Tin mới

Nga đang triển khai sức mạnh quân sự nào bên ngoài lãnh thổ (Phần 1)

Chủ nhật, 20/12/2015, 12:04 (GMT+7)

Gần đây xuất hiện những báo cáo cho rằng Nga có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở Syria, cùng với đó là những tin đồn liên quan đến một căn cứ không quân ở Belarus. Đâu là sự thật trong những tin đồn đó, và sức mạnh quân sự của Nga ngoài biên giới thật sự tập trung ở những đâu?

Gần đây xuất hiện những báo cáo cho rằng Nga có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở Syria, cùng với đó là những tin đồn liên quan đến một căn cứ không quân ở Belarus. Đâu là sự thật trong những tin đồn đó, và sức mạnh quân sự của Nga ngoài biên giới thật sự tập trung ở những đâu?

Theo Sputnik, tin đồn về việc mở thêm căn cứ quân sự ở Syria, cũng như khả năng về một căn cứ không quân ở Belarus xuất hiện trên cả truyền thông Nga và phương Tây.

Hồi đầu tháng này, những tin đồn bắt đầu từ báo cáo của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London cho rằng, Nga có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở Syria bằng một căn cứ không quân thứ hai. Điện Kremlin đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận, dập tắt tin đồn, song nó vẫn tiếp tục lan truyền.

Cũng trong những tháng gần đây, NATO cũng suy đoán về tiềm năng Nga xây dựng một căn cứ không quân mới ở nước láng giềng Belarus. Đến đầu tuần này, giới chức Nga và Belasrus tuyên bố rằng việc xây dựng căn cứ không quân đã không thể đi tới quyết định và cũng không thể thảo luận thêm nữa.

Căn cứ quân sự của Nga ở Tskhinvali. Ảnh: Sputnik

Những tin đồn về các căn cứ này đều không đủ cơ sở. Vậy nước Nga ngày nay thực sự có những căn cứ quân sự nào ở nước ngoài, và chúng đang nằm ở đâu?

Theo Gazeta.ru, các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài hầu hết đều được đặt ở lãnh thổ của những nước thuộc Liên Xô cũ.

"Đó hầu hết là căn cứ không quân, phòng không, hệ thống tên lửa phòng không và các hệ thống giám sát không gian", tờ Gazeta cho biết.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng diện tích các cơ sở quân sự Nga ở nước ngoài vào khoảng 700.000 ha, bao gồm cả vùng nước của hồ Issyk Kul, hồ lớn nhất của Kyrgyzstan.

Sau cuộc trưng cầu năm ngoái đưa bán đảo Crimea trở về lãnh thổ Nga, các lực lượng vũ trang Nga đã kiểm soát toàn bộ Hạm đội Biển Đen. Hơn thế, quân đội cũng mua lại các trạm radar Dnepr ở cảng Sevastopol (sẽ bắt đầu hoạt động trở lại vào năm sau sau khi được hiện đại hóa), trạm thông tin liên lạc không gian sâu Pluto và hệ thống radar hành tinh ở Yevpatoria, Crimea (cũng đang được hiện đại hóa, sẽ được hoạt động trở lại, cùng phối hợp với các vệ tinh Nga vào năm 2016).

Không phải các đối tượng quân sự Nga ở nước ngoài đều là căn cứ quân sự và chúng được triển khai ở nhiều quốc gia, bao gồm Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia, và Kyrgyzstan, Syria, Việt Nam, khu vực ly khai của người Gruzia và Moldova ở Nam Ossetia, Abkhazia, và Transnistria.

Căn cứ không quân Hmeymim thuộc tỉnh Latakia của Nga tại Syria. Ảnh: RT

Căn cứ cứ quân sự Nga ở nước ngoài thu hút sự chú ý nhất hiện nay là căn cứ không quân Hmeynim, đặt ở tỉnh Latakia, miền bắc Syria. Đây là căn cứ giành cho Lực lượng Phòng vệ Không gian Nga đang tham gia tiêu diệt các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS).

"Về mặt pháp lý, căn cứ này không thuộc Nga, nhưng được quân đội Nga sử dụng rất hiệu quả. Khoảng 600 lính hải quân đánh bộ Nga đang bảo vệ căn cứ này", Gazeta lưu ý.

Cảng Tartus của Syria cũng là nơi Nga đặt căn cứ hải quân. Đây được xem là tiền đồn cuối cùng của Nga ở Trung Đông và là căn cứ hậu cần hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải. Tartus được duy trì bởi các nhà thầu dân sự và được hai trung đội bộ binh hải quân bảo vệ. Theo đánh giá, nếu để mất căn cứ Tartus này, Moscow gần như bị cô lập từ mọi phía.

Căn cứ hải quân tại cảng Tartus có ý nghĩa sống còn đối với Nga ở Địa Trung Hải. Google Map

Theo Gazeta, điều thú vị là, vào đầu năm 2015, Tổng thống Syria al-Assad nói rằng ông sẽ không bận tâm nếu Nga chuyển căn cứ hậu cần Tartus thành căn cứ quân sự chính thức. Cho đến thời điểm này, Nga vẫn chưa xác nhận về bất cứ kế hoạch chuyển đổi nào.

Một cơ sở hậu cần khác đang được sử dụng bởi các tàu hải quân Nga là cảng Cam Ranh của Việt Nam. Căn cứ này trước đây do lực lượng không quân và hải quân của cả Liên Xô và Nga thuê để sử dụng. Đến năm 2004, hợp đồng thuê Cam Ranh của Nga hết hạn.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận nhằm tạo ra một cơ sở chung để sửa chữa và bảo trì tàu ngầm tại Cam Ranh. Cũng trong năm 2014, máy bay chở dầu Nga  Il-78 bắt đầu sử dụng cảng Cam Ranh, tạo điều kiện cho việc tiếp nhiên liệu với máy bay ném bom chiến lược Tu-95 ở khu vực Thái Bình Dương.

Cuối năm 2014, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận nhằm tạo ra một cơ sở chung để sửa chữa và bảo trì tàu ngầm tại Cam Ranh. Ảnh: Lao động

Sau khi đẩy lùi cuộc tấn công của Gruzia nhằm vào Nam Ossetia và Abkhazia hồi tháng 8/2008, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới hai nước cộng hòa ly khai này. Hiện Nam Ossetia và Abkhazia mới chỉ được Nga, Venezuela và Nacarugua công nhận là quốc gia độc lập.

Từ năm 2008, Nam Ossetia trở thành nơi Nga triển khai căn cứ không quân thứ 4, có trụ sở chính tại Tskhinvali, cùng với đó là một số cơ sở khác đặt tại Java (gồm một trại quân sự và căn cứ không quân), Kurt (một căn cứ không quân) và Dzartsemi (một khu vực huấn luyện). Khoảng 4.000 binh sĩ Nga đang có mặt tại đây.

4.000 binh sĩ Nga khác hiện diện tại căn cứ không quân thứ 7, Krasnodar, đặt tại hai huyện Gudauta và Ochamchira, tỉnh Abkhazia. Trụ sở chính của căn cứ này nằm ở Sukhumi. Một số cơ sở khác bao gồm cả sân bay quân sự Bombora gần Gudauta, khu vực huấn luyện, một phần của cảng ở Ochamchira, và đơn vị đồn trú chung tại Kodori Gorge, và một nhà máy thủy điện Inguri.

Theo ước tính, có khoảng 1.500 lính gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tại nước cộng hòa Transnistria, quốc gia đã tách khỏi Moldova vào đầu những năm 90 sau khi Moldova tách ra khỏi Liên Xô.

Lê Huyền (Gazeta, Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news