Tin mới

Kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị xử phạt từ 1 đến 18 tỷ

Thứ tư, 08/06/2016, 15:28 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu trực tuyến “Nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình” các độc giả đã được giải đáp những thắc mắc xoay quanh tình trạng và vấn đề quản lý thực phẩm trên thị trường hiện nay.

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu trực tuyến “Nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình” các độc giả đã được giải đáp những thắc mắc xoay quanh tình trạng và vấn đề quản lý thực phẩm trên thị trường hiện nay.

Sáng nay 8/6 chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình” do báo Đời sống & Pháp luật phối hợp cùng báo Người Đưa Tin tổ chức đã diễn ra từ 9h00 đến 10h30.

Buổi giao lưu trực tuyến nhằm chia sẻ những kiến thức về thị trường các loại thực phẩm và quan trọng nhất là giải đáp các thắc mắc trong khâu quản lý cũng như biện pháp ngăn chặn nguồn rau “bẩn” để đưa lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước.

Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nguồn rau sạch cho bữa cơm gia đình" đã diễn ra vào sáng nay 8/6/2016.

Có khá nhiều độc giả đã gửi câu hỏi về cho chương trình, phần lớn các độc giả đều quan tâm về thực trạng rau củ quả trên thị trường hiện nay. Điển hình như độc giả Trần Văn Tuấn Tú có hỏi : “Xin đại diện Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chia sẻ về thực trạng rau củ quả hiện nay ?”

Ông Nguyễn Văn Thuận (bên phải) trả lời câu hỏi của độc giả.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Thuận – Trưởng phòng Quản lý chất lượng Nông lâm sản – Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bộ NN&PTNT cho rằng, sản xuất rau củ quả luôn đối mặt với nhiều vấn đề như sâu bệnh, nấm hại nên người nông dân thường áp dụng các biện pháp như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh, nấm hại. Nếu không tuân thủ nguyên tắc 04 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ có nguy cơ gây mất an toàn cho sản phẩm.

Ông Thuận cũng chỉ rõ 3 loại ô nhiễm chính đối với rau củ quả. Đầu tiên là rau củ quả bị ô nhiễm kim loại nặng, những thực phẩm này thường nằm trong vùng sản xuất bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm như khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ giao thông vận tải, công nghiệp và làng nghề, thậm chí từ sinh hoạt bệnh viện, khu dân cư, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, giá thể bị ô nhiễm, nguồn nước tưới bị ô nhiễm hoặc do sử dụng phân tươi (chất thải của người, động vật).

Thứ hai là các loại rau củ quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép do quá trình canh tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ; liều lượng, đúng lúc, đúng cách.

Và cuối cùng là rau củ quả có tồn dư nitrat do lạm dụng sử dụng phân bón, nhất là phân đạm...

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với rau củ quả, người sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ quy định và tự kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ nêu trên. Cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ quy định của người sản xuất, cảnh báo, thu hồi và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, độc giả cũng quan tâm về các chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức phân phối thực phẩm bẩn ra thị trường. Như độc giả Hoàng An có hỏi: "Thực phẩm bẩn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người tiêu dùng. Những chế tài về xử phạt hiện nay được cho là không tương xứng với hậu quả mà nó gây ra. Có nên tăng nặng các hình thức xử phạt, thậm chí khởi tố hình sự các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm? Nên bổ sung tội hoặc hành vi gì liên quan đến sản xuất, kinh doanh rau bẩn (thực phẩm bẩn) trong luật xử phạt vi phạm hành chính và luật hình sự?"

Luật sư Lê văn Kiên – Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý – đoàn luật sư Hà Nội

Trả lời câu hỏi này, luật sư Lê văn Kiên – Trưởng văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý – đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành (BLHS 1999) trường hợp sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm giả phổ biến nhưng vẫn khó xử lý hình sự vì theo luật sự hiện hành thì chỉ có quy định xử lý vi phạm đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả là lương thực, thực phẩm và thuốc, còn phụ gia thực phẩm như chất tạo màu, hương liệu, điều vị, tạo vị..., thì chưa được quy định.

Tuy nhiên, các hạn chế và thiếu sót trên đây sẽ được khắc phục bởi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/7/2016. Điều luật 193 quy định một cách rất chi tiết và khung hình phạt tăng nặng hơn đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm.

Cụ thể, bất kỳ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo danh mục do Bộ Y tế quy định như các chất tạo hương (hương liệu), hoặc tạo vị (điều vị) như bột ngọt (mì chính),... thì đều bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, tùy theo trường hợp vi phạm cụ thể thì mức án cao nhất là mức án tù chung thân. Không những vậy, Bộ luật Hình sự mới tại Điều 76 vi phạm, trong đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Điều 193 về sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm thì mức xử phạt thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất đến 18 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3năm.

Hoài An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news