Tin mới

Gửi tiết kiệm 20 năm đổi được 3kg thịt: "Không có cách nào khác"

Thứ sáu, 13/03/2015, 09:21 (GMT+7)

Liên quan đến vấn đề gửi tiết kiệm 20 năm “Gửi 1 căn nhà được 3kg thịt”, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm nói với Tuổi Trẻ: “Dường như đến lúc này chưa thể có cách nào bù đắp được cống hiến của những người đã gửi tiền tiết kiệm từ thời bao cấp cả. Chúng ta rất muốn làm nhưng chưa có cách nào”

Liên quan đến vấn đề gửi tiết kiệm 20 năm “Gửi 1 căn nhà được 3kg thịt”, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm nói với Tuổi Trẻ: “Dường như đến lúc này chưa thể có cách nào bù đắp được cống hiến của những người đã gửi tiền tiết kiệm từ thời bao cấp cả. Chúng ta rất muốn làm nhưng chưa có cách nào”


 

Cụ thể, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ông Cao Sĩ Kiêm cho hay, thời điểm Nhà nước thực hiện Chính sách đổi tiền vào năm 1985, nên xem đây là rủi ro của thời cuộc, dù nhiều người oán thán rằng gửi con bò thì lấy ra chỉ được một con gà.

Trước thời điểm này, anh gửi 1.000 đồng, sau khi đổi tiền nhận được chỉ có 100 đồng. Thậm chí có người đang sung sướng, giàu có nhưng sau khi đổi tiền thì mất hết, phá sản, khánh kiệt.

Đó là tình trạng chung của xã hội khi lạm phát tăng phi mã lên tới 700%. Lạm phát những năm đó được ví như quả bom nguyên tử đánh vào kinh tế, nó không gây ra chết chóc nhưng giết chết dần nền kinh tế.

Ông Lê Minh Toán - người gửi tiết kiệm 20 năm giờ nhận được 3kg thịt. Ảnh: ĐSPL

Với trường hợp như ông Lê Minh Toán và chị Bích Thủy, họ đã dành dụm từ tiền lương cả đời mình để gửi tiết kiệm. Vậy mà sau 20-30 năm gửi tiền, từ 2 chỉ vàng còn 0 đồng hay giá trị mua được một căn hộ giờ mua được vài ba tô phở.,nếu mình truy lại và đòi nguyên giá so với khi người ta gửi tiền thì đất nước này không thể làm được. Vì tiềm lực đất nước rất có hạn. Giờ thì không thể lấy tiền đâu mà bù cho tất cả mọi người khi chúng ta thu còn không đủ chi. Để có tiền bù đắp cho những thiệt thòi của họ thì chỉ có cách phát hành trái phiếu, nhưng nếu phát hành thì không ổn vì sẽ là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng. Nếu để lạm phát tăng cao sẽ làm khổ cả xã hội, hệ lụy rất ghê gớm.

Tôi được biết Chính phủ nhiều lần đã bàn nhưng không đưa ra được giải pháp. Dường như đến lúc này chưa thể có cách nào bù đắp được cống hiến của những người đã gửi tiền tiết kiệm từ thời bao cấp cả. Chúng ta rất muốn làm nhưng chưa có cách nào.

Trước câu hỏi liệu Chính phủ có giải pháp hỗ trợ những người gửi tiền từ thời bao cấp hay không, ông Cao Sĩ Kiêm cho hay, nếu như có giải pháp thì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng đã đề xuất rồi. Mục tiêu này rất tốt đẹp nhưng bị khống chế, áp lực bởi những điều kiện để thực hiện, như tôi nói trên là tiềm lực tài chính của chúng ta rất khó khăn.  Nếu đưa ra chính sách thì phải thực hiện chung cho tất cả đối tượng chứ không thể bù đắp cho người A mà lại không cho người B. Số lượng người gửi tiết kiệm trước đây nhiều lắm, thiệt hại của họ cũng rất lớn. Người ta có 10 đồng thì người ta mất 9 đồng. Đó là lịch sử mà chúng ta đã trải qua. Mọi người có lẽ đành phải chấp nhận.

Trước đó, dư luận xôn xao trước câu chuyện của ông Lê Minh Toán (50 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 1980, ông công tác ở Công ty Điện lực Hà Nội, là nhân viên bậc 5/6, lương 310 đồng/tháng. Vợ ông cũng là công nhân một công ty Nhà nước. Hai vợ chồng nuôi ba người con bằng lương công chức. Lo cho tương lai con cái, cũng là để phòng hoạn nạn, vợ chồng tiết kiệm trong nhiều năm được 4.100 đồng gửi các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương (bây giờ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

“Hai vợ chồng tích cóp từng đồng một, 12 lần đi gửi tiết kiệm, mỗi lần từ 200 - 500 đồng”, ông Toán kể lại trên truyền thông.

