Tin mới

Làng “đa thê” của người Xtiêng đón mùa xuân mới khác lạ

Chủ nhật, 14/02/2016, 07:59 (GMT+7)

“Đường lớn đã mở”, dẫn từ trung tâm thị xã Phước Long vào các xã như Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đắc Ơ… (huyện Bù Gia Mập), mở ra nhiều cơ hội mới, cuộc sống mới cho người dân huyện biên giới cũng như bà con tộc người Xtiêng nói riêng.

“Đường lớn đã mở”, dẫn từ trung tâm thị xã Phước Long vào các xã như Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đắc Ơ… (huyện Bù Gia Mập), mở ra nhiều cơ hội mới, cuộc sống mới cho người dân huyện biên giới cũng như bà con tộc người Xtiêng nói riêng.

Con đường mới này cũng là cánh cổng của hội nhập, phát triển, xé toang những hủ tục lạc hậu xưa kia của bà con người Xtiêng.

Khởi sắc ngày xuân

Trước đây, con đường từ trung tâm thị xã Phước Long vào đến các xã Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đắc Ơ... là một cung đường nhỏ, dốc lên xuống, ngoằn ngoèo. Vượt qua những con dốc, vào tận trong rừng sâu chỉ có những người đồng bào Xtiêng nghèo khó. Dọc hai bên đường từ chợ Phước Long chạy vào xã Phú Nghĩa, thỉnh thoảng có những ngôi nhà nằm ẩn sau những rừng cây.

Lần này quay lại trên con đường mới, rộng thênh thang và khá hiện đại, chúng tôi thấy vui vô cùng. Điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là mảnh đất được coi là bản địa của người Xtiêng của khu vực này: Thôn Bù Gia Phúc 1 của xã Phú Nghĩa. Đến thăm nhà của già làng Điểu Manh, nguyên Trưởng thôn Bù Gia Phúc 1 (người từng dắt chúng tôi đi khắp thôn năm xưa), chúng tôi cảm nhận không khí vui vẻ trong những ngày xuân đang về.

Một góc xã Phú Nghĩa hôm nay.

Ông Điểu Manh là một người rất có uy tín và được bà con tin tưởng. Ngồi hàn huyên lại chuyện cũ với già làng, chúng tôi phần nào hiểu thêm được cuộc sống của đồng bào hiện nay. Khi được hỏi về chế độ đa thê trong thôn, ông Điểu Manh kể: “Nếu như trước đây, một người đàn ông Xtiêng có thể lấy nhiều hơn một sai (vợ), thậm chí có người lấy đến bảy, tám sai nhưng nay thì hủ tục đó bị xoá bỏ rồi”.

Già làng kể chuyện rằng, trong truyền thống văn hoá xưa của tộc người Xtiêng, để lấy được một người vợ, người đàn ông phải trải qua những quy định gắt gao của dân bản. Theo ông Điểu Manh, muốn cưới vợ phải có từ 3 xà lung (chum lớn) – lễ vật của người Xtiêng - đưa cho nhà gái. Hiện nay 1 xà lung có giá khoảng 10 triệu đồng, cộng thêm 4-5 cái tố (ché) - một lễ vật khác bên cạnh xà lung, nếu là tố rồng thì có giá khoảng 1 triệu đồng/cái, tố bình thường khoảng 2 trăm ngàn đồng/cái.

Bên cạnh đó, phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để lo tiền đám cưới. Theo tục lệ, người đàn ông Xtiêng muốn lấy vợ thì phải làm trâu, bò, heo, mời hết nhà gái và bà con dân bản. Còn từ vợ hai trở đi thì chỉ phải trả của, làng không bắt cưới linh đình như vợ đầu. Mặc dù cưới thêm vợ phải tốn nhiều của, nhưng người Xtiêng xưa vẫn muốn lấy nhiều vợ. Thứ nhất là do họ có nhiều đất, cần người làm, thứ hai, họ “cưới vợ về cho vui cửa vui nhà”. Không chỉ thế, bên cạnh “nếp” lấy nhiều vợ, bà con trong bản lại đua nhau vay mượn tiền xây nhà, sắm xe và thường xuyên tổ chức lễ hội đâm trâu hết sức lãng phí, tốn kém.

Trưởng thôn Điểu Duông (người đứng) dẫn PV đến thăm một hộ gia đình làm ăn khá tại địa phương.

