Tin mới

NATO điều máy bay, tàu chiến tới bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ bảy, 19/12/2015, 09:24 (GMT+7)

Bất chấp sự điều động quân sự gây hấn thời gian gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh NATO ngày hôm qua (18/12) đã đồng ý cung cấp gói phòng không cho Ankara.

Bất chấp sự điều động quân sự gây hấn thời gian gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, các đồng minh NATO ngày hôm qua (18/12) đã đồng ý cung cấp gói phòng không cho Ankara.

NATO đồng ý cung cấp một gói phòng không cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Là một phần của thỏa thuận bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, liên minh NATO đã phê duyệt kế hoạch triển khai máy bay và tàu chiến đến Ankara.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Reuters: "Chúng tôi đã nhất trí về các biện pháp bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ với quan điểm tình hình khu vực đang bất ổn".

Gói phòng không này sẽ bao gồm các máy bay giám sát AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không) và "tăng cường giữ trật tự trên không, tăng sự hiện diện của hải quân trong đó có các máy bay tuần tra hàng hải". Đức và Đan Mạch sẽ là nước cung cấp tàu.

Khi được hỏi liệu quyết định này có thắt chặt kiểm soát đối với cách quản lý không phận bừa bãi của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Stoltenberg nói với Reuters: "Điều này sẽ giúp chúng tôi nhận thức tình huống tốt hơn, minh bạch hơn, có khả năng dự đoán nhiều hơn và sẽ góp phần làm ổn định tình hình trong khu vực cũng như kiềm chế căng thẳng".

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị quốc tế chỉ trích sau khi bắn rơi một máy bay ném bom Nga trong không phận Syria. Vụ việc khiến 2 binh sĩ Nga thiệt mạng, đe dọa sẽ làm tổn hại mối quan hệ Nga - Thổ.

Các nhà ngoại giao biết về quyết định mới nhất này nói với Reuters rằng gói hỗ trợ này phần nào nhằm ngăn chặn những sự cố liều lĩnh tương tự trong tương lai. Các chuyên gia quân sự đã ám chỉ lý lẽ này vào hôm 17/12.

"Đây là cách giữ thể diện mà đồng minh dành cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khi cố gắng để họ có cách hành xử thông minh hơn", Nick Witney, một cựu lãnh đạo Cơ quan Quốc phòng châu Âu nói với Euractiv.com.

"Chúng tôi quan ngại về sự tích tụ quân sự tại khu vực này", ông Stoltenberg nói. Ông cũng hy vọng kết hợp với các Chính sách phòng không tương tự ở biển Baltics để "không để xảy ra sự cố và tai nạn".

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị chỉ trích về quyết định triển khai hàng trăm binh sĩ tới miền bắc Iraq, một động thái mà chính phủ Iraq coi là vi phạm luật pháp quốc tế.

"Chính phủ cam kết duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị nhưng đồng thời nhắc lại quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình", tuyên bố của chính phủ Iraq cho biết.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cho Ankara 48 giờ để rút quân nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không đồng ý tuân thủ. Hội đồng Bảo an LHQ hiện đang xem xét đơn khiếu nại của Baghdad.

Bảo Linh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Jens Stoltenberg