Tin mới

Hút bùn Hồ Tây: Sao phải chờ báo cáo Chủ tịch Chung?

Thứ tư, 07/12/2016, 16:58 (GMT+7)

Trước những vấn đề liên quan tới chi tiêu ngân sách công cho các dự án, hạ tầng công cộng, cư dân thủ đô rất cần có được những thông tin đầy đủ, công khai thay vì chờ đợi thông tin sau chuỗi quy trình "báo cáo ông Chung" như hiện nay.

Trước những vấn đề liên quan tới chi tiêu ngân sách công cho các dự án, hạ tầng công cộng, cư dân thủ đô rất cần có được những thông tin đầy đủ, công khai thay vì chờ đợi thông tin sau chuỗi quy trình "báo cáo ông Chung" như hiện nay. 

Trước đó, ngày 05/12, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của HĐND thành phố Hà Nội, trước đề nghị của Bí thư Quận ủy Tây Hồ về việc tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (gói thầu 23) đang dang dở do tạm dừng từ năm 2014 vì lý do thành phố khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có những trả lời thẳng thắn về vấn đề này. Đồng thời, ông Chung cũng truy vấn về khoản chi dành cho nạo vét bùn ở Hồ Tây: "4 năm vừa qua, Ban Quản lý Hồ Tây chi hết 128 tỷ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả!".

Con số 128 tỷ đồng mà ông Chung đưa ra đã làm "nóng" phiên thảo luận và khiến dư luận - đặc biệt là cư dân thủ đô hết sức quan tâm. 

"Phản hồi" truy vấn của Chủ tịch thành phố, trao đổi với báo chí bên lền kỳ họp HĐND thành phố vào sáng ngày 06/12, Bí thư - Chủ tịch HĐND Quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng khẳng định, không có việc chi phí 128 tỷ đồng mà không nạo vét được mét khối bùn nào ở Hồ Tây.

"Tôi khẳng định là không có chuyện đó, không có chuyện chi tiền mà lại không có một mét khối bùn nào. Làm dự án đâu phải đơn giản, không làm mà tốn chừng đấy tiền thì chết. Thời gian tới, UB Quận sẽ báo cáo lại với Chủ tịch thành phố" (PV- Thanh niên).

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung "truy vấn" về khoản chi phí 128 tỷ cho nạo vét bùn Hồ Tây. Ảnh: Quang Phong/Dân trí

Câu trả lời của  Bí thư - Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ liên quan tới vấn đề đang làm "nóng" dư luận trên đã làm dấy lên băn khoăn đối với không ít độc giả. Bởi thay vì câu trả lời được kỳ vọng là sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về khoản chi phí 128 tỷ đồng cho nạo vét hồ, độc giả (và nhiều cử tri khác) lại được nhận lời hồi đáp "sẽ báo cáo ông Chung".

Theo một số ý kiến, thay vì động thái "báo cáo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung" về vấn đề đang khúc mắc của thành phố, ông Thắng nên thông tin đầy đủ, rõ ràng cho các cử tri cũng như dư luận được rõ. Bởi việc chi tiêu ngân sách cho các dự án của thành phố, nhân dân thủ đô cũng cần được thông tin. 

Một số người lại đưa ra băn khoăn với quy trình làm việc kiểu "báo cáo ông Chung" như hiện nay. "Ngay trong phiên thảo luận, nếu xét thấy thông tin mà ông Chung đưa ra sai với thực tế thì tại sao Bí thư - Chủ tịch Quận lại không nêu ý kiến và trình bày cụ thể để cử tri được biết? Nếu khẳng định 128 tỷ đồng được chi cho nạo vét bùn Hồ Tây và đã đem lại hiệu quả và đã quyết toán theo quy định, thì tại sao không "phản bác" ngay ý kiến "không thấy một khối bùn ở đâu cả" của ông Chung, để rồi lại chờ quy trình "báo cáo Chủ tịch"?...

Đồng quan điểm, có độc giả nêu ý kiến: "Sau truy vấn của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Bí thư  - Chủ tịch Quận khẳng định là có những khối bùn cụ thể. Vậy dân muốn biết bùn đó được nạo vét từ bao giờ, tại những thời điểm nào, được đem xur lý hay đổ bỏ tận đâu. Vấn đề này không chỉ mỗi ông Chung được quyền biết mà cư dân thủ đô cũng có quyền được nhận thông tin công khai. Thế nhưng, tại sao lại không thể thông tin trên báo chí trong quá trình trao đổi, mà lại phải đợi quận báo cáo lên Chủ tịch?

Tựu lại, dường như chính quy trình thông tin kiểu "sẽ báo cáo ông Chung" vô hình trung đang cổ súy cho việc hạn chế quần chúng được tiếp nhận những thông tin đầy đủ, công khai về các vấn đề liên quan tới Chính sách công cũng như các công trình, hạng mục công cộng của thành phố. Và một khi lối làm việc như thế này còn được duy trì thì sẽ hạn chế rất nhiều chuyện "dân biết, dân bàn", chứ chưa dám nói tới "dân làm, dân kiểm tra".

Trước đó, tại phiên thảo luận, ông Chung cho biết, sau sự cố cá chết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban cán sự UBND thành phố Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước tiến hành khảo sát Hồ Tây. Đích thân ông cũng trực tiếp kiểm tra lại và nhận thấy, từ năm 2011 đến nay, quận đã thực hiện 04 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, trong đó có gói thầu luên quan đên nạp vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ chưa được thực hiện. 

Cũng theo ông Chung, từ con số khảo sát của 3 công ty độc lập, nếu muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn thì quận Tây Hồ không thể đảm đương được dự án mà thành phố phải đứng ra thực hiện. Và "với những lý do như vậy, thành phố không thể bố trí vốn cho Ban Quản lý Hồ Tây được" (PV- Dân trí).

Phó trưởng ban quản lý Hồ Tây - Đỗ Hùng Vương cho biết, theo kết quả các đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng hồ, mỗi ngày, Hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt; chất lượng nước hồ có chỗ đen quánh gây mùi hôi khó chịu về mùa hè; nguồn nước thải trước khi đổ vào hồ đều ô nhiễm nặng, thể hiện ở các giá trị COD, BOD, phenol…, vượt giới hạn cho phép.

Lớp bùn đáy Hồ Tây có độ dày dao động từ 0,2 đến 1,5m, nhiều điểm độ dày bùn đáy hơn một mét như: khu vực gần hồ Vả, câu lạc bộ Hà Nội, cống Đõ, sau trường Chu Văn An, dốc Yên Phụ, Âu Cơ và cống Tàu Bay. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực quanh cống thải bị nhiễm dầu mỡ và kim loại nặng (Pb, Cu, Hg) vượt giới hạn nhiều lần, ảnh hướng lớn đến hệ sinh thái hồ.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news