“Nếu như trước đây chế độ đa thê còn phổ biến và bà con dân bản luôn tâm niệm, có tiền lấy bao nhiêu vợ cũng được thì nay hủ tục đấy đã chấm dứt rồi chú à”, già làng Điểu Manh vui vẻ nói. Còn nhớ năm 2008, khi chúng tôi đến đây thì được bà Điểu Thị Kim Xuân, cán bộ dân số thôn Đắc Son 1, xã Phú Nghĩa cho biết: “Đời sống của bà con nơi đây không chỉ gặp nhiều khó khăn về kinh tế mà về mặt dân trí cũng còn rất thấp. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi không được đến trường vì hoàn cảnh quá khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm học 2008 – 2009, đầu năm trong sóc chỉ có 3 trẻ đến trường, nhưng đến giữa năm học thì bọn trẻ cũng nghỉ hết”.

Sau 7 năm từ ngày PV đến bản địa của người Xtiêng đời sống bà con nơi đây đã được cải thiện nhiều. Chúng tôi lại trở lại thăm nhà anh Điểu Blur ở thôn Đắc Son 1. Anh có hai vợ, mỗi người có 3 con, tổng cộng là 9 khẩu. “Trong 3 người con của người vợ lớn, có 1 đứa học đến lớp 9 phải nghỉ vì trường xa quá không thể đi học được. Ngày ấy, ước mơ của gia đình tôi là làm sao có điều kiện để cho các cháu được đến trường và dần thoát khỏi cảnh nghèo khó như cha mẹ chúng. Thế nhưng bây giờ thì các cháu còn lại đều được đến trường đi học, tôi thấy vui lắm anh à”, Điểu Blu vui vẻ cho biết trong ngày gặp lại.

Giấc mơ thành hiện thực

Trở lại nơi đây, dù phải vượt qua con đường “lên trời thì gần, xuống chợ thì xa”, nhưng đã có nhiều điều làm chúng tôi ngạc nhiên. Cùng với con đường mới thì một trung tâm hành chính cũng đang mọc lên, tạo nên một đô thị mới ở nơi vốn là rừng sâu “lắm thác, nhiều ghềnh”. Người dân nơi đây nói chung và cộng đồng người Xtiêng nói riêng đang chào đón một mùa xuân vui tươi hơn, ấm áp hơn.

Chúng tôi đến Bù Gia Phúc 1, cũng là “thủ phủ” của các hủ tục xưa của xã Phú Nghĩa và thấy được nhiều sự đổi khác. Ông Điểu Duông, Trưởng thôn, dù đang bận đi thăm bà con đồng bào nhân dịp Tết đến xuân về, song cũng dành thời gian để chia sẻ với chúng tôi về đời sống của đồng bào mình.

Hiện nay các em đã được đến trường học tập, vui chơi... dần tiếp cận với ánh sáng văn minh.

Ông Điểu Duông được biết đến là một gương điển hình của xã Phú Nghĩa trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện, hai vợ chồng ông có 6 ha đất, trồng điều và cao su. Mỗi năm, gia đình ông canh tác trên mảnh rẫy rộng lớn này, trừ đi các khoản chi phí, thu về khoảng 70 triệu đồng. Có điều kiện về kinh tế, Điểu Duông chăm lo cho con cái được ăn học tử tế.

Tương tự, vào xã Bù Gia Mập, một không khí học tập đang diễn ra hết sức sôi nổi ở trường THCS Bù Gia Mập vào những ngày cuối cùng của năm. Trao đổi với PV, cô Điểu Thị Liên, người Xtiêng đang giảng dạy môn tiếng Anh tại trường THCS Bù Gia Mập cho biết, hiện nay, đời sống của bà con người Xtiêng và một số tộc người khác đã bớt vất vả hơn xưa. Đặc biệt, tình trạng đàn ông lấy hai, ba vợ không còn nữa. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng đang thực hiện kế hoạch hóa gia đình khá tốt. Ai cũng suy nghĩ rằng, nên sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Hiện nay, hầu hết các trẻ đều được đến trường. Một số trường hợp bỏ học giữa chừng thì nhà trường và các ban ngành đoàn thể đã vận động để các em trở lại lớp học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tấn Chắc, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa bộc bạch, đời sống của nhiều bà con đã thay đổi tích cực. Những hộ tộc người nào thuộc diện nghèo thì luôn được quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Lãnh đạo xã đã cử cán bộ chuyên trách tìm hiểu các nguyên nhân để có cách giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất đối với từng hộ. Từ các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, chính quyền cũng đã định hướng cho bà con nên trồng cây gì, con gì để có kết quả khả quan nhất.        

Xoá bỏ hủ tục đa thê

“Cùng với hủ tục đâm trâu, phong trào vay mượn mua sắm xe cộ... thì chuyện cưới nhiều vợ của đàn ông người Xtiêng đã không còn nữa. Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và hiểu biết pháp luật nhiều nên bà con đã biết và chấp hành, sống một vợ một chồng”, ông Bùi Tấn Chắc, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa chia sẻ.

Chí Thanh/Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news