Tin mới

Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung

Thứ hai, 19/03/2018, 09:48 (GMT+7)

Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 14 người phát hiện bị ung thư cổ tử cung, trong đó khoảng 7 ca tử vong.

Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 14 người phát hiện bị ung thư cổ tử cung, trong đó khoảng 7 ca tử vong. 

Theo tin tức trên VnExpress đăng tải, tại hội thảo 10 năm văcxin ngừa HPV sử dụng tại Việt Nam ngày 18/3, phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.

Ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến thứ 4 trong tổng số 25 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt; sau ung thư vú, phổi, gan. Mỗi năm ước tính tại Việt Nam có 5.146 người mắc và 2.423 ca tử vong vì bệnh.

Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời

Khoảng 37,7 triệu nữ giới độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Phụ nữ sau 40 tuổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất. 95% trường hợp ung thư cổ tử cung do virus gây u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus) gây nên. Virus HPV lây nhiễm qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con (khi sinh đẻ) và có thể sống trong cơ thể nhiều năm trước khi phát bệnh.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.

Hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 100 chủng HPV gây bệnh ở người. Trong đó, nguy hiểm nhất là chủng HPV 16, chiếm gần 50% các trường hợp. Chủng HPV 18 xếp thứ 2, với 34%. HPV có thể gây ra ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo ở nữ; ung thư dương vật ở nam; mụn cóc sinh dục (sùi mào gà), ung thư hầu họng, hậu môn ở cả 2 giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu đăng tải trên Jounal of Infection and Public Health tháng 6/2017 chỉ ra rằng nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn còn thiếu hiểu biết về virus HPV.

Trước đó, vào tháng 10/2016, các chuyên gia Đại học Utah, Đại học Y khoa Texas và Đại học Quốc gia TP HCM đã gửi bảng hỏi đến 932 sinh viên Việt Nam và Mỹ. Kết quả cho thấy, các nữ sinh viên Việt Nam không những ít kiến thức về HPV mà còn rất chủ quan với bệnh ung thư cổ tử cung.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trên thế giới, ít nhất 50% người trưởng thành nhiễm virus HPV vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Với 90% trường hợp, trong khoảng thời gian từ 1-2 năm, hệ miễn dịch sẽ tự đào thải HPV.

Văcxin ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, bất kể đã có quan hệ tình dục hay chưa. 

Tuy nhiên cơ thể suy giảm đề kháng, HPV sẽ tấn công và gây bệnh. Triệu chứng thường không rõ ràng, nên bệnh nhân dễ lây truyền cho người khác, chỉ khi khám phụ khoa người bệnh mới phát hiện.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Minh Tuấn – Phó chủ nhiệm Bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, ung thư cổ tử cung ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc và cuộc sống của các cặp đôi. Căn bệnh này có thể tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Tuy nhiên nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể chữa khỏi, bảo tồn thiên chức làm mẹ.

Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nữ giới trong độ tuổi 9-26, dù đã quan hệ tình dục hay chưa, đều có thể tiêm vắc-xin ngừa các chủng virus HPV nguy cơ cao. Sau độ tuổi này, nên có đời sống tình dục an toàn; khám phụ khoa định kỳ; thực hiện xét nghiệm PAP thường niên hoặc hai năm một lần.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news