Tin mới

Liên Kết Việt có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm tội hình sự

Thứ tư, 26/08/2015, 16:25 (GMT+7)

Liên quan đến những hành vi có dấu hiệu hình sự của công ty Liên Kết Việt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường thuộc Văn phòng Luật sư Chính Pháp về vấn đề này.

Liên quan đến những hành vi có dấu hiệu hình sự của công ty Liên Kết Việt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường thuộc Văn phòng Luật sư Chính Pháp về vấn đề này.

 

Trong nhiều giấy tờ tài liệu, LKV tự nhận mình là công ty con của 1 công ty thuộc BQP, nhưng đại diện Bộ QP khẳng định không có công ty nào như 2 công ty đó? Điều này theo anh, LKV đã vi phạm quy định pháp luật nào?

Đối với hành vi giả mạo là Công ty con của Bộ quốc phòng, sử dụng hình ảnh của Bộ quốc phòng nhằm mục đích đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật nhưng làm cho người tiêu dùng, người dân tin Công ty LKV là công ty con của Bộ quốc phòng và mua những sản phẩm của Công ty này, nộp tiền để được tham gia hình thức kinh doanh đa cấp... để rồi những người của công ty này chiếm đoạt số tiền đó thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

Còn hành vi làm giả giấy tờ, làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa anh?

Việc Công ty LKV làm giả giấy tờ, bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ cũng có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 BLHS.

 Với loạt hành vi giả mạo, nhiều ý kiến cho rằng công ty LKV có dấu hiệu lừa đảo người dân, các cơ quan, tổ chức, ý kiến luật sư  thế nào?

Điều kiện về mặt khách quan của loại tội phạm này là bắt buộc phải có "hành vi gian dôi, thủ đoạn gian dối" và đi liền với đó là "nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản". Hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối ở đây thể hiện là đưa ra những thông tin, tài liệu không đúng sự thật, làm cho người có tài sản hiểu lầm là giao tài sản cho người gian dối này thì sẽ không bị mất, ngược lại còn có thể được hưởng lợi.

Thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản không còn minh mẫn về lý trí, không tự do về lý trí, không hiểu đúng bản chất của giao dịch "tưởng là quan hệ dân sự" đó nên quyết định giao tài sản cho người lừa đảo. Sau khi nhận được tài sản thì người đưa ra thông tin gian dối không có ý định trả lại nữa (mục đích chiếm đoạt).

Nếu mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi nhận được tài sản thì người có thủ đoạn gian dối sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS như tôi đã nói ở trên.

Còn nếu sau khi nhận được tài sản của nạn nhân thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp thì mới có hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 BLHS.

Trong trường hợp, sau đó người lừa đảo, lạm dụng trả lại một phần tài sản cho người bị hại thì chỉ là củng cố niềm tin cho người bị lừa hoặc để khắc phục hậu quả... nên dù đã lừa được tiền của người khác rồi trả lại một phần hoặc toàn bộ thì hành vi lừa đảo này vẫn nguy hiểm cho xã hội và vẫn bị xử lý về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được giảm một phần mức hình phạt hình phạt.

Đối với vụ việc của Công ty Liên Kết Việt (LKV), nếu cơ quan công an có căn cứ xác định Công ty Liên Kết Việt (LKV) đang hoạt động một cách công khai dưới danh nghĩa Bộ Quốc phòng, cung cấp bằng khen giả mạo của Thủ tướng Chính phủ, để tạo lòng tin, lôi kéo người dân mua hàng và tham gia đa cấp. Trong nhiều giấy tờ, tài liệu, LKV tự nhận mình là công ty con của một công ty thuộc Bộ Quốc phòng nhằm lôi kéo những người khác tham gia kinh doanh, nhận tiền của người dân dưới hình thức bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, qua điều tra, tìm hiểu, Bộ Quốc phòng khẳng định không có công ty con nào như Công ty này thì hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS như đã nêu ở trên.

Nếu làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức thì những người này còn bị xử lý thêm tội danh làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự. Vì vây, trong vụ việc này cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với những người liên quan theo quy định pháp luật để tránh những hệ lụy cho xã hội. 

Để việc một công ty có thể hoạt động công khai dưới danh nghĩa bộ quốc phòng, cung cấp bằng khen giả mạo của Thủ tướng Chính phủ, đăng tải thông tin sai lệch tràn lan trên trang web công ty để gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng nhằm mục đích bất chính, về vấn đề này, ai, đơn vị nào là người chịu trách nhiệm quản lý, phát hiện và xử lý, thưa anh?

Theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định, thì Sở Công thương là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, việc để xảy ra tình trạng Công ty LKV có hành vi giả mạo, gian dối trong thời gian trên thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm của Sở Công thương nơi doanh nghiệp này tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp đối với hành vi của doanh nghiệp này.

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news