Tin mới

"Móc túi" hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng sử dụng di động, liệu có bị khởi tố?

Thứ sáu, 30/09/2016, 12:06 (GMT+7)

"Xử lý các tội danh xâm hại quan hệ sở hữu có định lượng tối thiểu là 2 triệu đồng thì bị xử lý hình sự. Trong khi đó, lừa dối khách hàng để chiếm đoạt hàng trăm tỷ lại chỉ bị phạt hành chính 55 triệu đồng là hết sức phi lý" - Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.

"Xử lý các tội danh xâm hại quan hệ sở hữu có định lượng tối thiểu là 2 triệu đồng thì bị xử lý hình sự. Trong khi đó, lừa dối khách hàng để chiếm đoạt hàng trăm tỷ lại chỉ bị phạt hành chính 55 triệu đồng là hết sức phi lý" - Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.

Vừa qua, nhiều chủ thuê bao di động của các nhà mạng lớn như MobiFone, Vinaphone, Viettel liên tục than phiền rằng thuê bao của họ không đăng ký sử dụng các gói dịch vụ giá trị gia tăng nhưng vẫn bị trừ tiền oan. 

Nhiều khách hàng sau khi biết thông tin về việc dịch vụ GTGT bị "tự động" đăng ký đã nhanh chóng gửi tin nhắn đến tổng đài để kiểm tra. Sau đó, không ít người  bất ngờ khi biết bấy lâu nay, thuê bao của họ đã “cống nạp” một số tiền không nhỏ cho nhà mạng một cách vô lý.

Theo thông tin được đăng tải trên VnExpress, thực tế, "nghi án" nhà mạng tự động kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cũng không ít lần nhận được thông tin phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, lý giải với khách hàng cũng như báo chí, các doanh nghiệp viễn thông một mực khẳng định không thể có chuyện nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ cho khách hàng trong mọi trường hợp. 

Hơn 90.000 thuê bao di động đã bị "móc túi" âm thầm suốt thời gian dài. Ảnh minh họa

Đại diện một nhà mạng lớn đưa ra lý giải, hiện nay, ngoài hình thức đăng ký dịch vụ qua tin nhắn, khách hàng có thể thực hiện qua trang web, wap, ứng dụng trên điện thoại, tổng đài tự động, điện thoại viên hỗ trợ… Với hình thức đăng ký như truy cập web, wap, ứng dụng... đại diện nhà mạng thừa nhận do không cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ cho khách hàng nên dễ dẫn đến phát sinh các tình huống ngoài ý muốn mà bản thân chủ thuê bao cũng khó kiểm soát.

Đại diện cơ quan thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông cũng thừa nhận, dù rất sát sao trong việc kiểm tra vẫn khó phát hiện các sai phạm của nhà mạng, trừ khi có những thông tin, bằng chứng xác đáng được chính người tiêu dùng cung cấp. 

Cho đến hiện tại, tuy chưa có một con số thống kê đầy đủ nào làm rõ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cũng như nhà mạng đã thu về bao nhiêu từ việc tự động cài đặt các dịch vụ này. Thế nhưng, theo báo cáo kết quả thanh tra SAM Media Limited tại Hà Nội - một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng được công bố gần đây, thì từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2016, thuê bao của 4 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền là 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đến ngày 19/7 vừa qua là gần 94.000 thuê bao. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền. 

Sau đợt thanh tra, Sở TT-TT Hà Nội đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính Công ty Sam Media Limited về 2 hành vi “Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (vn-mozzi.biz/vn) mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” và “Cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên trang vn-mozzi.biz/vn, nhưng thông tin giá cước hiển thị không cùng kiểu mã lệnh và có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước của mã lệnh” với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Những thông tin được công bố đã khiến nhiều người sử dụng di động vô cùng bất bình, cho rằng nhà mạng đang trắng trợn và tự động “lừa tiền" của khách hàng. Do đó, có ý kiến cho rằng, cần phải có hình thức xử lý thỏa đáng các hành vi "móc túi" khách hàng của  các nhà mạng để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.

Đại diện nhà mạng thừa nhận do không cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ cho khách hàng nên dễ dẫn đến phát sinh các tình huống ngoài ý muốn mà bản thân chủ thuê bao cũng khó kiểm soát. Ảnh minh họa

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thông không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng dẫn đến việc giao kết hợp đồng trái với ý muốn, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Lê Văn Thiệp, hiện nay đang tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý liên quan đến Thương mại điện tử như: chưa có cơ chế đại diện đối với người tiêu dùng, thủ tục tố tụng đặc thù liên quan đến chứng cứ điện tử, hậu quả pháp lý khi bồi thường thiệt hại... Ví dụ, mỗi người bị nhà mạng "móc túi" có thể chỉ bị mất từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng; nhưng hậu quả là có hàng chục triệu người bị thiệt hại thì số tiền đó sẽ được sung công hay chi trả trực tiếp? Và liệu nhà mạng có phải đền bù bằng cách khấu trừ hay không?... Những tồn tại trên vẫn chưa thể có được giải đáp rõ ràng, minh bạch.

"Đây là những vấn đề mới phát sinh, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông đã móc nối với những đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh trái phép tại Việt Nam chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Xử lý các tội danh xâm hại quan hệ sở hữu có định lượng tối thiểu là 2 triệu đồng (thậm chí dưới 2 triệu đồng) là bị xử lý hình sự. Trong khi đó, các đối tượng liên tiếp lừa dối khách hàng để chiếm đoạt hàng trăm tỷ lại chỉ bị phạt hành chính 55 triệu đồng. Đó là điều vô lý. Từ thực tế này cho thấy, việc xây dựng, duy trì hiệu lực của điều 292 Bộ Luật Hình sự (hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) là phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật nhằm bảo vệ các chủ thể khác trong xã hội" - Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Theo đó, liên quan vấn đề này, Luật sư Thiệp cũng cho rằng, Tội phạm sử dụng mạng truyền thông và trí thông minh nhân tạo cần được điều chỉnh bằng những điều luật cụ thể dựa trên các đặc điểm của Thương mại điện tử. Cùng với đó, cần phải xử lý hình sự hành vi kinh doanh trái phép, lừa dối khách hàng và cả hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với những cá nhân, tổ chức liên quan trong các cơ quan quản lý nhà nước; trong đó, phải truy cả trách nhiệm của các nhà mạng và cơ quan thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông. Như vậy mới có thể đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong Pháp luật Hình sự.

Sam Media Limited tại Hà Nội được sự ủy quyền của công ty mẹ tại Hồng Kông đã hợp tác với ba công ty tại VN gồm Công ty CP đầu tư ACOM, Công ty CP truyền thông VMG và Công ty CP truyền thông Gapit để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động qua các đầu số tin nhắn ngắn.

Thông qua các tin nhắn quảng cáo trúng thưởng được thiết kế có các biểu tượng của những sản phẩm này và các câu hỏi vui để người dùng tham gia trả lời, làm theo cùng với những câu từ kích thích sự hấp dẫn của các giải thưởng vật chất. 

Sau khi trả lời các tin nhắn này, người dùng sẽ bị trừ tiền đều đặn hằng tuần, hằng tháng mà không hề biết. 

Để có thể kiểm tra các dịch vụ Giá trị gia tăng đang sử dụng, chủ thuê bao có thể nhắn tin theo cú pháp sau: 

+ MobiFone: Soạn KT gửi 994

+ Viettel: Soạn TC gửi 1228

+ VinaPhone: Soạn TK gửi 123

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news