Tin mới

“Nếu coi mại dâm là một nghề thì lợi sẽ nhiều hơn hại"

Thứ năm, 29/03/2018, 10:55 (GMT+7)

Đó là lời chia sẻ của ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) bên lề hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm ngày 28/3.

Đó là lời chia sẻ của ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) bên lề hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng Chính sách, pháp luật về mại dâm ngày 28/3.

Theo thông tin trên VOVTiền Phong đăng tải, sáng 28/3, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm. Tại đây, câu hỏi quen thuộc “có coi mại dâm là một nghề hay không?” tiếp tục được đặt ra.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nước ta có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, người bán dâm là nữ hiện khoảng 75.000 người. Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua Internet (Facebook, Zalo)...

Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính… Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó, theo một số nghiên cứu đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do là 75,7%; 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18-25; trên 40% chủ chứa là phụ nữ.

Ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)

Tại “Hội thảo với các đại biểu Quốc hội về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phối hợp với tổ chức Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 28/3, ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về phòng, chống mại dâm cần hướng dần đến việc công nhận mại dâm là một nghề. Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia lân cận và trên thế giới. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục.

Câu chuyện có nên coi mại dâm là một nghề được tranh luận sôi nổi tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm ngày 28/3. 

Hiện nay, có rất nhiều chính sách phòng chống và giảm thiểu tác hại của mại dâm. Đánh giá về hiệu quả của các chính sách này, ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) thẳng thắn: “Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được ban hành từ năm 2003, đến nay, chúng ta phải khẳng định có những hạn chế nhất định. Nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên có nguyên nhân chúng ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Đây là điểm rất khó để cơ quan Nhà nước thực hiện”.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Đạt cho rằng nên tính toán để coi mại dâm là một nghề. Giải thích về đề xuất này, ông Đạt cho biết: “Nếu coi mại dâm là một nghề giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau. Chúng ta sẽ đặt ra các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đó, như bán dâm phải đăng kí, khám sức khỏe, thậm chí có những tổ chức thành lập thực hiện hoạt động này.

Ban đầu nói ra mọi người sẽ không quen trong xã hội, dần dần mọi người cũng quen. Chúng ta không coi đó là một nghề mà cứ cấm cái này, cái kia nhưng trên thực tế hiện nay vẫn diễn ra như một nghề bình thường”.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội

Trái ngược với quan điểm của ông Đạt, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho biết mại dâm là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội và cuộc sống của người dân. Việt Nam chủ trương không xây dựng phố đèn đỏ, dần loại bỏ hình thức buôn bán mại dâm bất hợp pháp, bóc lột tình dục và huy động mọi tầng lớp, cộng đồng để giảm hại, giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy vậy, theo ông Lập, dù cấm hay không, xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, hầu hết người hoạt động bán dâm đều tự nguyện, chỉ một số do bị ép buộc là nạn nhân của nạn buôn bán người.

Trong những năm qua, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, trá hình, khó kiểm soát.

Thực tế tại Việt Nam, mại dâm không chỉ ở các khu du lịch, mà cả ở những khu dân cư cũng rất phức tạp… Tuy nhiên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, việc có hay không công nhận mại dâm là một nghề đã được bàn tới từ nhiều năm nay. “Nếu công nhận mại dâm là nghề thì rất khó, vì đã là nghề thì phải tuân theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương… theo quy định”, ông Lập nói.

Tại Việt Nam, năm 2003 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 10/2003 về phòng chống mại dâm. Sau 15 năm thực hiện, pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra một khung pháp lý cao hơn để giải quyết các vướng mắc hiện nay, trong đó có phương án xây dựng Luật Phòng chống mại dâm. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu theo hướng xây dựng luật.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news