Tin mới

Kỹ năng thương lượng với trẻ: Làm thế nào để trẻ nói "vâng"?

Thứ bảy, 23/01/2016, 11:30 (GMT+7)

Dạy dỗ trẻ em thường gắn với việc thương lượng, dù chúng ta có thích hay không, và thương lượng với trẻ là một quá trình đầy thách thức.

Dạy dỗ trẻ em thường gắn với việc thương lượng, dù chúng ta có thích hay không, và thương lượng với trẻ là một quá trình đầy thách thức.

Lý do bởi không phải ông bố bà mẹ nào cũng biết cách diễn đạt yêu cầu mình thế nào để con trẻ có thể nói “Vâng”.Một số bậc cha mẹ cho rằng, cha mẹ không nên thương lượng với con cái vì như vậy có nghĩa là mình đang đầu hàng trước con rồi. Tuy nhiên, theo quan điểm của chị Phan Hồ Điệp – mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, mỗi đứa trẻ đều có quan điểm, suy nghĩ riêng, chỉ có điều trải nghiệm của các con chưa đủ nhiều. Chính vì vậy, bố mẹ nên thương lượng để trẻ hiểu vấn đề, chứ không nên dùng quyền của ông bố, bà mẹ để ép trẻ làm theo ý của mình.

Kỹ năng thương lượng với trẻ: Làm thế nào để trẻ nói
Ảnh minh họa

Theo chị Hồ Điệp, với những đứa trẻ luôn bị bố mẹ ép buộc con phải làm cái này, phải làm cái kia, hoặc con không được làm cái này, không được làm cái kia, thì dần dần trẻ sẽ rất ngại bày tỏ ý kiến của mình, và như thế sẽ nảy sinh 2 trường hợp:

1. Trẻ thu mình vào, mất dần đi sự tự tin.

2. Trẻ sẽ lén lút thực hiện mà không chia sẻ.

Khi cha mẹ không thương lượng với trẻ, bé sẽ không học được cách giải quyết xung đột mang tính chất xây dựng. Nếu cha mẹ không dạy con cách làm việc cùng với mình, bé sẽ không bao giờ biết cách làm việc cùng với người khác.

Lợi ích khi để trẻ thương lượng:

- Thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đến các ý tưởng và quan điểm của trẻ.

- Giúp con trẻ biết cách thỏa hiệp với bạn bè, tìm ra những giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía chứ không chỉ thắng hoặc thua.

- Giúp con trẻ sẽ thưởng thành hơn khi đưa ra những giải pháp tốt mà cha mẹ quan tâm.

- Khuyến khích con trẻ cố gắng đưa ra thêm các ý tưởng, từ đó, kích thích tư duy của trẻ.

Trường hợp không thương lượng là những nguyên tắc đặt ra, quy ước với nhau từ trước. “Ví dụ như ở nhà mình, có một nguyên tắc là từ khi 3 tuổi là Nam phải thu dọn bàn ăn và không có thương lượng gì hết, nguyên tắc này không thay đổi” - chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Trong cuộc thương lượng với con, cần tránh việc để trẻ dùng nước mắt đạt được mục đích thương lượng

Với những hoạt động mà bé mong muốn trải nghiệm thì mẹ nên nói về khó khăn, hậu quả cho con lường trước. Nếu con thực sự muốn trải nghiệm thì hãy để con thực hiện điều này.

Để cuộc thương lượng thành công thì các ông bố bà mẹ chuẩn bị tâm thế đón nhận những ý kiến trái chiều của con. Tránh sự áp đặt để đánh mất cơ hội trải nghiệm của con. Bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của con.

Chị Phan Hồ Điệp kể về cuộc thương lượng gần đây nhất giữa Nhật Nam và bố mẹ, đó là cuộc thương lượng để Nam đi du học nước ngoài. “Mình và bố Nam đều không muốn Nam đi du học khi còn nhỏ như vậy. Tuy nhiên, Nam tự thiết kế giấy mời, mời bố mẹ đến quán cafe cạnh nhà để nói chuyện. Tại đây, Nam trình bày về cái kế hoạch Nam vạch ra từ trước, thể hiện niềm đam mê, khao khát của mình. Khi đó, bố mẹ lặng người đi vì thấy được sự cố gắng của Nam trong cuộc thương lượng.

Mình thất bại trong cuộc thương lượng đó, nhưng mình rất hạnh phúc vì biết con đã trưởng thành, con thành công trên khả năng có sẵn của mình”.

Một cuộc thương lượng thành công đòi hỏi con phải kết hợp rất nhiều kỹ năng và vì thế mà thương lượng giữa cha mẹ và con cái thực sự là bài học tuyệt vời đối với bé.

Theo Gia đình Việt Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news