Tin mới

Lạnh gáy cảnh người trần tranh chỗ ở với... người âm

Thứ năm, 13/11/2014, 19:51 (GMT+7)

Khi có người muốn đến tìm hiểu về cuộc sống ở "khu phố Cổ Mộ" này, ngay lập tức người dân nơi đây sẵn sàng "chiêu đãi" vài ba câu chuyện sởn gai ốc. Không biết có phải vì điều này hay không mà khu phố thuộc phường Trung Liệt bấy lâu đã trở thành khu phố có một không hai ở Hà Nội sở hữu nhiều câu chuyện rùng rợn đến khó tin…

Khi có người muốn đến tìm hiểu về cuộc sống ở "khu phố Cổ Mộ" này, ngay lập tức người dân nơi đây sẵn sàng "chiêu đãi" vài ba câu chuyện sởn gai ốc. Không biết có phải vì điều này hay không mà khu phố thuộc phường Trung Liệt bấy lâu đã trở thành khu phố có một không hai ở Hà Nội sở hữu nhiều câu chuyện rùng rợn đến khó tin…

Lạnh gáy cảnh người trần tranh chỗ ở với... người âm - Ảnh 1

Phòng ngủ của anh M. hơn 20 năm nay trong khu lăng mộ của cụ Hoàng Trọng Phu.

Giải mã lời đồn "hồn mộ cổ"

Khu phố mà chúng tôi nhắc đến thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, cách phố Thái Hà - một trung tâm mua sắm hàng điện tử chỉ vài chục bước chân. Một cảm giác khác lạ khi đặt chân vào khu phố này đó chính là một quần thể kiến trúc bằng đá đồ sộ... Đó là những ngôi cổ mộ có tuổi đời trên trăm năm nằm xen kẽ với các ngôi nhà hiện đại.

Được biết, khu phố này trước đây là vùng đất thuộc ấp Thái Hà, vốn xưa là quần thể lăng tẩm bằng đá của Phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, lăng tẩm con trai của Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông và gia quyến. Cả một khu phố đông đúc nằm trong lòng ấp Thái Hà xưa với các kiến trúc mộ cổ nên không ít người dành cho khu này tên gọi là phố "Cổ Mộ".

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, đây là công trình có các hạng mục bằng đá quy mô lớn thứ hai ở Việt Nam, xếp sau thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Khu mộ cổ này cũng được xem là công trình kiến trúc bằng đá lớn nhất, độc đáo nhất Hà Nội. Các ngôi mộ đều của con cháu dòng tộc họ Hoàng. Ngoài hai khu lăng tẩm lớn, đồ sộ và có giá trị nghệ thuật cao của Phó vương Hoàng Cao Khải và mộ của Hoàng Trọng Phu thì còn nhiều ngôi mộ khác được an táng ở đây.

Cách đây hơn 40 năm, những người dân tại khu vục này cho biết, các ngôi cổ mộ trên vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, càng ngày dân cư càng đông đúc, nhiều người đã xây nhà một cách tùy tiện xâm lấn đến các ngôi mộ. Cũng có ngôi mộ bị người ta tự ý bốc đi, có ngôi bị xây lấn sát. Thậm chí có người xây nhà đè lên hoặc lấy lăng mộ làm nhà sinh sống hàng chục năm. Chính vì vậy, cả khu phố đông đúc này luôn có những câu chuyện được người dân kể đến lạnh gáy liên quan đến chuyện tranh chấp chỗ ở giữa người âm với người dương.

Hôm chúng tôi đến đây, trời lất phất mưa phùn. Đang loay hoay trước lăng mộ của cụ Hoàng Cao Khải thì từ xa có một người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi, người thấp, đậm, mắt lim dim, chủ động đến bắt chuyện. Qua giới thiệu, được biết bà tên H. có thâm niên sống 30 năm ở khu phố kỳ lạ này. Nhà bà nằm ngay sát với lăng mộ Hoàng Cao Khải. Chẳng cần chúng tôi hỏi chuyện, bà H. đã thốt lên rằng, khu lăng mộ cụ Hoàng Cao Khải rất "linh". Để chứng minh, bà kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ly kỳ đến rợn người.

