Tin mới

Mất cắp hành lý tại sân bay: Đừng chờ chữ nhục

Thứ bảy, 20/06/2015, 14:10 (GMT+7)

“Xử lý việc mất cắp hành lý cần phải có cơ chế rõ ràng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thì mới mong chấm dứt. Đừng chờ chữ Nhục”.

“Xử lý việc mất cắp hành lý cần phải có cơ chế rõ ràng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thì mới mong chấm dứt. Đừng chờ chữ Nhục”.

Thời gian qua, khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không luôn than phiền về việc hành lý bị mất cắp. Theo số liệu thì đây không phải hiện tượng mới xuất hiện mà nó đã xảy ra nhiều năm qua. Nếu ví nó như là căn bệnh trầm kha của ngành hàng không cũng chẳng sai .

Theo báo cáo của Cục Hàng không, năm 2013 có 205 vụ khiếu nại mất hành lý tại sân bay (Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 vụ), số khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ. Năm 2014, số vụ khiếu nại tăng lên 301 vụ (Nội Bài có 144 vụ, Tân Sơn Nhất 157 vụ), có 178 vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế. Sáu tháng đầu năm 2015 đã có 168 vụ khiếu nại (Nội Bài có 79 vụ, Tân Sơn Nhất có 88 vụ), có 111 vụ ở các chuyến bay quốc tế.

Một số vali hành lý của khách bị rạch, bẻ khóa khi sử dụng dịch vụ hàng không thời gian qua.

Qua số liệu, có thể thấy sự việc này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Điều đáng nói và cũng đáng buồn hơn cả là số trường hợp mất cắp, năm sau lại cao hơn năm trước. Việc này khiến lãnh đạo ngành phải vò đầu bứt tóc, tổ chức bao nhiêu cuộc họp để đi tìm nguyên nhân và giải pháp. Nhưng chẳng đi đến đâu. Khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Đinh La Thăng phải vào cuộc.

Trong buổi họp mới đây về tình trạng này, Bộ trưởng Thăng nói: "Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo các anh không nhận thấy trách nhiệm của mình. Bao giờ các ông còn vô cảm, không thấy nhục khi khách quốc tế đến bị mất cắp, thì mất cắp chưa giảm được".

Té ra, nguyên nhân là do lãnh đạo hàng không "không nhận thấy trách nhiệm, vô cảm, không thấy nhục"?

Căn bệnh trầm kha của ngành hàng không đã khiến Bộ trưởng phải đánh động đến cả thể diện, lòng tự trọng của con người để chờ một liều thuốc đặc trị. Nhưng liệu, sau cảnh cáo này của Bộ trưởng, lãnh đạo ngành hàng không có cảm thấy nhục nếu tình trạng này tiếp tục?

Bộ trưởng Thăng có thể chờ, nhưng người dân, hành khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến Việt Nam, họ không thể chờ một chữ nhục được. Chúng ta cần những biện pháp cụ thể, cơ chế xử lý, cần những người dám đứng ra chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ biết "rút kinh nghiệm". 

Nhìn sang những nước lân cận như Nhật Bản hay Hàn Quốc, không khó để thấy ở họ tinh thần trách nhiệm khi xảy ra sự việc nào đó.

Còn nhớ, cách đây khoảng 1 năm (tháng 4/2014), Thủ tướng Hàn Quốc, ông Chung Hong-won đã từ chức và cúi đầu cầu xin sự tha thứ từ người dân Hàn Quốc sau vụ chìm phà Sewol, làm 304 người thiệt mạng. Mặc dù, ông không phải là người trực tiếp gây ra sự việc. Tuy nhiên, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, ông thấy bản thân là người phải chịu trách nhiệm chính và xin từ chức sau 11 ngày xảy ra sự việc.

"Điều đúng đắn mà tôi cần làm chính là nhận trách nhiệm cho những gì đã qua và xin từ chức. Ngay sau vụ chìm phà xảy ra tôi đã muốn làm điều này nhưng việc xử lý tình huống là điều ưu tiên hàng đầu. Tôi nghĩ rằng hành động có trách nhiệm là giúp đỡ mọi người trước khi ra đi", ông Chung Hong-won nói.

Ông Chung Hong-won cúi đầu cầu xin sự tha thứ từ người dân và xin từ chức sau sự cố chìm phà Sewol.

Trở lại với vấn đề mất cắp hành lý tại các sân bay ở nước ta. Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng, một sự việc xấu, gây ảnh hưởng đến bộ mặt của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, đã lặp đi lặp năm này qua năm khác và ngày một tăng. Dù không thể so sánh với việc chìm phà ở Hàn Quốc, nhưng chắc chắn, cũng không thể coi nhẹ.

Ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không - nhận định tình hình trộm cắp hành lý, tài sản tại sân bay vẫn còn phức tạp, số vụ phát hiện được còn ít. Khó kết luận trách nhiệm của các đơn vị liên quan, dẫn tới thời gian xử lý kéo dài và cuối cùng không có đơn vị nào chính thức nhận trách nhiệm.

Nguyên nhân mất hành lý do còn nhiều điểm mù trong quy trình bốc xếp, vận chuyển hành lý, do camera không bao quát được hết, thiếu hệ thống soi chiếu. Chế độ lương của nhân viên bốc xếp thấp, chỉ khoảng 3 - 4 triệu/tháng.

Có độc giả còn ví von rằng: “Ở nước ta, trách nhiệm không nằm ở cương vị, mà nằm trên quả bóng của một sân vận động cực lớn. Khi có sự việc thì bóng cứ lăn mãi mà chẳng đến được chân ai. Chẳng ai có tự trọng để chịu trách nhiệm.”

Phải chăng, Bộ GTVT, Cục Hàng không thiếu cơ chế pháp lý để xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu như Giám đốc cảng vụ, hay các đơn vị từ bốc xếp – vận chuyển- kiểm định hàng hóa? Thiết nghĩ, chắc không phải như vậy. Giả như có thiếu quy chế, chế tài xử lý thì cũng nên bù đắp lỗ hổng ấy bằng những văn bản cụ thể, cơ chế xử phạt nghiêm khắc. Trách nhiệm của bộ phận nào, thì bộ phận đó phải bị xử lý. Nếu không, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Đừng đá ‘quả bóng’ ấy nữa mà hãy hiện thực nó bằng cơ chế. Xử lý dứt điểm cần phải có luật pháp, có chế tài cụ thể chứ đừng chờ chữ Nhục”, một độc giả bức xúc.

Video: Khách hàng bị mất trộm hành lý tại sân bay

[mecloud]nEOvPh3xF0[/mecloud]

Thuận Phong 

 

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news