Tin mới

Lầu Năm Góc thực sự nghĩ gì về quân đội Trung Quốc?

Thứ ba, 17/05/2016, 10:25 (GMT+7)

Hôm 13/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên trước quốc hội về "Các diễn biến Quân sự và An ninh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Tài liệu bao gồm 156 trang này đã cung cấp bản tổng quan hữu ích về những xu hướng mà quân đội Mỹ quan sát được ở Trung Quốc.

Hôm 13/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo thường niên trước quốc hội về "Các diễn biến Quân sự và An ninh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Tài liệu bao gồm 156 trang này đã cung cấp bản tổng quan hữu ích về những xu hướng mà quân đội Mỹ quan sát được ở Trung Quốc.

Theo The Diplomat, tài liệu này được mở rộng từ những gì mà Lầu Năm Góc đã thu thập được trong năm 2015, chủ yếu là quan sát và bao gồm cả những dự đoán, khuyến cáo.

Năm nay, bản báo cáo dành sự quan tâm đáng kể đến cuộc cải tổ lịch sử của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Bắt đầu vào cuối năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã trải qua những thay đổi lớn về tổ chức. Theo đó, báo cáo nhấn mạnh sự thay đổi của PLA từ 7 Quân khu thành 5 Chiến khu, tạo thành Lực lượng quân đội PLA, nhằm đảm bảo cho quân đội nước này không chỉ có thể đánh trận, mà phải đảm bảo đánh thắng, bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia trong tình hình mới. Cùng với đó là việc tái định Lực lượng Pháo binh PLA thành Lực lượng Tên lửa PLA.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hàng đầu tiên, chính giữa) và các lãnh đạo mới của các cơ quan quân đội vừa được tái cơ cấu ngày 11/1/2015. Ảnh: Tân Hoa xã

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng lưu ý đến Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc, trong đó nêu rõ vai trò lớn hơn của Hải quân PLA trong lĩnh vực hàng hải so với trước đây.

Cũng giống như báo cáo năm 2015, báo cáo năm nay cũng rất chú ý đến Biển Đông và còn bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh cùng các bản đồ hữu ích về 7 thực thể Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo cáo lưu ý cái gọi là phương pháp "cắt lát salami" mà Trung Quốc sử dụng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật cưỡng chế để thúc đấy lợi ích của họ bằng những cách đã được tính toán kỹ lưỡng sao cho ở mức dưới ngưỡng kích động xung đột.

Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng "Trung Quốc đã sẵn sàng để chịu đựng mức độ cao hơn của căng thẳng trong việc theo đuổi lợi ích", đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Về Biển Đông, báo cáo nhấn mạnh, tất cả các sân bay mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đây đều có thể "phục vụ cho bất cứ máy bay nào mà Trung Quốc đang sở hữu".

Lầu Năm Góc lưu ý rằng "Trung Quốc đã sẵn sàng để chịu đựng mức độ cao hơn của căng thẳng trong việc theo đuổi lợi ích", đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông. 

Về kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, báo cáo đặc biệt chú ý đến lực lượng tàu ngầm của PLA, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng hạm đội dưới nước. Lầu Năm Góc có một dự đoán rất thú vị trong báo cáo, đó là họ mong đợi Trung Quốc sẽ tiến hành những chuyến tuần tra răn đe bằng tàu ngầm tên lửa hạt nhân đầu tiên của họ trong năm 2016". Lầu Năm Góc cũng tiếp tục chỉ ra những thiếu sót về khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, báo cáo 2016 đưa ra một số đánh giá thú vị. Năm ngoái, Lầu Năm Góc lần đầu tiên xác nhận rằng tàu ngầm lớp Shang và lớp Song của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động ở Ấn Độ Dương. Báo cáo năm nay tiếp tục cập nhật một số thông tin quan trọng. Lầu Năm Góc thừa nhận Trung Quốc tiếp tục gia tăng hoạt động tàu ngầm và tăng cường sự tiếp xúc thân mật với các lực lượng tàu ngầm hải quân ở Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, trong khi lưu ý rằng "dấu ấn lực lượng hậu cần hải quân Trung Quốc hiện nay ở Ấn Độ Dương không thể hỗ trợ các hoạt động giao tranh chính ở Nam Á, Lầu Năm Góc cũng thừa nhận căn cứ hải quân sắp tới của Trung Quốc ở Djibouti.

Tàu ngầm tấn công lớp Song Type 039 của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Chinese Defence

Báo cáo năm nay cũng bao gồm phân tích chi tiết về tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Trung Quốc như DF-4, DF-5 , DF-5A, DF-5B, DF-31, DF-31A và DF-41. Lầu Năm Góc ước tính số lượng tên lửa của Trung Quốc đã tăng lên so với năm ngoái, trong khi suốt từ năm 2010 đến 2015, số lượng tên lửa của Bắc Kinh khá ổn định. Báo cáo cũng thừa nhận sự tiến bộ liên tục của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân và sự phát triển của máy bay ném bom tầm xa "thực sự có khả năng răn đe chiến lược".

The Diplomat lưu ý, Lầu Năm Góc thừa nhận một cách chính xác rằng cán cân quân sự quan eo biển Đài Loan là ưu tiên hàng đầu của PLA. Bên cạnh đó là các kế hoạch xuất khẩu quốc phòng và hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Lê Huyền (The Diplomat)     

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news