Tin mới

Ký ức kinh hoàng của chàng trai khiếm thị suýt mất mạng vì cơn cuồng ghen

Thứ hai, 22/06/2015, 14:27 (GMT+7)

Những hình ảnh, sắc màu của cuộc sống cùng với kỉ niệm của những người thân đã vĩnh viễn dừng lại trong kí ức của Nguyễn Văn Thơ khi anh vô tình trở thành nạn nhân của cơn cuồng ghen mù quáng. Vụ nổ mìn đã cướp đi đôi mắt  của Thơ, để lại trên cơ thể anh những thương tật và vết sẹo chẳng chịt khắp cơ thể.

Những hình ảnh, sắc màu của cuộc sống cùng với kỉ niệm của những người thân đã vĩnh viễn dừng lại trong kí ức của Nguyễn Văn Thơ khi anh vô tình trở thành nạn nhân của cơn cuồng ghen mù quáng. Vụ nổ mìn đã cướp đi đôi mắt  của Thơ, để lại trên cơ thể anh những thương tật và vết sẹo chẳng chịt khắp cơ thể.

Nỗi ám ảnh sau 12 năm 

Anh Nguyễn Văn Thơ (1987) đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt, dập xương quai hàm, sống mũi, điếc 1 bên tai và những vết sẹo chẳng chịt khắp cơ thể sau vụ nổ mìn vì cơn cuồng ghen.

Tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Thơ (1987) tại thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP.HN vào một ngày cuối tháng 6, sau 12 năm từ ngày đôi tình nhân  Ngô Mạnh Hùng và Lại Thị Kiều Lan cuồng ghen cướp đi sinh mạng của 3 người và khiến Thơ mất đi đôi mắt, với những vết thương tật vẫn còn hằn trên cơ thể mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ngoài chiếc tivi ra thì chẳng có gì đáng giá, ông Nguyễn Văn Trọng (1955) đang nằm co quắp trên chiếc ghế dài, thỉnh thoảng nhăn nhó vì bị những cơn đau hành hạ. 

Nhắc lại câu chuyện đã từng xảy ra vào 12 năm về trước, trong kí ức của Thơ, đó mãi mãi là những hình ảnh kinh hoàng và ám ảnh nhất, anh chỉ biết buông những tiếng thở dài. Một buổi chiều tháng 9 năm 2003, khi đang còn là một cậu học sinh lớp 10 trường THPT Sóc Sơn, Thơ không bao giờ có thể ngờ rằng đó lại là ngày định mệnh suýt cướp đi mạng sống của mình.  

[mecloud]JwHEscu5KT[/mecloud]Trọ cùng anh họ mình (Nguyễn Văn Viện) để đi học cho tiện, buổi chiều hôm đó, sau khi vừa đi chợ về đến nhà thì thấy vợ anh Viện là chị Trần Thị Nhàn và Nguyễn Văn Thắng (em trai anh Viện) đang tụm trước cửa nhà. Cả ba người cùng quây lại xem thì thấy gói bên ngoài bọc và có ghi dòng chữ “Viện ơi chữa cho tao cái đài. Mai sếp tao lấy. Anh Bình”. Thấy thế, anh Thắng mở ra xem, bên trong là chiếc radio tầm nhỏ, khi vặn núm, tiếng nổ phát ra và sau đó Thơ bất tỉnh không biết gì nữa”.

Thủ phạm không ai khác chính là Ngô Mạnh Hùng và Lại Thị Kiểu Lan. Lan là người yêu cũ của anh Viện, sau khi chia tay, Lan và Hùng yêu nhau. Tuy nhiên, vì bản tính hay ghen, hay tra khảo, Hùng biết được anh Viện là người yêu cũ, nên thỉnh thoảng hay gọi điện và xảy ra cãi vã. Mâu thuẫn lên đỉnh điểm, y đã nảy sinh ý định giết anh Viện để “thỏa cơn giận”. 

