Tin mới

Macau cấm sử dụng ô khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thứ bảy, 20/12/2014, 09:28 (GMT+7)

Chính quyền đặc khu Macau đã ban hành lệnh cấm sử dụng những chiếc ô khi tiếp đón nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đến thăm vì nó gợi nhớ tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Chính quyền đặc khu Macau đã ban hành lệnh cấm sử dụng những chiếc ô khi tiếp đón nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đến thăm vì nó gợi nhớ tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

 

Hôm 19/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận nhân dịp kỷ niệm 15 năm nơi này được trao trả cho Bắc Kinh.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Hong Kong dọn sạch 3 điểm cắm chốt cuối cùng, chấm dứt phong trào đòi cải cách bầu cử kéo dài gần ba tháng qua ở đặc khu hành chính này.

"Tôi tin rằng dưới hình thức một quốc gia, hai chế độ và Đạo luật Cơ bản, Macau chắc chắn sẽ phát triển ổn định và tốt hơn theo thời gian", ông Tập phát biểu trước báo giới sau khi xuống máy bay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến thăm Macau sáng ngày 19/12 nhân dịp kỷ niệm 15 năm đặc khu này được trao trả cho Bắc Kinh

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của phong trào "Chiếm Trung tâm" ở Hong Kong, hàng trăm người Macau đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành ở trung tâm đặc khu này trong ngày 20/12.

Giới chức Macau đã đề cao cảnh giác trước những dấu hiệu bất đồng. Các phóng viên có mặt tại đường băng đón ông Tập không được phép cầm ô. Thay vào đó, họ được phát áo mưa.

"Họ nói chúng tôi không thể sử dụng ô ở sân bay bởi nó sẽ gây ảnh hưởng tới các chuyến bay", một phóng viên ở Hong Kong, nằm trong số khoảng 40 nhà báo ở sân bay, nói.

Một phóng viên khác cho biết giới chức sân bay giải thích rằng trời lộng gió khiến việc mở ô không đảm bảo an toàn. Các quan chức chính quyền cũng không sử dụng ô che dù trời mưa nhẹ.

Chiếc ô trở thành biểu tượng trong phong trào đòi cải cách bầu cử ở Hong Kong, sau khi người biểu tình sử dụng chúng để ngăn hơi cay từ cảnh sát.

Macau, từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1999 và trở thành một đặc khu hành chính của nước này. Đạo luật Cơ bản được xem như hiến pháp của Macau, quy định rằng Macau có "quyền tự trị cao độ" trong vòng 50 năm kể từ sau ngày chuyển giao cho Trung Quốc.

Những người biểu tình cầm ô màu vàng bị cảnh sát chặn lại khi cố gắng tới gần nhà lãnh đạo Trung Quốc

Lãnh đạo đặc khu Macau hiện tại là ông Fernando Chui, do một ủy ban ủng hộ Bắc Kinh lựa chọn. Ông sẽ được Chủ tịch Tập chính thức tấn phong trong một buổi lễ ngày mai, sau khi được chọn làm lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ vào tháng 8.

Macau là khu vực duy nhất ở Trung Quốc hợp pháp hóa cờ bạc. Sau khi mở cửa đón sự cạnh tranh từ nước ngoài vào năm 2012, Macau biến thành thiên đường của những con bạc lớn, đưa nơi này vượt qua Las Vegas trở thành thủ đô cờ bạc về mặt Doanh thu.

Tuy nhiên vào tháng 10 vừa qua, hoạt động kinh doanh sòng bạc đã suy giảm mạnh, tụt giảm lợi nhuận tới 23%, xuống chỉ còn 28,025 tỷ patacas (3,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân do nhiều con bạc lớn ở Trung Quốc đã không còn tới Macau, sau khi chính quyền đại lục tiến hành trấn áp tham nhũng. Kinh tế đại lục suy giảm cũng là nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng này.

Đầu tháng 12, quan chức Trung Quốc phụ trách Hong Kong và Macau là Li Fei đã cảnh báo rằng vì lợi ích chung của quốc gia, Macau cần xem xét lại việc quá lệ thuộc vào hoạt động kinh doanh cờ bạc.

Theo nhà phân tích chính trị Sonny Lo ở Hong Kong, thông điệp mà ông Tập có thể đưa ra trong chuyến đi lần này sẽ là Macau không thể lệ thuộc vào hoạt động kinh doanh sòng bạc, cũng là điểm trú chân an toàn cho nhiều quan chức tham nhũng của đại lục.

 

Theo Yên Yên (The Guardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news