Tin mới

Kinh hoàng những "giáo trình" dạy tìm đến... cái chết

Thứ tư, 15/01/2014, 08:48 (GMT+7)

Chỉ cần mấy cú click chuột, trên mạng sẽ xuất hiện hàng triệu video, trang web hướng dẫn cụ thể cách chế tạo "bom mini", thuốc nổ. 

Chỉ cần mấy cú click chuột, trên mạng sẽ xuất hiện hàng triệu video, trang web hướng dẫn cụ thể cách chế tạo "bom mini", thuốc nổ. 

 Mấy ngày qua, người dân trên cả nước bàng hoàng trước hung tin bốn sinh viên  trường ĐH Bách khoa TP.HCM bị "bà hỏa" cướp đi sinh mạng khi đang chế pháo hoa để mang về quê đón tết. Khi nhìn lại vụ việc này, nhiều người mới tá hỏa khi những vật liệu chế pháo, thuốc nổ đang được "thả nổi" trên thị trường. Bên cạnh đó, chỉ cần mấy cú click chuột, trên mạng sẽ xuất hiện hàng triệu video, trang web hướng dẫn cụ thể cách chế tạo "bom mini", thuốc nổ. Đây được xem là những "cuốn giáo trình" dạy người dân tìm đến... cái chết bài bản nhất. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Vụ cháy khiến bốn sinh viên tử vong là một bài học đắt giá cho những ai có ý định

Vụ cháy khiến bốn sinh viên tử vong là một bài học đắt giá cho những ai có ý định "chơi" với thuốc nổ.

Công khai dạy cách chế mìn

Vụ hỏa hoạn trên xảy ra vào khoảng 15h, ngày 11/1 tại khu nhà trọ số 342/29/5 Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10, TP. HCM) do bà Nguyễn Thị Nam (SN 1955) làm chủ. Một số nhân chứng cho hay, họ nghe nhiều tiếng nổ lớn kèm khói bốc lên cao khoảng 30m và lửa bùng lên dữ dội. Chủ khu nhà trọ đã chạy ra hô hoán cho những người ở trọ thoát thân, đồng thời gọi điện báo lực lượng chữa cháy. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC quận 11 đã điều 4 xe cứu hỏa và hàng chục chiến sĩ xuống hiện trường. Trong lúc tìm kiếm nạn nhân, lực lượng cứu nạn, cứu hộ phát hiện 4 xác chết cháy đen và một người bị phỏng nặng.

Đến khoảng 20h30’ cùng ngày, bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương xác nhận, nạn nhân là nam sinh viên Lê Quang Hạ (SN 1994, quê Gia Lai) đang được theo dõi sát sao trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, bốn sinh viên tử nạn gồm: Nguyễn Hoàng Nhân (SN 1992, quê Sóc Trăng), Bùi Quốc Lợi (SN 1993, quê Cần Thơ), Ngô Quang Thiện (SN 1994, quê Gia Lai) và Đoàn Văn Hiếu (SN 1991, quê Đắk Nông). Theo đại diện sở Cảnh sát PCCC TP. HCM, các ngành chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của vụ nổ là do sinh viên Đoàn Văn Hiếu đã ra chợ Kim Biên mua một số hóa chất như ma-giê, lưu huỳnh cùng nguyên vật liệu khác mang về phòng trọ pha trộn làm pháo để chuẩn bị đón tết. Sự việc này cho thấy, việc một người đi mua các tiền chất thuốc nổ dễ dàng như mua bó rau, con cá ngoài chợ là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của họ.

Hiện nay, chỉ cần gõ cụm từ  "chế tạo thuốc nổ”, trang tìm kiếm "Google"  sẽ cho ra trên 1 triệu kết quả hiện lên trong 0,12 giây. Không ít các trang mạng xã hội như: "rongdai...us"; “a5pro...com"; “toi...com"... còn công khai đăng tải, truyền bá thông tin, hướng dẫn cách chế tạo thuốc nổ, địa điểm mua hóa chất để làm thuốc nổ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Điển hình trên trang mạng "You...com" đang lưu trữ một clip trên 5 phút, dạy cách làm thuốc nổ đen. Không chỉ thuốc nổ đen, cách thức pha chế một số thuốc nổ, bom khói màu, súng, pháo hoa... cũng nhan nhản trên mạng Internet.

Còn nhớ, năm 2009, công an TP.HCM đã bắt được kẻ đặt mìn tự chế trong khu vực nhà vệ sinh khách sạn Legend Sài Gòn. Qua xét hỏi, tên này đã khai rằng, nghiên cứu cách chế tạo mìn hoàn toàn trên mạng internet. Ngay sau đó, công an TP.HCM đã kiến nghị bộ Thông tin và Truyền thông xóa bỏ một số trang web tiếng Việt có nội dung hướng dẫn cách chế tạo vật liệu nổ. Việc này cho thấy, lực lượng công an đã nhìn ra hậu quả từ những "cuốn sách" dạy cách "giết người" trên mạng này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những clip này vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng.

