Tin mới

Doanh nghiệp "than" lỗ vì tỷ giá: Sự thực thế nào?

Thứ sáu, 11/09/2015, 16:46 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp "than" lỗ vì tỷ giá, tuy nhiên, theo phân tích của giới chứng khoán, thực tế phần lớn khoản lỗ này mới chỉ là khoản lỗ hạch toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.

Nhiều doanh nghiệp "than" lỗ vì tỷ giá, tuy nhiên, theo phân tích của giới chứng khoán, thực tế phần lớn khoản lỗ này mới chỉ là khoản lỗ hạch toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.

Nhiều "đại gia" cũng kêu lỗ

Tin tức trên VnExpress, vấn đề khó khăn trong sản xuất do tác động của tỷ giá được lãnh đạo nhiều Tập đoàn thuộc Bộ Công Thương lên tiếng tại cuộc họp giao ban tháng 8.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương dẫn lời Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin) – Vũ Anh Tuấn cho biết chênh lệch tỷ giá đã làm phát sinh khoản lỗ cho doanh nghiệp trong năm nay khoảng 1.200 tỷ đồng. Vinacomin kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện.

Tương tự, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng tính toán sơ bộ, nếu cộng thêm sản lượng điện do các nhà máy của Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) và Vinacomin sản xuất nhân với chênh lệch tỷ giá thì con số có thể gấp đến 10 lần khoản lỗ mà riêng ngành than đưa ra.

Tuy nhiên, theo ông Hải, nếu đưa tất cả khoản chênh lêch tỷ giá mà các công ty điện thuộc Vinacomin và PetroVietnam tính toán vào giá thành điện thì bức tranh tài chính của EVN sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Tập đoàn này đang thống kê số liệu cụ thể để báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết hài hòa.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương phải báo cáo ý Chính phủ xem xét.

Trước đó, do sức ép Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể tăng lãi suất, hồi giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) và tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên 21.890 đồng một đôla. Đây được xem là biện pháp chủ động, góp phần đảm bảo sức cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam cũng như đảm bảo thị trường tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, hệ quả của biện pháp này đến hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế cũng dần được nhắc tới trong thời gian gần đây.

Theo phân tích của giới chứng khoán, thực tế phần lớn khoản lỗ của các doanh nghiệp mới chỉ là khoản lỗ hạch toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.

Lỗ hạch toán, chưa phải tiền tươi

Báo Tiền Phong đưa tin, sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN thêm 1% và nới biên độ lên +/-3%, đến nay, VND đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY. Điều này ảnh hưởng khá nặng nề tới các DN có khoản vay nợ ngoại tệ và nhiều doanh nghiệp kêu lỗ vì tỷ giá.

Trên sàn niêm yết, những công ty có Doanh thu bằng nội tệ bị ảnh hưởng nhiều nhất xét về mặt lợi nhuận kế toán, xuất phát từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với dư nợ vay hơn 25 tỉ Yen (Nhật Bản), Xi măng Hà Tiên (HT1) với dư nợ vay 72 triệu Euro (EU), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) với dư nợ 134,8 triệu USD và 123,2 triệu Euro. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chứng khoán, thực tế phần lớn khoản lỗ này mới chỉ là khoản lỗ hạch toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.

Tiếp câu chuyện nhiều DN kêu lỗ cả ngàn tỷ đồng vì thay đổi tỷ giá, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đóng trên địa bàn Hà Nội bật mí với PV Tiền Phong: Bản chất của nhiều DN tranh thủ vay ngoại tệ để hưởng chênh lệch chỉ là mất đi phần hưởng lợi từ lãi suất VND và USD.

Cụ thể hơn, vị này đơn cử: “Có DN lớn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng thủy điện bên Lào và bản chất là bán điện về Việt Nam thu tiền đồng. Tuy nhiên, do nằm trong đối tượng được vay đầu tư nên DN đó cứ vay ngoại tệ rồi chuyển đổi cho lời tới ít nhất 5% lãi suất. Chưa kể, có DN còn tìm cách chia nhỏ các sản phẩm dự án ra để lọt vào danh sách được vay ngoại tệ”.

Theo bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, trong Business Plan (Kế hoạch kinh doanh), các DN luôn có dự toán chi phí bù chênh lệch tỷ giá (như 3 năm vừa qua là tính thêm 2% này vào dự phòng hạch toán chi phí và trên thực tế họ phải ký quỹ ngân hàng 2% này - PV). “Tuy nhiên ngay cả khi tỷ giá rơi vào tình thế bất khả kháng tăng thêm 2% và +_ 3% biên độ như hiện tại, thì ngay cả khi đã cộng hết 5% vào, nếu DN vay ngoại tệ và chuyển đổi tiền đồng sử dụng thì trên thực tế, DN không hề lỗ”- bà Vân khẳng định.

“Lâu nay, các DN đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch vay USD so với VND bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận của DN. Việc kêu lỗ đang dấy lên lo ngại các DN lợi dụng việc tăng tỉ giá để đổ lỗi cho việc không có kế hoạch dài hạn trong kinh doanh và viện cớ đó để tăng giá điện”, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính nhấn mạnh trước động thái các “ông lớn” đồng loạt kêu lỗ vì tỷ giá và đề nghị tính khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá thành điện ngày 3/9 vừa qua.

theo Ngọc Anh (tổng hợp)/ Đời sống pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: lỗ