Từng học công binh và am hiểu về thuốc nổ, Hùng đã chế mìn dưới vỏ bọc là chiếc radio, y còn đập vỡ các bóng đèn, nghiền nhỏ ra để trộn vào với thuốc nổ. Sự độc ác đó vĩnh viễn cướp đi mạng sống của chị Nhàn, anh Thắng và đứa con mới hai tháng tuổi của chị Lan. Còn Thơ, cơn cuồng ghen đã khiến anh mất đi đôi mắt, dập xương quai hàm, sống mũi, điếc một bên tai, trên cơ thể là những vết sẹo chằng chịt mà trái gió trở trời lại trở nên đau nhức. Hai thủ phạm ác đã phải đền tội, Hùng nhận y án tử hình, còn Lan tù chung thân, nhưng nỗi đau của người ở lại mới khiến những người xung quanh day dứt.

Khi tỉnh dậy tại bệnh viện, chỉ thấy mắt mình bị băng lại, Thơ vẫn chưa biết được rằng kể từ giây phút ấy, những kí ức, hình ảnh và sắc màu suốt hai mấy năm qua cùng những người thân của mình đã mãi dừng lại. Qua câu chuyện tình cờ nghe được từ bác sỹ cùng mẹ mình, Thơ như chết lặng người đi khi biết mình không còn cơ hội được nhìn thấy ánh sáng nữa. 

“Vào viện mình mê man bất tỉnh, đến nửa tháng sau mới biết, khi biết được những điều ấy, thực sự mình rất tuyệt vọng, cảm thấy mọi thứ như sụp đổ, đang được đi học cùng bạn bè, giờ mình không thể tiếp tục được nữa. Tâm trạng lúc đó hoảng loạn. Bạn bè cũng đến thăm, khóc rất nhiều...”

Quãng thời gian sau đó, bản thân Thơ luôn sống trong nỗi ám ảnh sợ tiếng động mạnh, sợ gas. Cùng với đó là sự hoảng loạn khi phải bắt đầu dần chấp nhận với sự thực là mình không thể nhìn được nữa, cũng không có cơ hội được đi học bình thường giống như trước nữa. Mọi ước mơ được bay nhảy của chàng trai đang còn sung sức ấy, bỗng nhiên bị dừng lại chỉ vì cơn cuồng ghen. 

Khó khăn đeo bám

Trong nhà, chiếc TV là vật dùng giá trị nhất

Ông Nguyễn Văn Trọng (bố anh Thơ) vì thương con và suy nghĩ quá nhiều mà sinh bệnh. Ông mắc chứng ung thư vòm họng, trị xạ ở viện K mất nửa năm, hiện tại đã bị di căn 6 tháng. Thêm chứng tiểu đường, thoái hóa cột sống, có thời gian, ông Trọng chỉ ăn được cháo và mì đã xay nhuyễn ra, cơ thể gầy tong teo, nằm co quắp không thể dậy được. Tiếp chuyện với anh Thơ, thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy tiếng ông thở dài. Số tiền chữa trị mỗi lần ông ra khám ung bướu tại Hà Nội cũng lên đến 5 đến 6 triệu.

Gia đình có 4 người con, 3 chị gái đã lấy chồng, còn Thơ sống cùng bố mẹ. Mọi công việc trong gia đình đổ dồn lên vai người phụ nữ gầy gò, cam chịu. Cú sốc với người con trai duy nhất trong gia đình đã khiến bà gần như ngã gục, lại thêm người chồng ốm đau triền miền, cuộc sống của ông chỉ còn hy vọng từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Sính (1955, vợ ông Trọng) ngậm ngùi “Thời gian Thơ phải nằm ở bệnh viện điều trị, trong gia đình chẳng có gì, hồi đó còn có sức khỏe, đi làm gánh gạch thuê, gánh 1000 viên gạch mới được có 14.000 đồng, phải vay mượn tiền để chữa trị cho con, giờ già yếu rồi, không làm được mà cũng chẳng ai thuê nữa”.

