Tin mới

“Lộ” ngân hàng thu nhập nhân viên cao gấp 7 lần lương Cường Đô la

Thứ sáu, 27/02/2015, 15:35 (GMT+7)

Ngân hàng BIDV thay\nthế Vietinbank và MBB khi rộng tay đãi ngộ nhân viên, thu nhập nhân viên ngân\nhàng BIDV cao gấp 7 lần lương Cường Đô la.

Ngân hàng BIDV thay thế Vietinbank và MBB khi rộng tay đãi ngộ nhân viên, thu nhập nhân viên ngân hàng BIDV cao gấp 7 lần lương Cường Đô la.


 

Trong các quý gần đây, Vietinbank và MBBank thay nhau giữ ngôi vị “ngân hàng trả lương cao nhất” ngành ngân hàng. Thế nhưng trong quý 4/2014 và cả năm 2014, ngôi vị này đã đổi chủ. Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thay thế Vietinbank và MBB khi rộng tay đãi ngộ nhân viên.

Cả năm 2014, BIDV dành 4.325,28 tỷ đồng cho quỹ lương và phụ cấp. Chỉ tiêu này tăng 896,36 tỷ đồng, tương ứng 26,14% so với cả năm 2013. Trung bình, năm 2014, mỗi nhân viên BIDV nhận 238,08 triệu đồng/người/12 tháng, tương ứng 19,84 triệu đồng/người/tháng.

Với mức thu nhập trung bình cao ngất ngưởng như vậy, mỗi nhân viên BIDV kiếm được khoản tiền cao gấp gần 7 lần con số 3 triệu đồng/tháng - mức lương mà công ty Quốc Cường Gia Lai chi trả cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la).

Không còn giữ ngôi vị cao nhất trong danh sách các ngân hàng trả lương hậu hĩnh nhất Việt Nam nhưng Vietinbank vẫn dành cho nhân viên khoản thu nhập trong mơ.

BIDV đang là ngân hàng trả lương cao nhất Trong năm 2014, quỹ lương và phụ cấp tại Vietinbank đạt 4.378,43 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi nhân viên Vietinbank nhận 229,73 triệu đồng/người/năm, tương đương 19,14 triệu đồng/người/tháng. Đây là con số khá lớn với bất cứ ngành nghề nào.

Đứng thứ 3 trong danh sách các ngân hàng hào phóng nhất, Vietcombank cũng mạnh tay chi cho lương thưởng.

Chi lương và phụ cấp tại Vietcombank năm 2014 đạt 3.091,52, tăng 318,26 tỷ đồng, tương ứng 11,5% so với năm 2013. Như vậy, mỗi người lao động tại Vietcombank nhận 226,6 triệu đồng/người/năm, tương ứng 18,9 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 500.000 đồng/người/tháng so với trung bình 3 quý đầu năm 2014.

Với mức thu nhập trung bình cao ngất ngưởng, mỗi nhân viên BIDV kiếm được khoản tiền cao gấp gần 7 lần con số 3 triệu đồng/tháng - mức lương mà công ty Quốc Cường Gia Lai chi trả cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la). (Ảnh minh họa).

Đứng ngay sau Vietcombank là MBB. Trong quý 4/2014, MBB bớt mạnh tay trả lương thưởng hơn. Dù vậy, thu nhập tại MBB vẫn cao ngất ngưởng. Quỹ lương tại ngân hàng này là 784,44 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ thưởng rất cao, gần bằng 50% quỹ lương và đạt 308,51 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập khác tại MBB đạt 194,52 tỷ đồng.

Trung bình, mức lương mà mỗi nhân viên MBB đạt được là 11,05 triệu đồng/người/tháng, thu nhập là 18,14 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2013, Techcombank kinh doanh khá bết bát với lợi nhuận đạt được rất thấp. Vì thế, năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Techcombank tăng vọt nhưng vẫn “đuối” hơn so với các ngân hàng, chỉ là 1.062,34 tỷ đồng.

Dù vậy, ngân hàng này vẫn không tiếc tiền giữ chân người tài. Techcombank đầu tư khá lớn cho nhân sự. Năm 2014, Techcombank sẵn sàng rút ngân sách 1.523,33 tỷ đồng cho quỹ lương và phụ cấp. Vì thế, mức lương trung bình tại Techcombank đạt 15 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn khá nhiều so với tổng thu nhập là 18 triệu đồng/người/tháng.

