Tin mới

"Móng vuốt của Gấu Nga ngày càng sắc nhọn"

Thứ năm, 17/03/2016, 15:34 (GMT+7)

Việc Nga rút quân khỏi Syria cho thấy Tổng thống Putin đã không chơi trò "Zero-sum" (bên được bên mất) và đã có một chiến lược rõ ràng để đưa tới một giải pháp chính trị trong nước, đồng thời khẳng định cho thế giới thấy sức mạnh đang hồi sinh của nước Nga.

Việc Nga rút quân khỏi Syria cho thấy Tổng thống Putin đã không chơi trò "Zero-sum" (bên được bên mất) và đã có một chiến lược rõ ràng để đưa tới một giải pháp chính trị trong nước, đồng thời khẳng định cho thế giới thấy sức mạnh đang hồi sinh của nước Nga.

Hôm 14/3, ông Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu bắt đầu rút các nhóm không quân Nga khỏi Syria từ ngày 15/3 sau khi đã hoàn tất các nhiệm vụ được giao.

Bình luận về lệnh rút quân của Putin, Faisal Devji, một nhà sử học thuộc Đại học Oxford cho rằng, bài học quan trọng rút ra từ quyết định này là nhà lãnh đạo Nga không tin vào trò chơi "Zero-sum".

"Sứ mệnh của ông ấy (Putin) không chỉ đơn giản là tạo ra một chiến lược với một lối thoát rõ ràng, không giống như những can thiệp từ phương Tây... mà còn tạo ra tình thế mặt đất ở Syria, tạo điều kiện cho quá trình đàm phán giữa các lực lượng đối lập và tạo ra một quá trình chuyển đổi chính trị thực sự", Devji nhấn mạnh.

Putin không tin vào trò chơi "Zero-sum". Ảnh: Sputnik

Tất cả những mục tiêu mà Moscow đặt ra khi tham chiến chống khủng bố tại Syria đều đã thành công, dẫn đến quyết định rút quân khỏi quốc gia này, cựu cố vấn về Nga cho lãnh đạo Đảng Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen Emmanuel Leroy nói.

"Không còn gì phải nghi ngờ, chúng ta có thể nói rằng đây là một bước ngoặt trong cuộc chiến và các mục tiêu Vladimir Putin đặt ra đều đã đạt được", Leroy, một nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Pháp cho biết.

Nga tham chiến để bảo vệ chính phủ hợp pháp của Syria trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, chặn bước tiến quân của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan IS tới Baghdad của Iraq và Latakia của Syria, giáng đòn mạnh mẽ vào những kẻ khủng bố và ngăn chặn nước cộng hòa Ả Rập này trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Leroy nhấn mạnh.

Ông Leroy cũng nhấn mạnh thêm rằng sự tham chiến của Nga tại Syria đã giúp quốc gia này cho phương Tây thấy rằng "gấu Nga không mất đi móng vuốt, mà ngày càng trở nên sắc nhọn hơn".

Miêu tả về các chiến dịch quân sự ở Syria mang lại lợi ích gì cho Nga, Leroy cho rằng hình ảnh của Moscow trên đấu trường quốc tế đã được cải thiện rất nhiều.

"Nó cũng cho thấy rằng Nga đã có bước đột phá công nghệ đáng chú ý trong lĩnh vực chiến tranh mạng", khiến giới chức Mỹ phải nhìn nhận lại vai trò và sức mạnh của Nga hiện nay.

Chuyên gia về khủng bố và an ninh tại Đại học Alberta, Thomas Butko thì cho rằng, mục đích của Putin tại Syria là nhằm khẳng định: "Nếu yêu cầu then chốt của Nga là Tổng thống Syria al-Assad tiếp tục tại vị thì điều đó có nghĩa ông Assad sẽ vẫn nắm quyền lực mà chẳng cần phải ra đi. Nga đã đạt được mục đích chính của họ và thực tế là hòa bình đang đến với khu vực này".

Nga đã đạt được những mục tiêu chính khi tham chiến tại Syria. Ảnh: Sputnik

Nhìn vào những hậu quả của việc Nga rút khỏi quốc gia Trung Đông, Noomane Raboudi, một chuyên gia về Syria tại Đại học Ottawa, cho rằng, Putin hiểu rằng nội chiến Syria là một cuộc xung đột lâu dài và đẫm máu, và không muốn tsa lầy vào đó.

"Putin sẽ quan sát tình hình từ bên ngoài và sẽ can thiệp trở lại bất cứ khi nào cán cân quyền lực bị đe dọa", Raboudi nói.

Devji cũng làm rõ thêm rằng Nga không ủng hộ chính phủ Syria giành lại tất cả, thậm chí là một phần của Aleppo, mà thay vào đó là đưa Syria vào vị trí tiến tới thỏa thuận với ít nhất một vài nhóm đối đầu. Và theo cách này, Syria có thể tái thiết lập nhà nước hợp pháp trên cơ sở một thỏa thuận chính đáng, hoàn toàn trái ngược với sự thay đổi chế độ ở Iraq hoặc tình trạng vô chính phủ ở Libya.

Butko quan sát thấy rằng, quyết định rút quân của Nga có liên quan đến niềm tin của quốc gia này rằng vị trí của Assad hiện nay đã đủ mạnh để đối phó được với bất kỳ cuộc phản công nào từ phe đối lập - những lực lượng hiện đã bị chia tách và suy yếu.

Moscow tin rằng chính phủ Tổng thống Assad hiện nay đã đủ sức để đối phó với lực lượng nổi dậy. Ảnh: AP

"Dù thế nào người ta cũng sẽ nghĩ đến phương pháp hoặc những chi tiết trong Chính sách đối ngoại của Nga, nhưng cần làm rõ rằng điều đó không căn cứ vào nguyên tắc 'được ăn cả ngã về không'. Trong trường hợp của Nga, họ đường như nỗ lực để ngăn chặn sự xói mòn của một quốc gia có chủ quyền trên đấu trường quốc tế và từ đó tái lập nền chính trị của mình trong trật tự thế giới", Devji chỉ rõ.

Nói về kết quả chung của chiến dịch mà Nga tiến hành ở Syria, ông cũng chỉ ra rằng không có cuộc chiến giữa các hệ tư tưởng, tranh giành lãnh thổ hay bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào, mà đó là sự trở lại của một quyền lực chính trị lớn, và đó là kết quả của đa nguyên chính trị đối với đấu trường toàn cầu.

Butko cũng gợi ý rằng sự rút quân khỏi Syria cũng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Nga với phương Tây. Theo Raboudi, lệnh rút quân này cũng có thể là kết quả của một thỏa thuận ngầm giữa Nga và Mỹ.

Xem thêm video máy bay vận tải IL-76 hộ tống chiến đấu cơ Nga về nước:

[mecloud]e8WIQayPGR[/mecloud]

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news