Số tiền chữa trị cho Thơ khoảng 40 triệu đồng. Cách đây 2 tháng, ông Doanh (bố phạm nhân Lan) mới đến hỏi thăm và bổi thường số tiền 30 triệu đồng. Số tiền đó bây giờ, chẳng thể nào lấy lại được đôi mắt cho Thơ được nữa, cũng không thể chữa lành được những vết thương trên cơ thể anh sau hơn chục năm bị ám ảnh ấy.

Mặc dù gia đình thuộc hộ nghèo của địa phương, nhưng số tiền hỗ trợ ít ỏi 525.000 đồng mà gia đình được hưởng hàng tháng không thể đủ chi trả cho những lần trị xạ hóa chất cùng thuốc men cho hai bố con. Bà Sính đã hết tuổi lao động nên chẳng ai thuê làm, chỉ trông chờ vào mấy xào ruộng, chăn lợn, chăn gà để kiếm thêm thu nhập.

Ước mơ còn dang dở

Ông Nguyễn Văn Trọng (1955) mắc ung thư vòm hòng, tiểu đường, thoái hóa cuột sống, không thể ngồi dậy, cuộc sống chỉ còn được tính bằng ngày.

Từng ước mơ trở thành một thầy giáo, được đặt chân vào ĐH Sư phạm, nhưng ngày định mệnh đó đã khiến Thơ không còn đủ sức để mơ mộng nữa. Bị thương tật đến 94%, giành giật với sự sống từng ngày, sau 4 năm ròng rã sống trong hoảng loạn, cuối cùng, Thơ cũng nguôi ngoai dần, chấp nhận và bằng lòng số phận.

Anh đã bình tâm trở lại và vẫn mong muốn được đi học, được tiếp tục ước mơ với nghề sư phạm mà mình đã từng mơ ước trước kia. Anh tham gia vào các câu lạc bộ, chia sẻ những câu chuyện, san sẻ những niềm vui nỗi buồn với những người cũng có chung những nỗi đau, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ về việc vừa hoàn thành xong kiến thức cấp 3 tại TTGDTX Nguyễn Văn Tố (Q. Hoàn Kiếm, HN), anh Thơ không giấu nổi sự vui mừng. Mặc dù đi học ở đây tiền học phí, ăn trưa không mất, nhưng anh cũng phải lo khoản tiền giấy bút rồi xe ôm mỗi lần khăn gói ra Hà Nội học vào cuối tuần. Với một người đã bị mất đi đôi mắt, đều đặn cuối tuần nào cũng bắt xe bus đến trung chuyển Long Biên rồi lại bắt xe ôm đi học không còn là điều bình thường nữa. Với mong muốn có được kiến thức, được trở thành thầy giáo sư phạm, anh Nguyễn Văn Thơ đã vượt qua những khó khăn, vượt qua cả nỗi hoảng loạn của chính mình.

Anh Thơ ngậm ngùi cho biết “Nhiều lúc cũng nghĩ nhiều, buồn cũng buồn lắm nhưng đa phần lại rất lạc quan,  vì bây giờ có ốm đau thêm nữa thì trước hết khổ mình, sau lại khổ bố mẹ. Nhà có mỗi mình mình là con trai, cũng muốn xây dựng gia đình, rồi kiếm việc làm để đỡ đần cho bố mẹ đỡ khổ khi về già. Giờ bố bệnh tật như thế, sự sống cũng chỉ mong từng ngày, mình như thế này, lại thêm chứng huyết áp thấp, viêm xoang và amidan mãn tính, cũng cần dùng đến thuốc, một mình mẹ lo không nổi nữa rồi”

Mọi tấm lòng hảo tâm giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Văn Thơ (Thôn Kim Hạ, Xã Kim Lũ, H.Sóc Sơn. TP.HN) ĐT: 01648089268.

Minh Di 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news