Ngày 14/9/1985, Nhà nước ra quyết định đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ được 1 đồng tiền mới. “Mình gửi ở Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền không ảnh hưởng, lãi suất vẫn theo quy định mà sinh lời. Những năm sau đó, hai vợ chồng bận công việc, không ra ngân hàng để kiểm tra số tiền lời lãi. Thay vào đó, tôi chăm chỉ làm thêm, đi khắp các gia đình trong khu phố sửa điện thuê, kiếm thêm tiền sinh hoạt. Còn khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng tôi cứ để đấy, phòng khi nào ốm đau, gặp chuyện bất trắc cần nhiều tiền mới ra ngân hàng rút”, chủ sổ tiết kiệm tâm sự.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thông qua các lần đổi tiền và phát hành tiền mới, những khoản gửi có từ 1/3/1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ là 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

Giai đoạn từ 2/3/1978 đến 31/5/1981, tỷ lệ quy đổi là 2 đồng cũ bằng một đồng mới. Từ 1/6/1981 đến 31/12/1984, tiền được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/1/1985 đến 31/7/1985, hệ số quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/8/1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới.

Năm 2002, công việc đỡ bận bịu hơn, ông Toán cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, địa chỉ và nhiều chi nhánh đổi tên hoặc sáp nhập chi nhánh khác. Việc tìm được địa chỉ rút tiền trở nên khó khăn với ông Toán.

“Vào một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Nhà nước để hỏi, toàn gặp các anh chị nhân viên mới, họ bảo các quỹ tiết kiệm trước đây đã giải thể hoặc sáp nhập nên tôi đành quay về nhà”, chủ tiết kiệm nhớ lại.

Sau nhiều lần tìm địa chỉ để rút tiền bất thành, đầu tháng 6/2002, ông Toán làm đơn phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước Trung ương về việc gửi tiền tiết kiệm từ năm 1982 - 1985, nay muốn rút tiền nhưng không tìm thấy địa chỉ. Khiếu nại này được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết. Ngày 26/6/2002, thanh tra chi nhánh này gửi thông báo đến chủ sổ tiết kiệm, mời đến trụ sở tại số 3 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) xác minh sự việc.

Sau khi tiếp nhận bằng chứng từ chủ sổ tiết kiệm, thanh tra ngân hàng lập đoàn kiểm tra. Kết quả, xác minh được các quỹ tiết kiệm trước đây ông Toán gửi tiền nay thuộc Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam (số 10 Lê Lai, Hoàn Kiếm) và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng (số 25 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Căn cứ vào kết quả thanh tra trên, Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng lập tức rà soát các sổ tiết kiệm ông Toán trong dữ liệu ngân hàng, thông báo sẽ tính lãi theo mức cao nhất trước khi trả tiền cho chủ sổ tiết kiệm.

“Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ sẽ lấy lại được số tiền lớn sau nhiều năm gửi tiết kiệm và tốn bao thời gian khiếu nại”, ông Toán nhớ lại.

Tuy nhiên, ông Toán “ngã ngửa” khi nhận được thông báo của ngân hàng, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi gửi tiết kiệm sau 20 năm nhận được là 109.778 đồng. Số tiền lúc gửi có thể mua được căn hộ nhỏ, lúc nhận, tính cả lãi chỉ đủ mua được ba cân thịt lợn.

Ông so sánh thêm, căn hộ tập thể vợ chồng ông đang sống mua vào đầu năm 1980, giá 3.100 đồng. Cũng khi đó, mệnh giá cao nhất là tờ 10 đồng; trong khi đến năm 2002, mệnh giá cao nhất là 100.000 nghìn đồng, gấp nghìn lần.

Với số tiền ít ỏi nhận được, ông Toán không đến ngân hàng nhận. Ông tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ, cuối cùng đơn từ được trả vòng lại Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.

“Từ đó tôi bất lực, không biết kêu lên đâu”, chủ tiền tiết kiệm nói. Đến giờ, số tiền tiết kiệm trên của ông Toán vẫn nằm trong ngân hàng.

Sự việc tạm thời dậm chân tại chỗ hơn mười năm nay (từ 2002). Ông Toán luôn đau đáu làm sao để có được giá trị số tiền đã gửi. Ông Toán cho hay, nhiều lúc ông “ăn không ngon ngủ không yên”. Bởi theo ông, giá trị tiền lúc gửi là lớn, đến khi nhận được cả gốc lẫn lãi thì thấp thảm hại.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news