Là ngân hàng “chăm chỉ” tuyển dụng thêm. Mỗi khi Sacombank tăng nhân sự, áp lực cho ngân sách cũng tăng thêm. Vì vậy, thu nhập tại ngân hàng này khó có thể bì kịp đồng nghiệp tại các ngân hàng lớn như BIDV hay Vietinbank.

Cụ thể, trong năm 2014, quỹ lương tại Sacombank là 2.243,27 tỷ đồng, tăng 259,9 tỷ đồng, tương ứng 15,19% so với 2013. Như vậy, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng này nhận 190,87 triệu đồng/người/năm, tương đương 15,9 triệu đồng/người/tháng.

Chi lương và phụ cấp tại ACB cũng có sự cải thiện nhẹ. Tới ngày 31/12/2014, chỉ tiêu này là 1.472,18 tỷ đồng, tăng 135,08 tỷ đồng, tương ứng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trung bình mỗi nhân viên ngân hàng ACB nhận 164,69 triệu đồng/người trong năm 2014, tương đương 13,72 triệu đồng/người/tháng, giảm nhẹ so với con số 13,94 triệu đồng/người/tháng của quý 3.

Trong khi đó, SHB và Eximbank có mức lương thấp đến khó tin. Tại SHB, chi phí cho nhân viên trong cả năm 2014 chỉ là 297,55 tỷ đồng, tăng 123,88 tỷ đồng, tương ứng 71,3% so với 2013.

Mặc dù quỹ lương tăng mạnh nhưng trung bình, mỗi nhân viên SHB chỉ nhận được 61,62 triệu đồng/người/năm, tương đương 5,1 triệu đồng/người/tháng.

Tình hình có vẻ thê thảm hơn tại Eximbank. Do kinh doanh không thuận lợi nên ngân hàng này co kéo quỹ lương rất chặt. Lương và phụ cấp năm 2014 của Eximbank chỉ đạt 242,42 tỷ đồng, giảm 16,22 tỷ đồng so với năm ngoái.

Điều đó có nghĩa, mỗi người lao động tại ngân hàng Eximbank chỉ nhận 42,51 triệu đồng/người/năm, tương đương 3,54 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2015 hứa hẹn bùng nổ sáp nhập ngân hàng. (Ảnh minh họa).

Ngân hàng vào “mùa” sáp nhập

Thông tin trên báo Tiền Phong, năm 2015 hứa hẹn bùng nổ sáp nhập ngân hàng. Sáng mùng 1 Tết Ất Mùi, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT của NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vẫn đến hội sở để hoàn tất công việc của năm cũ. Chia sẻ đầu xuân, ông Thắng hy vọng trong thời gian sớm nhất, sẽ hoàn tất kế hoạch sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Sự khẳng định của Chủ tịch Vietinbank đã xác thực tin đồn bấy lâu về việc hai bên sẽ “chung một mái nhà”.

Ngày 27/2, vào 16h chiều, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank) sẽ chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho Đại hội cổ đông được tổ chức ngày 27/3/2015. Tại đại hội lần này, NamAbank sẽ xin ý kiến cổ đông cho phép hội đồng quản trị lựa chọn đối tác cho phù hợp. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng Giám đốc NamAbank cho biết, hiện có khoảng 2-3 sự lựa chọn. “Chúng tôi sẽ xin cổ đông cho phép lựa chọn, sau khi xong nếu cần thiết có thể họp cổ đông bất thường rồi trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN)” - ông Tâm nói.

Trước đồn đoán NamAbank đang “nhắm” tới Eximbank, vị đại diện NamAbank chỉ khẳng định: “Ngân hàng có vài ba đối tác để lựa chọn và sẽ tìm ra một ngân hàng đồng thuận tương thích nhất”. Còn trong lần trò chuyện mới đây, khi đề cập về số lượng hơn 100 triệu cổ phiếu của Eximbank vừa được chuyển nhượng sang chủ mới, một đại diện ngân hàng này nói: “Eximbank là một ngân hàng lớn có thương hiệu. Ai có tiền, có điều kiện và mua được cổ phiếu đều có thể sở hữu cổ phần, nhưng sáp nhập hay không là chuyện khác”.

Theo Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, cơ quan này đang theo dõi chặt quá trình tiến tới sáp nhập của một số ngân hàng thương mại. “Ngoài những ngân hàng bắt buộc, sẽ có những ngân hàng tự tìm hiểu nhau và đề xuất. NHNN hoàn toàn khuyến khích và sẽ xem xét thận trọng các đề xuất” - ông Nghĩa nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news