Tin mới

Lý giải mục đích chuyến đi Trung Quốc của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ

Thứ ba, 09/09/2014, 09:33 (GMT+7)

Đài RFI đưa tin, có mặt tại Bắc Kinh ngày 8/9/, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice tuyên bố, chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một "cột mốc quan trọng" trong quan hệ song phương.

Đài RFI đưa tin, có mặt tại Bắc Kinh ngày 8/9/, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice tuyên bố, chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một "cột mốc quan trọng" trong quan hệ song phương.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có kế hoạch gặp nhau bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn Châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức vào tháng 11 tới tại Bắc Kinh. Chuyến công du của bà Rice nhằm tạo đà trước cho cuộc gặp cấp cao giữa hai nguyên thủ của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Mở đầu bài phát biểu trong cuộc hội đàm với ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Ủy viên Quốc vụ, phụ trách đối ngoại và ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Obama cho rằng "chuyến thăm này là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển mối quan hệ Mỹ - Trung  và "ngay cả khi chúng tôi đang quan tâm đến nhiều hồ sơ khác – Tổng thống Obama vẫn yêu cầu tôi tới đây bởi vì ông dành ưu tiên cho mối quan hệ song phương này".

Về phần mình, ông Dương Khiết Trì cho biết rất nóng lòng thảo luận với phía Mỹ về "những lợi ích chủ chốt và những cội nguồn chính của các mối quan tâm của Trung Quốc". Ông kêu gọi hai bên có được một sự quản lý mang tính xây dựng các bất đồng song phương.

Trong lịch trình, bà Susan Rice sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ, bà Susan Rice gặp gỡ Ủy viên Quốc vụ đối Ngoại TQ, Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 8/9

Theo giới quan sát, chuyến đi Trung Quốc của bà Rice cho thấy, Mỹ không buông lơi chiến lược xoay trục sang Châu Á, cho dù thời sự thế giới hiện đang nóng bỏng với các vấn đề ở Trung Đông, như Iraq, Syria và Gaza hay tại Châu Âu, với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chính quyền Obama muốn coi Châu Á như một điểm tựa trục xoay trong Chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi đó, Trung Quốc nhìn nhận sự chuyển hướng này như một mối đe dọa.

Các tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông, giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng, đã gây ra căng thẳng giữa Bắc Kinh với các đồng minh Châu Á của Washington, trong đó có Nhật Bản.

Quan hệ Mỹ - Trung hiện cũng có nhiều căng thẳng. Cuối tháng 8/2014, Washington tố cáo máy bay tiêm kích Trung Quốc ba lần bay sát một cách nguy hiểm một máy bay quân sự Hoa Kỳ, trên không phận quốc tế vùng biển Hoa Đông.

Đáp lại, Bắc Kinh yêu cầu Washington chấm dứt các hoạt động do thám trên không và trên biển những vùng sát biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh cảnh báo những hành động này có thể gây ra những "tai nạn đáng tiếc".

Một số quan chức ở Bắc Kinh cho rằng chính sách của Mỹ đang nhằm kiềm chế Trung Quốc, còn một số quan chức ở Washington lại quả quyết chiến lược then chốt của Trung Quốc là hạ vị thế của Mỹ trong khu vực. Vì thế, báo Chí Trung Quốc nhận định rằng nhân chuyến thăm của bà Rice, 2 bên sẽ cố gắng dàn xếp ổn thỏa một số bất hòa gần đây trong mối quan hệ song phương. Ngoài ra, truyền thông nước này còn cho rằng chuyến đi còn được xem là một dịp tốt để bà Rice cải thiện hình ảnh trong mắt giới chức Trung Quốc vì bà từng không ít lần chỉ trích chính sách của Bắc Kinh về Syria khi còn là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.

Tháng 4/2001, cũng trong khu vực này, một máy bay EP-3 của Hải quân Mỹ đã va chạm một máy bay Trung Quốc, làm cho viên phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn máy bay của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Phi hành đoàn Mỹ đã bị Trung Quốc bắt giữ và hỏi cung. Sự cố này đã gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

 

Yên Yên (Tổng hợp)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news