Tin mới

Lý do Nhà thờ Đức Bà Paris quan trọng với Công giáo toàn cầu

Thứ ba, 16/04/2019, 11:21 (GMT+7)

Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là biểu tượng của nước Pháp mà còn vô cùng quan trọng với các tín đồ Công giáo toàn thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là "trái tim" của Paris. Ảnh: CNN

Tuần này là Tuần Thánh, khi hàng triệu tín đồ Công giáo giáo phương Tây tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của chúa Jesus. Nếu bình thường, Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ chuẩn bị để trưng bày các thánh tích của mình cho ngày Thứ sáu Tuần Thánh.

Nhưng khi vụ hỏa hoạn kinh hoàng nhấn chìm địa điểm linh thiêng này vào ngày 15/4, các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới đã vô cùng chấn động, hoài nghi, đặc biệt là khi đỉnh tháp biểu tượng của nhà thờ sụp đổ giữa đám cháy.

Nơi đây còn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các tín đồ Công giáo toàn cầu. Ảnh: Euronews

Với nhiều thế hệ, Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi hành hương và cầu nguyện. Ngay cả khi tôn giáo ở Pháp suy tàn trong nhiều thập kỷ, nơi đây vẫn là trái tim của Công giáo Pháp, mở cửa mỗi ngày cho người tới làm lễ.

"Tôi thậm chí còn không dám nhìn vào nó", Rev. James Martin, một nhà văn dòng chúa Jesus tại New York nhắc tới những bức ảnh chụp vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris. "Ngoài Tòa Thánh Peter (ở thành phố Vatican), tôi không nghĩ còn có nhà thờ nào mang tính biểu tượng cho người Công giáo hơn nữa. Tôi không nghĩ có người Công giáo nào tới thăm Paris lại không đi cầu nguyện hay đi lễ tại Nhà thờ Đức Bà".

Với ông Martin, cũng như với những người Công giáo khác, thật đau đớn khi chứng kiến các tòa tháp biểu tượng này chìm trong biển lửa. Ngọn lửa bùng lên đúng Tuần Thánh, thời điểm thiêng liêng nhất trong lịch Thiên chúa giáo, thời điểm mà Giáo hội Công giáo khắp thế giới đang tranh cãi về việc lạm dụng trẻ em, và vào lúc Pháp chứng kiến người dân nổi giận suốt nhiêu tháng trời vì giá nhiên liệu tăng cao.

Chính quyền Pháp đã huy động mọi phương tiện chữa cháy, ngoại trừ máy bay ném "bom nước" để cứu Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Euronews

Khi tin tức vụ cháy lan rộng, nhiều người Công giáo cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình. "Tôi vừa đến tòa Saint Patrick yêu dấu để cầu xin Đức Mẹ gia hộ cho Nhà thờ ở trung tâm Paris, nhà thờ của nền văn minh đang bốc cháy. Chúa sẽ che chở cho nhà nguyện lộng lẫy này và bảo vệ những người đang chiến đấu với ngọn lửa", Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đăng trên Twitter.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Houston, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã gọi vụ hỏa hoạn này là "gây sốc" và đáng buồn. Giống như nhiều người Công giáo khác, ông Dinardo đã liên kết những tin tức đau lòng này với Lễ Phục sinh sắp tới. "Chúng ta là những con người của hy vọng và phục sinh. Với sự tàn khốc của đám cháy, tôi biết rằng đức tin và tình yêu được hiện thân qua Nhà thờ tráng lệ này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong trái tin tất cả những người Công giáo".

Ông Dinardo cho biết Nhà thờ Đức Bà Paris còn hơn cả lịch sử đầy biến động của nó. "Từ lâu, đây đã là một biểu tượng cho tinh thần con người siêu việt cũng như khao khát của chúng ta với Chúa", ông nói.

Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster ở Anh, gọi thánh đường này là "trái tim của đức tin" ở Châu Âu. "Có ai mà không chấn động khi thấy Nhà thờ lớn chìm trong ngọn lửa. Đối với người dân Paris, đây là thảm họa chạm đến tâm hồn họ", ông Nichols đăng trên Twitter.

Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là một nhà thờ của giáo xứ, có nghĩa là nó không có một nhóm người "bên nhà thờ" thờ phụng thường xuyên. Tuy nhiên, đây vẫn là nhà thờ chính tòa của Tổng giám mục Paris Michel Aupetit và thu hút người Công giáo đến cầu nguyện buổi tối và sám hối.

Mỗi năm, vào dịp Tuần Thánh, Nhà thờ Đức Bà Paris lại trưng bày một số thánh tích mà những người Công giáo khao khát nhất, trong đó có Vương miện Thánh. Nhiều người tin rằng đây là vương miện gai mà Chúa Jesus đội trên đầu. Nhà thờ gọi đó là "thánh tích quý giá nhất, đáng tôn kính nhất". Theo nhà thờ chính tòa, các tín đồ đã tới cầu nguyện với Vương miện Thánh trong hơn 16 thế kỷ.

Nhà thờ Đức Bà Paris còn có hai thánh tích khác có liên quan tới Tuần Thánh. Thứ nhất là một mảnh Gỗ Thập tự giá mà nhiều người tin rằng chính là cây thập tự giá Jesus bị đóng đinh. Thứ hai là một trong những chiếc đinh người La Mã dùng để đóng đinh Jesus. Chiếc đinh này đến từ Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem. Nó được người Công giáo ở Jerusalem trao cho Hoàng đế Charlemagne vào năm 799 và sau đó trở thành thánh tích được các thế hệ Công giáo Pháp tôn sùng.

Trong cuộc Cách mạng Pháp, khi những người theo chủ nghĩa thế tục phá hủy nhiều tác phẩm lịch sử và nghệ thuật mang tính biểu tượng của Công giáo, những thánh tích này đã được giữ lại và trao cho tổng giám mục Paris.

Sau khi vụ hỏa hoạn bùng phát hôm 15/4, sự an toàn của các thánh tích trong Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn chưa được biết đến.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news