Tin mới

Nếu "ông thợ khóa" Park Hang-seo "sai", thì đội tuyển Việt Nam... cũng không cần phải đúng

Thứ hai, 19/11/2018, 14:12 (GMT+7)

"Nếu yêu anh là sai, thì em đây không cần đúng" là câu nói ngôn tình vốn được các bạn trẻ yêu chuộng. Và đã đến lúc những Quang Hải, Công Phượng... làm điều đó với thầy Park.

"Nếu yêu anh là sai, thì em đây không cần đúng" là câu nói ngôn tình vốn được các bạn trẻ yêu chuộng. Và đã đến lúc những Quang Hải, Công Phượng... làm điều đó với thầy Park.

1. Chưa khi nào, một nhà cầm quân ở ĐTQG Việt Nam lại "nhằn phải" những phản ứng đáng ngạc nhiên đến như thế từ các chuyên gia bóng đá nước nhà. Thay vì chia vui, động viên sau chiến thắng trước kình địch Malaysia, thì HLV Park Hang-seo thêm lần nữa nhận phải những nhận xét nặng nề, đầy cảm tính và ác cảm. Trên thế giới, chắc hẳn không có nhiều những trường hợp kiểu này.

Trên Mỹ Đình tối hôm ấy, các học trò của HLV Park Hang-seo chơi bóng giữa những tiếng hò reo dậy sóng suốt cả trận. Đấy không phải là những tiếng hò reo, động viên, cổ vũ cho đội nhà mỗi khi cầm được bóng, mà là những tiếng hò reo vui mừng, sung sướng, cảm ơn những gì ông thầy người Hàn cùng các học trò thể hiện trên sân. Những tiếng hò reo ấy chứng minh rằng họ đang đi đúng đường.

Không "đúng đường" làm sao được, khi mãi đến phút 58, thủ thành Đặng Văn Lâm mới có pha cản phá đầu tiên, sau cú sút phạt của đối phương. Trước đó, thủ thành Việt kiều này hoàn toàn không có bất cứ cơ hội trổ tài nào. Đơn giản, bởi các đồng đội của thủ thành này đã làm quá tốt trong việc vô hiệu hóa mọi pha tấn công của đối phương.

Mãi đến phút thứ 58 của trận đấu, thủ thành Đặng Văn Lâm mới có cơ hội đầu tiên để trổ tài.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên HLV Park Hang-seo nhận phải phản ứng "nguy hiểm" kiểu này sau thành công cùng đội tuyển. Trước đây gần tròn 3 tháng, nhà cầm quân người Hàn Quốc này đã từng cực kỳ bức xúc, tỏ thái độ rõ ràng trước làn sóng chỉ trích của người hâm mộ và các chuyên gia bóng đá Việt Nam sau trận thắng 1-0 trước U23 Nhật Bản ở Asiad 2018.

Buồn cười thay, ngày ấy người ta chỉ trích ông vì căng sức ra đá với... Nhật Bản, để rồi... thắng. Nào đã hết, người ta chỉ trích ông vì chỉ đạo các cầu thủ đá căng sức với U23 Nhật Bản, để Hùng Dũng dính phải chấn thương. Sự chỉ trích vô lối, chỉ trích "lấy được" có lẽ là điều khiến HLV người Hàn Quốc này ngỡ ngàng nhất với bóng đá Việt Nam, hơn bất cứ sự khác biệt nào về văn hóa hay khí hậu, con người...

2. Thực ra, những gì HLV Park Hang-seo cho các học trò của mình thực hiện, và thực hiện thành công trong trận thắng trước Malaysia chẳng có gì là mới lạ, thậm chí quá quen thuộc với bóng đá thế giới.

Bàn thắng sớm của Công Phượng nằm trong tính toán của HLV Park Hang-seo, và khiến cho trận đấu nằm gọn trong tay của chiến lược gia Hàn Quốc này.

Kịch bản "đánh nhanh thắng gọn", sau đó chủ động thủ chắc, dụ đối phương lao lên để "tặng" thêm đòn kết liễu là chiến thuật quá quen thuộc với tất cả những nhà cầm quân trên thế giới, và nó là một chiến thuật hiệu quả nhất với những cuộc đối đầu giữa những đối thủ cùng đẳng cấp. Có chăng, nó chỉ lạ lẫm với những chuyên gia quen xem bóng đá bằng... con số, cũng như chỉ chăm chăm "bới bèo ra bọ" để thỏa mãn niềm đam mê... làm HLV online.

Mà trong cơn bão chỉ trích cho "thỏa niềm đam mê", họ chẳng thể nhìn ra một HLV Park Hang-seo không chỉ hướng tới thắng lợi, mà còn là một "ông thợ khóa" tài ba, mở ra những nhân tố tiềm năng cho bóng đá Việt Nam.

Trong ý kiến "giải mã" HLV Park Hang-seo của một nhà báo thể thao tên tuổi, có nhận định: "HLV có thể theo trường phái này hay khác, nhưng HLV giỏi phải phát triển được đội bóng và cầu thủ. Đội bóng của Park có lối chơi ngày càng rời rạc, kém nhuần nhuyễn. Ngôi sao Quang Hải ngày càng đóng vai trò mờ nhạt.