Cần ngăn chặn "sách dạy cách giết người"

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, thầy Dương Văn Khoa, giảng viên khoa Vật lý trường ĐH Bách khoa Hà Nội bàng hoàng chia sẻ: "Hai hôm nay, tôi cũng nghe báo chí nói rất nhiều đến vụ việc thương tâm này. Bốn sinh viên tử vong là cái giá quá đắt cho trò "nghịch dại" của các em.  Đây là một bài học sâu sắc cho những ai đang có ý định chế bom, pháo và coi việc làm này là một trò chơi. Bên cạnh đó, đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đến các cơ quan chức năng về việc quản lý những cửa hàng bán các vật liệu tiền thuốc nổ một cách bừa bãi".

Vì được sinh ra ở vùng quê trước đây có truyền thống làm pháo nên thầy Khoa rất am hiểu về cách thức cũng như sự nguy hiểm của những "quả bom mini" này. Theo thầy Khoa, việc lấy phốt pho, ma-giê, chất nổ, thủy ngân và các kim loại nặng... nhồi vào trong quả pháo khiến nó dễ bắt lửa và sức phá hủy của chúng là vô cùng lớn. Chính vì thế, trước đây, thời kỳ Nhà nước chưa cấm đốt pháo, khi sản xuất, người ta thường phải cho than của gỗ cây xoan nghiền nhỏ thành bột trộn lẫn với các hóa chất khác. Việc làm này sẽ giúp làm nhẹ nồng độ chất nổ và giảm sức công phá của "bom mini". "Nếu đúng nguyên nhân khiến bốn sinh viên tử vong là do tự chế pháo hoa thì có lẽ họ đã không sử dụng chất giảm sức công phá. Hơn nữa, ở trong một căn phòng trọ sinh viên diện tích quá nhỏ, việc để pháo nổ khiến tính sát thương cao hơn gấp hai lần bình thường", thầy Khoa nhận định.

Cũng theo vị giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thì qua sự việc này cho thấy tính hai mặt của mạng internet. Trong thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khi người ta học theo "giáo trình" là các clip trên mạng. Hiện nay, chỉ cần vài cái nhấp chuột, sinh viên có thể tìm được đủ các "giáo trình" từ  "thầy" google dạy "chế" súng, bom, pháo... Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Thầy Khoa kiến nghị: "Theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự giám sát khắt khe hơn đối với các thông tin trên mạng. Khi thấy một hình ảnh, đoạn clip mang nội dung xấu như dạy cách làm bom, súng... an ninh mạng cần ngăn chặn ngay để tránh những hậu quả đau lòng như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt các cửa hàng kinh doanh chất nổ cũng rất cần thiết. Không thể có chuyện bất cứ ai ra ngoài đường cũng có thể mua được nguyên liệu chế tạo bom, pháo một cách dễ dàng như thế".

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về hàng loạt các cửa hàng kinh doanh thuốc nổ tràn lan ngoài thị trường, luật sư Đoàn Minh Đức (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, pháp luật đã có những quy định khá rõ ràng về hành vi này. Theo đó, chỉ những đơn vị được cấp phép mới được kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực vật liệu nổ. Nếu hành vi của học sinh mua bán vật liệu nổ để nghiên cứu, tìm hiểu, với trường hợp nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nếu nặng có thể bị xử lý hình sự. Theo Điều 232 của Bộ luật Hình sự về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, khung hình phạt nhẹ là một năm, cao là chung thân. Vụ nổ xảy ra ở căn nhà trọ trong ngõ 342/29/5, Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10, TP.HCM) là một việc vô cùng đáng tiếc và nghiêm trọng. Để tránh những sự việc đau lòng xảy ra, nhà trường cần tuyên truyền về pháp luật, tác hại của các chất gây nổ đến học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, về những trang web có mô tả tỉ mỉ cũng như có video hướng dẫn cách chế tạo thuốc nổ, luật sư Đức cho rằng, các cơ quan quản lý của ngành này cần xem xét lại xem có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đó hay không. Nếu cần thiết phải đóng cửa trang web và xử phạt hành chính thì phải thực hiện ngay.   

Những "đường đi" của tiền chất thuốc nổ

Cũng bàn về vấn đề này, một chuyên gia nhiều năm công tác trong ngành hóa chất cho biết, mặc dù Nhà nước ra các quy định hạn chế kinh doanh, tuy nhiên có những doanh nghiệp đang lén lút nhập khẩu các chất cấm về buôn bán, kiếm lời. Có doanh nghiệp nhập một chất, nhưng khai báo với cơ quan hải quan một chất. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng không có kiến thức về hóa học và điều kiện lấy mẫu kiểm hóa thường xuyên nên tiền chất thuốc nổ vẫn xuất hiện ngoài thị trường. Đó còn chưa tính đến việc hóa chất đi qua đường tiểu ngạch.

Theo Doisongphapluat

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news