Tin mới

Cây "tỷ đô" sẽ được phát triển như thế nào?

Chủ nhật, 13/07/2014, 09:37 (GMT+7)

Phát triển nhân rộng là điều khuyến khích. Song, cần có những bước đi thận trọng với quy hoạch và chiến lược cụ thể, tránh tình trạng nông dân trồng tự phát rồi lại chặt bỏ.

 

 

Phát triển nhân rộng là điều khuyến khích. Song, cần có những bước đi thận trọng với quy hoạch và chiến lược cụ thể, tránh tình trạng nông dân trồng tự phát rồi lại chặt bỏ.

Trong khi cả nhà quản lý và người nông dân vẫn đang còn loay hoay với bài toán "trồng cây gì, nuôi con gì” thì vào những năm đầu thế kỷ 21, đoàn công tác của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã mang một giống cây mới - giống cây mắc ca từ Úc về để trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đây là loại cây không thể không đầu tư và phát triển ở Việt Nam.

Với những ưu điểm về giá trị kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với địa lý, thổ nhưỡng ở Việt Nam, ít sâu bệnh…, giới chuyên gia cho rằng, đây sẽ là một trong những loại cây góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ nông dân Việt Nam. Một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg hạt thì chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha, chúng ta có thể đạt được kim ngạch 1 tỷ USD xuất khẩu mắc-ca, đó là nhận định của những người đem giống cây này từ Úc về Việt Nam.

Và trên thực tế, sau hơn 10 năm loại cây này được trồng thử nghiệm tại một số địa phương thuộc các tỉnh miền Tây Bắc, Tây Nguyên, những lợi ích mà nó mang lại là khá rõ ràng.

Công ty Cổ phần Macca (Macadamia) Điện Biên là một trong những đơn vị trực tiếp trồng thử nghiệm loại cây này. Trong năm 2012 và 2013, công ty đã trồng thí điểm và mở rộng diện tích được trên 57 ha tại tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, nhiều nông dân trực tiếp hợp tác với công ty trồng loại cây này đã đánh giá, đây là loại cây rất phù hợp với khí hậu miền núi, đặc biệt khác với các loại cây trồng khác, mắc ca ít xuất hiện sâu bệnh, điều mà người nông dân lo lắng nhất mỗi khi xác định trồng cây gì, nuôi con gì.

Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển cây mắc ca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn. Và nếu như nhìn một cách khách quan, cây mắc ca sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn không thua kém gì các loại cây trong danh sách "tỷ đô” như cà phê, ca cao đang được trồng rộng khắp hiện nay. Thậm chí nó còn có giá trị kinh tế cao hơn cà phê vì lợi nhuận lớn hơn, còn chi phí đầu vào cũng "dễ thở” hơn.

Hiện nay, quả mắc ca có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg và chủ yếu để sử dụng làm giống. Theo tính toán của giới chuyên gia, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, sau 3 năm trồng cây đã cho bói quả và cho thu hoạch ổn định bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi. Trung bình cây mắc ca 9 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả. Như vậy, chỉ cần quả có giá bán 120.000 đồng/kg, thì 1ha mắc ca đã cho thu khoảng 600 triệu đồng, cao gấp 6-7 lần so với thu nhập từ cây cà phê. Trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc mắc ca thấp hơn đầu tư trồng cà phê. Chính vì vậy, nếu trồng xen cà phê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế rất cao.

 

Cây mắc ca được hy vọng mang lại no đủ cho người dân Tây Nguyên, Tây Bắc.

Nhận thấy tiềm năng và giá trị của cây mắc ca, Chính phủ cũng đang hướng tới mục tiêu nhân rộng phát triển diện tích trồng loại cây này, tập trung cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Và để khuyến khích nông dân đầu tư, doanh nghiệp nhân rộng loại cây quý này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đó nhấn mạnh: "Các dự án trồng cây mắc-ca có quy mô từ 50 héc ta trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/héc ta để xây dựng đồng ruộng, cây giống; hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở”.

Tuy nhiên, do đây là một loại cây trồng mới nên cả DN và người nông dân còn đang rất e dè. Số DN tham gia đầu tư trực tiếp vào loại sản phẩm này cũng khá rải rác, thưa thớt. Có thể điểm ra đây một số doanh nghiệp như công ty Cổ phần Vinamaca, IDT Group, gần nhất là Lienviet Postbank cũng công bố đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắc ca. Như vậy, có thể thấy, số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào loại cây trồng này khá khiêm tốn.

Tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề phát triển loại cây được kỳ vọng là "cây tỷ đô” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng đây là một lĩnh vực đầu tư đột phá cần phải nhanh chóng triển khai.

Dẫu vậy, vẫn còn ý kiến cho rằng, với những đặc tính ưu việt của mắc ca, phát triển nhân rộng là điều nên khuyến khích. Song, cũng cần phải có những bước đi thận trọng với quy hoạch và chiến lược cụ thể, để tránh tình trạng nông dân trồng tự phát rồi lại chặt bỏ đã từng xảy ra như đối với cây cà phê, ca-cao.

Theo Minh Phương/ Đại Đoàn Kết

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: mắc ca cây tỷ đô