng. Những phép lạ đã không bao giờ đến".

Vài giờ sau khi các vụ tấn công diễn ra, FBI đã công bố tên và trong một số trường hợp là thông tin chi tiết về những nghi phạm không tặc lẫn phi công. Mohamed Atta, từ Ai Cập, là chỉ huy của 19 tên không tặc và một trong các phi công. Atta chết trong vụ tấn công khủng bố cùng những kẻ cướp máy bay khác. Tuy nhiên, hành lý của tên này chứa đựng các giấy tờ tiết lộ danh tính của toàn bộ 19 tên không tặc cũng như các bằng chứng quan trọng khác về kế hoạch, động cơ, thân thế của bọn chúng.

Mạng lưới khủng bố Al Qeada, đứng đầu là Osama bin Laden là những kẻ phải chịu trách nhiệm vụ khủng bố kinh hoàng này

Tới giữa ngày, cơ quan an ninh nội địa đã nắm được thông tin chỉ tới Osama bin Laden. Ngày 27/9/2001, FBI công bố ảnh của 19 tên không tặc cùng thông tin về quốc tịch. 15 trong số đó là người Ả rập Xê út, 2 tới từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, một từ Ai Cập (Atta) và một từ Lebanon.

FBI đã tiến hành một cuộc điều tra mật danh là PENTBOM, lớn nhất trong lịch sử về vụ tấn công. Cuộc điều tra có hơn 7.000 đặc vụ tham gia. Mỹ khẳng định mạng lưới Al Qeada, đứng đầu là Osama bin Laden phải chịu trách nhiệm vụ vụ khủng bố kinh hoàng này. FBI cũng trưng các bằng chứng cho thấy Al Qaeda và Bin Laden dính líu tới sự kiện 11/9. Chính phủ Anh cũng đưa ra kết luận tương tự rằng Al Qaeda và Bin Laden phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố nước Mỹ. 


Mỹ đã đáp lại vụ tấn công bằng việc mở cuộc chiến chống khủng bố, tấn công Afghanistan để lật đổ chính quyền Taliban, vốn dung túng cho khủng bố Al Qaeda và thủ lĩnh của nó là Osama Bin Laden. Ngoài ra, Washington cũng ban hành Đạo luật yêu nước. Nhiều quốc gia khác cũng củng cố luật chống khủng bố và mở rộng quyền lực cho lực lượng hành pháp.

Hình ảnh Osama bin Laden khi bị quân Mỹ tiêu diệt

Ngày 30/10/2004, Bin Laden lần đầu tiên thừa nhận đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9 và buộc tội Tổng thống Mỹ thời đó là Bush làm người Mỹ "lầm đường, lạc lối".

Ngày 1/5/2011, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố trước thế giới rằng sau 9 năm, 7 tháng và 20 ngày kể từ vụ khủng bố ngày 11/9, Osama bin Laden đã bị quân Mỹ tiêu diệt.

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news