Nên đừng hỏi tại sao HLV Park giỏi thế (qua kết quả với ĐT U23) mà lại bị hắt hủi ở Hàn Quốc. Đó là hai cú ăn may vĩ đại với một thế hệ cầu thủ tài năng, mà một HLV xoàng của Việt Nam như Hoàng Anh Tuấn cũng từng đưa tới VCK U20 thế giới".

 

Ở giải vô địch U23 châu Á, giải đấu ghi nhận kỳ tích của U23 Việt Nam với chức Á quân chẳng ai có thể ngờ tới, Công Phượng bị người hâm mộ đánh giá là nhạt nhòa, nhưng với HLV Park Hang-seo, tiền đạo HAGL này mới là cầu thủ mà ông tự hào nhất, chứ không phải Quang Hải.

Bởi ông thành công trong việc biến một Công Phượng luôn nổi bật trên hàng công, và khá ích kỷ trong xử lý bóng, thành một "bệ đỡ" vững chắc cho Quang Hải tỏa sáng. Nếu như Quang Hải là người hùng thực sự của U23 Việt Nam, thì Công Phượng là người hùng thầm lặng, và bản thân cầu thủ này biết điều đó tốt cho mình, tốt cho đội tuyển.

Ở trận thắng Malaysia, cất đội trưởng Văn Quyết, HLV Park Hang-seo gây ngạc nhiên lớn với một tên tuổi không mới, nhưng đầy ngạc nhiên - Phan Văn Đức. Và thêm lần nữa ông thành công, khi cầu thủ người Nghệ An này là người tung ra đường chuyền "chết người" cho tiền đạo Anh Đức "kết liễu" Malaysia trên Mỹ Đình.

Như thế, không phải là "phát triển cầu thủ và đội bóng", thì phải gọi là gì đây?

Được HLV Park Hang-seo "mở khóa", Phan Văn Đức lập tức tỏa sáng bằng một đường chuyền thành bàn.

3. Với những chỉ trích hướng về việc HLV người Hàn Quốc "sử dụng sai" Quang Hải, nói cho nhanh, liệu có ai hiểu Quang Hải hơn HLV Park Hang-seo? Ông thầy người Hàn Quốc hẳn biết thừa Quang Hải là "con dao pha" lợi hại nhất trên hàng công của đội tuyển Việt Nam, và việc ông bố trí cầu thủ người Đông Anh này đá tiền vệ trung tâm, trong khi có trong tay nhiều cầu thủ khác đá được vị trí này hẳn có lý do của nó.

Sự xông xáo của Quang Hải giúp rất nhiều cho Xuân Trường - cầu thủ vốn hạn chế về thể lực, cũng như khả năng tranh chấp, đồng thời sự bố trí này làm ngạc nhiên đối phương, đồng thời tạo cơ hội cho Công Phượng tỏa sáng. Hơn nữa, sự bố trí này cũng tạo nên tính đột biến cao cho hàng công, cũng như "giữ bài" trước những đối thủ tiếp theo của đội tuyển Việt Nam.

Nên nhớ, mục tiêu tối thượng của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu này là chức vô địch, và trên con đường dài chinh phục mục tiêu ấy, Thái Lan vẫn là ngọn núi cao sừng sững, và với thể thức lượt đi - lượt về, rõ ràng HLV Park Hang-seo có lý khi tính con toán đường dài, thay vì dốc sức cho từng trận như những giải đấu trước, với toàn những đối thủ châu Á vượt tầm.

 

May mắn thay cho HLV Park Hang-seo, như lời chính đối thủ của ông - HLV Malaysia đã từng nhận xét: "HLV Park Hang-seo đang rất được sự ủng hộ từ người hâm mộ, cùng niềm tin và sự yêu mến tuyệt đối từ các cầu thủ". Và chính niềm tin cùng sự yêu mến tuyệt đối ấy của các học trò sẽ là "vũ khí" lớn nhất để vượt qua những chỉ trích nặng nề ấy.

Chỉ cần các cầu thủ tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của nhà cầm quân người Hàn Quốc, theo cái cách mà Tây Môn Khánh tuyệt đối tuân theo từng bước mà Vương Bà đã vạch ra ngày nào để "cưa đổ" Phan Kim Liên như trong Thủy Hử, thì dẫu cho có biến số nào đi nữa, thành công sẽ lại mỉm cười với thầy trò đội tuyển Việt Nam.

Mai đã là 20/11, ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam. HLV Park Hang-seo không chỉ là ông thầy của các tuyển thủ Việt Nam, mà ở khía cạnh nào đó, xứng đáng là ông thầy của bóng đá Việt Nam, không chỉ đem về thành tích, mà còn là cái nhìn đẳng cấp về con người, chiến thuật, chiến lược cho bóng đá nước nhà, với những gì đã làm được suốt một năm qua.

Vậy, tại sao không ủng hộ và lĩnh hội, học tập những gì mà chiến lược gia người Hàn Quốc này thể hiện, truyền thụ, thay vì chăm chăm chỉ trích ông, để thỏa mãn cho thú vui "dìm hàng" - vốn là đặc sản của Cộng đồng mạng Việt Nam. Cứ mãi như thế, bao giờ bóng đá Việt Nam mới nâng tầm nổi đây?



Vòng bảng AFF Cup 2018: Việt Nam 2-0 Malaysia (nguồn: Next Media)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news