Theo lời bà H., ở phố này có một người phụ nữ cứ đi đến trước khu lăng mộ cụ Hoàng Cao Khải là chắc chắn bị nhập "vong" (!?). Lần nào cũng như lần nào, trăm lần như một, hễ đến lăng là bị vong cụ Hoàng Cao Khải nhập vào. Khi nhập vào thì dáng đi của người phụ nữ này trở nên bệ vệ hơn, ăn nói rất nho nhã. Tuy nhiên, nhiều khi lại quát mắng inh ỏi. Có những lúc người phụ nữ này đi xung quanh khu phố, đến những nhà nào xây nhà đè lên mộ, xây lấn sát mộ nhưng ăn ở mất vệ sinh là bị bà nhắc nhở, quát tháo. Bà H. quả quyết: "Đây là chuyện có thật!". Bà còn nhắc tên họ của người phụ nữ này và chỉ nhà cho chúng tôi.

Cận cảnh cuộc sống ở “khu phố Cổ Mộ”

Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, một thanh niên cạnh đó nói chêm vào: "Các anh không tin thì vào mộ cụ Hoàng Trọng Phu là biết" rồi chỉ cho chúng tôi vào một ngôi mộ cổ?

Chỉ tầm trăm mét theo con ngõ nhỏ, chúng tôi tìm đến được khu lăng mộ của cụ Hoàng Trọng Phu. Nhìn bề ngoài, đây là công trình xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh. Tạo dáng tinh tế, thanh thoát. Cổng lăng mộ được đóng sơ sài bởi các ván gỗ. Phía ngoài là một người đàn ông chừng 45 tuổi ngồi bán trà đá. Không đợi chúng tôi hỏi, vừa rót nước mời, chủ quán trà đá chia sẻ, trước đây trong khu lăng mộ này có ba hộ gia đình sinh sống. Họ ăn, ở, sinh hoạt trong khu vực ngôi cổ mộ này, sinh con đẻ cái trong đó. Thời gian qua, được Nhà nước trợ cấp cho ba căn hộ chung cư nên họ đã di dời đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, người còn lại duy nhất là anh M., đến giờ không ai hiểu được vì sao anh M. chuyển đi rồi lại quay về ở. Có người bảo, anh M. bị "người âm"... níu chân không cho đi.

Để chứng minh cho lời nói của mình, người chủ quán đã mở cửa lăng mộ dẫn chúng tôi vào. Trước mắt chúng tôi là quang cảnh sinh hoạt bừa bộn, chén bát bừa bãi. Nếu không tận mắt chứng kiến thì không thể tin được đây là nơi người ta có thể sinh sống được tới hơn 20 năm. Bởi trong lăng mộ này vẫn còn hai ngôi mộ. Một của ông Hoàng Trọng Phu và một của vợ ông.

Theo quan sát, ngôi mộ của cụ ông làm bằng đá xanh, nghe nói có nguồn gốc từ Hà Tây (cũ). Trên ngôi mộ vẫn còn khắc ghi tên cụ Hoàng Trọng Phu và dòng chữ tiếng Pháp rất rõ. Ở một góc mộ bị vỡ một mảng, theo anh chủ quán nước thì trước đây có người tưởng trong mộ có tài sản chôn theo nên đã đào trộm.

Trong lòng ngôi lăng mộ này diện tích chỉ khoảng 30m2 được người dân tận dụng hết tất cả ngõ ngách để sinh hoạt. Căn phòng mà anh M. đặt giường nằm là nơi có một văn bia lớn. Khi chúng tôi bước vào, không khí thật vắng lặng, gọi hai ba tiếng nhưng không thấy trả lời, nhìn vào trong nhà thấy anh M. đang nằm trên giường mắt nhìn chăm chăm về phía văn bia không chớp mắt. Thấy thế, anh chủ quán bảo M. như người mê mê say say, vậy rồi bảo chúng tôi cứ tham quan ngôi cổ mộ bình thường...

 

Một công trình kiến trúc đang bị lãng quên

Được biết, quần thể lăng mộ, công trình ở ấp Thái Hà của Hoàng Cao Khải được xây dựng từ năm 1893. Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật khắc đá của người Việt. ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một Phó vương". Tuy nhiên, hiện di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Các ngôi mộ bị đào bới, người dân vào sống lâu năm trong lăng mộ. Bản thân khu lăng mộ của cụ Hoàng Cao Khải hiện nay trở thành trụ sở của đội tuần tra cụm dân cư số 9 phường Trung Liệt.

   

Theo Trinh Phúc/Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news