Tin mới

Luật sư bào chữa cho ông Thăng tiết lộ quan điểm của thân chủ mình

Thứ tư, 27/12/2017, 15:16 (GMT+7)

 “Nếu được phép thì tôi xin tha cho những người đã thực hiện lệnh của tôi, mà lệnh đó là sai”. “Còn ai đã chiếm đoạt dù chỉ một đồng thì ông dứt khoát không xin cho họ”, 1 trong 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng dẫn lại lời thân chủ của mình.

 “Nếu được phép thì tôi xin tha cho những người đã thực hiện lệnh của tôi, mà lệnh đó là sai”. “Còn ai đã chiếm đoạt dù chỉ một đồng thì ông dứt khoát không xin cho họ”, 1 trong 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng dẫn lại lời thân chủ của mình.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tại phiên xử đại án OceanBank. Ảnh: PLO

Theo tin tức từ Tiền Phong,TTXVN, sáng ngày 27/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21/1.

Về việc này, trao đổi qua điện thoại với PV báo Pháp Luật TP.HCM trưa 27/12, luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp, 1 trong 3 luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, cho hay quan điểm của ông Đinh La Thăng là sai đến đâu, ông sẽ nhận trách nhiệm đến đấy, cái gì không sai thì cần xem xét cho ông ấy.

“Nếu được phép thì tôi xin tha cho những người đã thực hiện lệnh của tôi, mà lệnh đó là sai”. “Còn ai đã chiếm đoạt dù chỉ một đồng thì ông dứt khoát không xin cho họ” , dẫn lại lời của thân chủ mình luật sư (LS) Thiệp nói.

LS Thiệp cũng cho biết ông đã được dự cung 3 lần, lần gần nhất là hôm 21/12. Tại lần gặp đó, ông Thiệp cho biết, tinh thần và sức khỏe của ông Thăng vẫn rất tốt. "Ông Thăng là người đàng hoàng, bản lĩnh, đúng tầm của ông ấy”, LS Thiệp nói thêm.

Trong khi đó, LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, cùng bào chữa cho ông Thăng) cũng cho biết: “Kể từ đi được cấp giấy chứng nhận bào chữa thì cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi tiếp xúc với ông Đinh La Thăng và thực hiện nhiệm vụ của mình với vai trò là LS bào chữa…”.

Trước đó, ngày 26/12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC).

Bị can Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV PVN; Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc  PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cùng 9 bị can bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Có 8 bị can bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên tổng giám đốc PVC - cùng bị truy tố về cả 2 tội danh.

Theo cáo trạng, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cáo buộc ông Đinh La Thăng phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC.

Ông Thăng bị VKSND Tối cao truy tố theo khoản 3 Điều 165, với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Theo VKSND Tối cao, quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN.

Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác, VKSND Tối cao đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news