Tin mới

Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành: "Chỉ tôi mới mời được Quang Lê - Trọng Tấn hát chung"

Thứ sáu, 02/03/2018, 11:44 (GMT+7)

Lần đầu tiên khi hai ca sĩ Quang Lê, Trọng Tấn thuộc hai dòng nhạc hoàn toàn khác biệt cùng kết hợp trong một đêm nhạc thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả, và người góp công tạo nên sự đặc biệt này chính là nghệ sĩ Phạm Đức Thành.

Lần đầu tiên khi hai Ca sĩ Quang Lê, Trọng Tấn thuộc hai dòng nhạc hoàn toàn khác biệt cùng kết hợp trong một đêm nhạc thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả, và người góp công tạo nên sự đặc biệt này chính là nghệ sĩ Phạm Đức Thành.

Trong đêm nhạc “Độc huyền cầm”, góp phần tôn vinh tiếng đàn bầu cùng nghệ sĩ Phạm Đức Thành có sự hội ngộ khá đặc biệt của những giọng ca thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau như: Quang Lê, Trọng Tấn, Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Bảo Khánh, Lê Trinh, Hoàng Ngọc Sơn, Phương Linh… Đặc biệt, lần đầu tiên Quang Lê và Trọng Tấn lần đầu tiên có màn kết hợp trong một tác phẩm nổi tiếng Việt Nam quê hương tôi.

Nghệ sĩ Phạm Đức Thành mang rất nhiều tâm tư chuẩn bị cho liveshow sắp tới.

Lý do nghệ sĩ Phạm Đức Thành mời hai ca sĩ này được ông chia sẻ rằng: “Bình thường Quang Lê và Trọng Tấn không bao giờ hát chung, chỉ tôi mới rủ được thôi. Hai ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc bolero và nhạc cách mạng cùng song ca, kết hợp với tiếng đàn bầu sẽ đem lại cho khán giả những bất ngờ thú vị. Tôi muốn khẳng định rằng, cây đàn bầu có thể hát với bolero, nhạc đỏ, nhạc trữ tình…”. Nghệ sĩ Phạm Đức Thành nói, sở dĩ ông mời được hai ca sĩ hát chung chính vì tình yêu với cây đàn bầu của cả hai ca sĩ, nó sẽ là sự kết nối hoàn hảo để hai nghệ sĩ của hai dòng nhạc cùng hoà giọng.

Trong buổi tập luyện với nghệ sĩ Phạm Đức Thành và ban nhạc, ca sĩ Trọng Tấn say mê, cảm xúc với ca khúc Tiếng đàn bầu. Anh bảo: “Dù chú Thành ở hải ngoại, nhưng tôi rất bất ngờ khi chú bảo từng nghe tôi hát rất nhiều, còn tôi lại xem chú đánh đàn rất nhiều. Hai người có sự đồng cảm trong việc lắng nghe hồn dân tộc và lần này được kết hợp với nhau.

 
Ca sĩ Trọng Tấn trong buổi tập cùng nghệ sĩ Phạm Đức Thành.

Trong bài Tiếng đàn bầuản phối rất lạ của nhạc sĩ Minh Đạo khiến tôi chỉ mới tập luyện mà đã thấy sự hứng khởi đặc biệt. Với tôi, đó sẽ là kỷ niệm rất đáng nhớ và hy vọng đây cũng là điều đáng nhớ cho khán giả đi xem chương trình Độc huyền cầm”.

Ca sĩ Trọng Tấn cũng chia sẻ thêm rằng: “Trước đây mọi người nghe và yêu tiếng đàn của chú Đức Thành khi thấy chú đàn cho ca sĩ nào đó biểu diễn, rồi ấn tượng với hình ảnh người nghệ sĩ đầy chất nghệ, tóc dài buộc sau, rất dân tộc. Lâu nay mọi người cũng được thưởng thức nhiều chương trình ca nhạc hoặc hài kịch nhưng thật đặc biệt khi nay được thưởng thức một chương trình tôn vinh một nghệ sĩ, một nhạc cụ dân tộc cổ của riêng Việt Nam. Với những ai yêu nét dân gian Việt Nam và đặc biệt yêu tiếng đàn bầu càng cảm nhận được ý nghĩa của chương trình.

Người ta từng nói “Đàn bầu ai gảy nấy nghe - Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” để nói về sự quyến rũ của tiếng đàn bầu. Chú Đức Thành nổi tiếng là người thể hiện tâm hồn mình qua tiếng đàn bầu rất ngọt.

Đây sẽ là buổi hòa nhạc dân gian với nhiều điều mới lạ và thú vị, không quá lạ về chất liệu âm nhạc nhưng là sự tôn vinh một loại nhạc cụ, đồng thời là cũng là đêm tôn vinh tâm hồn Việt. Tôi rất kỳ vọng, chương trình để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ với khán giả Thủ đô”.

 
Ca sĩ Phương Linh - người vợ kém nghệ sĩ Phạm Đức Thành 20 tuổi luôn đồng hành cùng ông trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật.

“Độc huyền cầm” cũng là giấc mơ của nghệ sĩ Phạm Đức Thành. Dù vậy, nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng không khỏi có những lo lắng trong lần đầu tiên thực hiện liveshow đặc biệt ở Nhà hát lớn Hà Nội. Ông bảo lo lắng là bởi, phải làm sao để chương trình bài bản, ấn tượng: “Cơ hội chỉ đến với mình trong hai tiếng đồng hồ, tôi phải chắt lọc, đãi cát lấy vàng để chương trình nói lên được sự độc đáo của đàn bầu Việt Nam.

Nhiều năm qua tôi bảo vệ và giới thiệu cái hay, cái độc đáo của đàn bầu Việt Nam với bạn bè quốc tế, ai cũng đón nhận nồng nhiệt, dành cho tiếng đàn bầu tình cảm quý mến, yêu thương. Tuy nhiên, khán giả trong nước từng nghe đàn bầu rất nhiều, tôi càng phải thận trọng hơn, càng phải làm sao để mọi người yêu, nâng niu, làm vẻ vang cho cây đàn bầu hơn nữa, để sắp tới đàn bầu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Nghệ sĩ Phạm Đức Thành chia sẻ thêm: “Cả cuộc đời tôi sống cho cây đàn bầu, tôi được đánh giá, tôn vinh là 1 trong 12 nghệ sĩ của thế giới cống hiến trọn đời cho việc phát huy nền âm nhạc cổ truyền VN, của các nước bản xứ, đưa đàn bầu Việt Nam lên một tầm cao”.

Giang Trần

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news