Tin mới

Luật sư: Khách hàng, làng nghề, đối tác đều có quyền khởi kiện Khaisilk đòi bồi thường

Thứ bảy, 28/10/2017, 08:37 (GMT+7)

Phó Chi cục trưởng quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, đang đấu tranh làm rõ các vi phạm của Khaisilk và sẽ sớm công bố khi có kết quả.

Phó Chi cục trưởng quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, đang đấu tranh làm rõ các vi phạm của Khaisilk và sẽ sớm công bố khi có kết quả.

Tình tiết tăng nặng của Khaisilk

Chiều 27/10, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, hôm qua, Đội quản lý thị trường số 14 phối hợp với các ngành đã kiểm tra và tạm giữ một số hàng hóa tại cửa hàng của để làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về việc bán khăn lụa Trung Quốc.

"Đoàn liên ngành do Đội quản lý thị trường 14 chủ trì gồm quản lý thị trường, công an kinh tế và các ngành khác để làm tổng thể.

Hiện chúng tôi đang đấu tranh làm rõ các vi phạm của Khaisilk. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin sớm đến báo chí, dư luận", ông Đức nêu.

Luật sư Nguyễn Chí Dũng (Hà Nội) cũng nhìn nhận, như Khaisilk thừa nhận đã gian dối trong một thời gian dài đến 30 năm và khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường rất lớn nên đây sẽ là tình tiết tăng nặng để các cơ quan chức năng tiến hành xử lý hành chính hoặc hình sự.

Theo luật sư Dũng, đối chiếu quy định về hàng giả và văn bản pháp lý thì hành vi dùng hàng Trung Quốc gắn nhãn hàng sản xuất trong nước chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hành vi này có cấu thành tội hay không cần phải căn cứ vào mức độ vi phạm, tính chất của hành vi thông qua việc điều tra xác minh của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nếu xác định được giá trị hàng hóa trong vụ việc của Khaisilk là trên 30 triệu đồng và có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, làm giả nhãn mác, các điều kiện khác theo quy định của pháp luật thì các cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự quy định tại điều 156 Bộ Luật Hình sự.

Cửa hàng của Khaisilk ở phố Hàng Gai hiện đang đóng cửa.

Trong trường hợp Khaisilk thông đồng với một doanh nghiệp khác để qua mặt các cơ quan chức năng thì cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để tránh bỏ lọt tội phạm.

Trường hợp Khaisilk tự đứng ra nhập khẩu thì cần phải xác minh rõ nhập khẩu theo con đường nào?

Nếu không có các giấy tờ chứng từ chứng minh việc nhập khẩu các hàng hóa này mà nhập thông qua con đường trái pháp luật thì hành vi này có thể vi phạm pháp luật hình sự về tội buôn lậu, quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự.

Cũng theo ông Dũng, trong trường hợp này, nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì khách hàng hoàn toàn có quyền làm đơn đề nghị các đơn vị như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc để giải quyết.

Căn cứ theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dân sự 2015 thì người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng đều có quyền yêu cầu Khaisilk bồi thường để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trường hợp người tiêu dùng thấy việc đền bù của Khaisilk không thỏa đáng, với những thiệt hại về thời gian hay công sức bỏ ra, họ có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Luật Dân sự 2015.

Cụ thể, việc khởi kiện đòi bồi thường của người tiêu dùng sẽ thực hiện theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại, quy định ở các điều 584, 585 và bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo điều 608.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Các làng nghề Khaisilk lấy hàng cũng có thể khởi kiện

Luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng chỉ rõ, các đơn vị cung cấp nguồn hàng cho Khaisilk trong thời gian qua cũng có thể khởi kiện về tội đã gian dối, không cung cấp đầy đủ thông tin hàng hóa của họ đến với người tiêu dùng.

Ngoài ra các làng lụa mà trước đây Khaisilk lấy hàng như Vạn Phúc hay làng lụa ở Hà Nam nếu chứng minh được thiệt hại do việc đơn vị này gian dối gây ra cho mình từ đưa lẫn hàng Trung Quốc vào hàng của làng nghề, hay cắt, dán nhãn mác, thông tin không đúng về sản phẩm của mình đến người tiêu dùng... thì cũng có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường. 

Việc khởi kiện này cũng căn cứ vào các quy định của Luật Dân sự 2015.

Vị luật sư này cũng nhấn mạnh, sau vụ việc này, đối với người tiêu dùng cũng nên thể hiện quyền lực của mình bằng cách nếu thấy cần thiết có thể tẩy chay các sản phẩm gian dối như Khaisilk.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news