Tin mới

Bằng khen có giúp lái xe Camry tông chết người giảm nhẹ hình phạt?

Thứ tư, 02/03/2016, 09:06 (GMT+7)

Theo luật sư, giấy khen là thật hay giả, cấp có đúng đối tượng hay không thì trong câu chuyện giấy khen của UBND quận Ba Đình đối với vụ việc tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng không có liên quan gì tới nhau.

Theo luật sư, giấy khen là thật hay giả, cấp có đúng đối tượng hay không thì trong câu chuyện giấy khen của UBND quận Ba Đình đối với vụ việc Tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng không có liên quan gì tới nhau.

[mecloud]xGL9l83uQX[/mecloud]

Vụ “Xe Camry tông chết 3 người ở Long Biên, Hà Nội” ngày 29/2 khiến dư luận bàng hoàng, thương xót.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Quang Vinh -  người khai nhận là tài xế lái xe Camry đâm chết 3 người khai có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản. Ra tù anh ta làm nghề tự do, làm bảo vệ ở Chi cục Thuế rồi mở tiệm rửa xe. Trong khi ở một bức ảnh được lan truyền trên mạng, Vinh cầm bằng khen có tên Nguyễn Quang Vinh - cán bộ thuộc Đội Hành chính - Nhân sự - Tài vụ Chi cục thuế quận Ba Đình.

Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ việc, PV đã cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Hình ảnh Nguyễn Quang Vinh nhận giấy khen với chức danh cán bộ Hành Chính - Nhân sự - Tài Vụ Chi cục Thuế Ba Đình được lan truyền trên mạng - (Ảnh: FB).

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo thông tin trên báo chí thì có thấy hình ảnh anh Vinh với một tờ Giấy khen do UBND quận Ba Đình, Hà Nội cấp năm 2015, trong thông tin của tờ giấy khen này thì anh Vinh thuộc đơn vị công tác là: Cán bộ đội hành chính - Nhân sự, tài vụ, Chi cục thuế Ba Đình.

Để có thông tin chính thống và chính xác vụ việc trên thì cơ quan có thẩm quyền có thể xác minh tại UBND quận Ba Đình và Chi cục Thuế quận Ba Đình để có câu trả lời chính thức.

Tuy nhiên, dù kết quả thế nào (giấy khen là thật hay giả, cấp có đúng đối tượng hay không) thì trong câu chuyện giấy khen của UBND quận Ba Đình đối với vụ việc tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên cũng không có liên quan gì tới nhau”.

Nếu anh Vinh bị xử lý về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 BLHS thì giấy khen do cơ quan nào cấp cho anh Vinh cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho anh Vinh" - Luật sư nói.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 46 BLHS thì tình tiết "Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" là một tình tiết để tòa án xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi xét xử. Theo hướng dẫn tại mục 5, Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán, tòa án nhân dân tối cao thì: Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua.

Như vậy, chỉ có bằng khen, bằng lao động, huân chương, huy chương mới là những căn cứ xác định là "có thành tích xuất sắc" trong lao động. Còn giấy khen do UBND quận cấp không phải là căn cứ để xác định bị can, bị cáo có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập.

Nếu anh Vinh bị xử lý hình sự về hành vi gây tai nạn giao thông thì việc anh Vinh có giấy khen hay không cũng sẽ không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết vụ án tai nạn giao thông này. Vì vậy, không nên truy xét các thông tin về nhân thân cũng như việc anh Vinh được cấp giấy khen như thế nào để gắn với vụ án này.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm: Ngành thuế là một ngành nghề lao động, một công việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Trong ngành này có thể có người là công chức, là viên chức hoặc là người lao động theo hợp đồng mùa vụ. Mỗi một loại hình lao động, một đối tượng lao động lại có những quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau theo quy định của luật công chức, luật viên chức và bộ luật lao động... Tuy nhiên họ đều cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước.

Theo quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể tuyển dụng những người "nhân thân xấu", những người từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích. Luật thi hành án hình sự, Bộ luật lao động... và nhiều văn bản pháp luật của nhà nước đều khuyến khích các cơ quan, đơn vị tiếp nhận lao động là người đã chấp hành xong án hình sự để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ những trường hợp người bị kết án có hình phạt bổ sung là cấm làm việc có thời hạn trong một lĩnh vực nào đó thì quyền được lao động, làm việc của người có tiền án mới bị hạn chế phần nào. Còn về nguyên tắc theo quy định của Bộ luật hình sự thì một người đã được xóa án tích thì coi như chưa từng phạm tội, họ được đối xử như một người bình thường, thậm chí cần phải quan tâm, ưu ái họ hơn để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, đó không chỉ là chính sách hình sự mà còn là Chính sách nhân đạo của nhà nước ta và hầu hết các quốc gia trên thế giới để thực hiện quyền con người.

[mecloud]RBWMjFsHZQ[/mecloud]

“Trong các vụ án hình sự thì nghi phạm có nghĩa vụ khai báo sự thật của vụ án. Nếu nghi phạm khai báo gian dối thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo. Nếu nghi phạm làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức để hưởng lợi thì hành vi này mới có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Như đã nói ở trên thì cái giấy khen của anh Vinh không có ý nghĩa gì với vụ án hình sự (nếu có). Vì vậy, việc anh Vinh có được giấy khen hay không, giấy khen do cơ quan nào cấp, cấp đúng hay sai không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình sự đó…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo quy định pháp luật thì một người chỉ có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án. Hiện nay anh Vinh chỉ là nghi phạm trong một vụ tai nạn giao thông chứ chưa phải là tội phạm. Trước khi xảy ra sự việc trên, anh Vinh làm việc ở đâu, kết quả thế nào thì đó là các thông tin về nhân thân, là bí mật đời tư của công dân. Mặc dù, dưới góc nghiên cứu, trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm thì có thể nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về nhân thân của những người đã bị kết án để có những đánh giá xã hội học về nhân thân người phạm tội, từ đó có những biện pháp phòng ngừa tội phạm.

Còn đối với những người chưa bị kết án, những nghi phạm thì không nên thông tin quá chi tiết về đời tư của họ. Khi một người bị xét xử, phải chịu hình phạt thì hậu quả không chỉ do mình bị cáo đó gánh chịu, mà có thể ảnh hưởng tới cả gia đình họ (vợ, con, cha, mẹ, họ hàng...), trong nhiều trường hợp một bản án kết tội của tòa án với một bị cáo có thể làm cho họ tan vỡ hạnh phúc gia đình, liên lụy tới cha, mẹ, con cái, làm cho họ không còn cơ hội tốt để làm lại cuộc đời...

Vì vậy, trong những vụ án hình sự, cần thực hiện sao cho đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa của hình phạt là cải tạo giáo dục, kết hợp với răn đe, phòng ngừa, chứ không nên sử dụng hình phạt như một biện pháp trừng phạt, không nên lấy hình phạt, sự ghẻ lạnh, xa lánh, khinh miệt của cộng đồng làm làm vũ khí để đẩy người phạm tội ra khỏi cộng đồng xã hội, không nên quá đà mà chặn đứng con đường trở về làm người lương thiện của họ.

Luật sư Đặng Văn Cường

[mecloud]upYCH4mdEN[/mecloud]

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news