Tin mới

Mẹ ăn cám lợn nuôi con học đại học: Nhẫn tâm còn hơn tàn nhẫn cả đời

Chủ nhật, 13/07/2014, 18:10 (GMT+7)

Chia sẻ trên Facebook “Bao giờ thì báo chí dừng lại” của Nhà báo Vĩnh Quyên, Đài VOV, viết về chuyện báo chí ca ngợi những tâm gương hy sinh cho con học hành, nhận được nhiều sự quan tâm và những ý kiến trái chiều.

Chia sẻ trên Facebook “Bao giờ thì báo chí dừng lại” của Nhà báo Vĩnh Quyên, Đài VOV, viết về chuyện báo chí ca ngợi những tâm gương hy sinh cho con học hành, nhận được nhiều sự quan tâm và những ý kiến trái chiều.

Từ Hà Lan, Nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Eindhoven Đặng Quang Vinh gửi bài viết về thể hiện quan điểm của mình và cùng tham gia bàn luận với Nhà báo Vĩnh Quyên. Dưới đây là chia sẻ của anh.

Học đại học hay không là một câu hỏi lớn và quan trọng của rất nhiều bạn trẻ. Đã có quá nhiều những bàn luận, băn khoăn hay ý kiến về vấn đề này. Nhằm giới hạn phạm vi thảo luận, tác giả bài viết xin đặt ra một tình huống như sau: bạn là một bạn trẻ sức dài vai rộng, ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu, đang cầm trên tay giấy báo trúng tuyển của một trường đại học lớn – vốn là ước mơ của bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa – nhưng theo đó cũng là những băn khoăn khi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ bạn, như biết bao người cha người mẹ Việt Nam, nhắn nhủ rằng họ sẵn sang làm tất cả cho con đường học vấn của bạn – kể cả ăn cám lợn, ăn xin, bán máu và ở ống cống...- những việc mà tác giả Vĩnh Quyên đã kể ra trong bài viết của mình.

Bằng cấp có quan trọng không?

Cá nhân tác giả cho rằng, câu trả lời là có. Người Việt thường cực đoan, “yêu nhau yêu cả đường đi”, nên khi trọng bằng cấp thì tôn vinh hết lời, tới khi thấy nạn bằng cấp trở thành nghiêm trọng thì lại dễ phủ nhận nó.

Cần khẳng định rằng, thế giới chỉ một Steve Jobs, chỉ có một Bill Gates, và rất rất ít người giống những nhân vật này, nghĩa là sẵn sàng từ bỏ mảnh bằng đại học để lập nghiệp (có lẽ cũng nên nhắc lại là Bill Gates đã bỏ học ở Havard, hay hai nhà sáng lập Google khởi nghiệp từ Stanford). Không phải ai cũng có thể tự tạo sự nghiệp cho riêng mình, và không phải nhà khởi nghiệp nào cũng thành công.

Mẹ ăn cám lợn nuôi con học đại học: Nhẫn tâm còn hơn tàn nhẫn cả đời

"Bố sống ở ống cống nuôi con thủ khoa, nhẫn tâm 4,5 năm còn hơn tàn nhẫn với bố mẹ cả đời"- Độc giả Đặng Quang Vinh (ảnh Trithuctre.vn)

Đa phần chúng ta đều phải đi tìm cho mình một công việc, với một người trả lương. Hãy tưởng tượng bạn là nhà tuyển dụng với hàng nghìn hồ sơ trước mặt. Bạn sẽ làm gì để tìm ra được người cho công ty. Hồ sơ nào cũng có thể tự nói rất hay về mình, nhưng bằng cấp và chứng chỉ từ những địa chỉ uy tín khách quan hơn rất nhiều những gì các ứng viên tự mô tả.

Người ta thường đưa ra những ví dụ về gương thành công không qua giảng đường, nhưng hãy tỉnh táo. Có bao nhiêu người thành công với mảnh bằng đại học hay cao hơn nữa, nhưng họ không phải là chủ đề ưa thích của báo chí.

Đất nước tự hào nhất về văn hóa khởi nghiệp có lẽ là nước Mỹ. Thế nhưng đất nước có nhiều trường đại học hàng đầu với số lượng sinh viên đông đảo cũng lại là nước Mỹ.

Và những cử nhân thất nghiệp?

Gần đây, con số 72.000 cử nhân thấp nghiệp, dù Tổng cục thống kê đã định nghĩa khái niệm “thất nghiệp” cực kỳ rộng, làm nhiều người choáng váng. Một lần nữa, đừng để những con số đánh lừa bạn. Tổng cục thống kê cho biết, số người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam năm 2013 là khoảng trên 53 triệu, và tỷ lệ thất nghiệp là 2,2%, tức là có hơn 1 triệu người Việt Nam thất nghiệp. Trong hơn 1 triệu người thất nghiệp đó, có 72.000 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, tức là tỷ lệ khoảng 7%. Hay nói cách khác, nếu bạn không có trình độ cao đẳng, đại học, khả năng để bạn trở thành người thất nghiệp sẽ cao hơn khoảng 14 lần.

Công ơn mẹ cha?

Sẽ là thừa nếu nhắc lại những gì bậc sinh thành hy sinh cho con cái. Câu chuyện chúng ta đặt ra ở đây là sự đầu tư và đánh đổi.

Nếu bạn xác định mình có thể tự lập nghiệp mà không cần trường đại học, thật tuyệt vời. Nhưng nếu bạn thấy rằng bạn sẽ phải đi một con đường như phần đông vẫn đi, hãy “dũng cảm” chọn nó, dù rằng điều đó đòi hỏi cha mẹ phải hy sinh nhiều hơn.

Hãy nghĩ rằng, sau những năm tháng miệt mài học tập (chứ không phải trốn tiết đi chơi game), bạn có thể tìm được một công việc và sự nghiệp tốt hơn, với thu nhập cao hơn, và có nhiều khả năng giúp đỡ cha mẹ hơn. Tất nhiên, bạn có thể vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí cuộc sống, nhưng kinh nghiệm cá nhân và bạn bè của tác giả bài viết này cho thấy, điều đó đòi hỏi bạn một nỗ lực rất lớn. Đừng ôm đồm quá nhiều để rồi chẳng chuyện gì thành công.

Hãy đặt ra trước mắt tất cả những con đường bạn có thể đi. Nếu bạn tin rằng học đại học là con đường tốt nhất của bạn, và bạn có thể đi hết con đường đó, hãy chọn nó, dù rằng điều đó có vẻ... tàn nhẫn.

Dù thế nào, vất vả, nhẫn tâm trong 4 – 5 năm đại học, chắc chắn tốt hơn là tàn nhẫn với bạn và cha mẹ bạn, con cái của bạn cả đời.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news