Tin mới

Người dân sống gần thủy điện Sông Tranh bất an vì ở trong vùng động đất

Thứ bảy, 28/07/2018, 10:30 (GMT+7)

Quảng Nam liên tục xảy ra động đất ở lưu vực thủy điện sông Tranh, thậm chí hơn 1 giờ ngày 26/7 xảy ra 4 trận động đất cường độ lớn nhất 3,5 độ richter. Không chỉ vậy, những lần tháo chạy vì thủy điện xả lũ cũng trở thành nỗi sợ hãi của người dân nơi đây trong mùa mưa bão. 

Quảng Nam liên tục xảy ra động đất ở lưu vực thủy điện sông Tranh, thậm chí hơn 1 giờ ngày 26/7 xảy ra 4 trận động đất cường độ lớn nhất 3,5 độ richter. Không chỉ vậy, những lần tháo chạy vì thủy điện xả lũ cũng trở thành nỗi sợ hãi của người dân nơi đây trong mùa mưa bão. 

Theo VnExpress, sau khi tích nước thủy điện Sông Tranh 2, hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam) liên tục xảy ra động đất.

Sáng 26/7, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) thông báo xảy ra 4 trận động đất liên tiếp.

Lúc 5h24′ một trận động đất 3,5 độ richter xảy ra tại huyện Nam Trà My, giáp tỉnh Kon Tum; độ sâu chấn tiêu 4,7km. Vài giây sau, huyện Bắc Trà My xảy ra trận động đất 3,2 độ richter; độ sâu 10,6km.

Những quả “bom nước” luôn là nỗi ám ảnh của người dân vùng thủy điện điện Sông Tranh 2. (Ảnh: Tiền Phong)

Đến 5h28′, Bắc Trà My hứng chịu thêm một trận trận động đất 2,7 độ richter; độ sâu xấp xỉ 12km. Gần 1 giờ sau, huyện lại hứng tiếp trận động đất 3,1 độ richter với độ sâu 12,2km.

Sau mỗi trận động đất, người dân 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My cảm nhận được tiếng nổ và độ rung lắc. Các trận động đất này chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng khiến dư luận lo lắng về về mức độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.

Trước đó, ngày 15/5, huyện Nam Trà My xảy ra trận động đất 2,9 độ richter; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,7km. Ngày 17/7, Viện Vật lý địa cầu cũng ghi nhận một trận động đất 3,9 richter; độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.

Anh Thọ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho Tiền Phong biết, những trận động đất này có cường độ mạnh, cảm nhận rất rõ, đồ vật trong nhà, ly nước để trên bàn cũng rung lắc rất mạnh. Chuyện động đất xảy ra thường xuyên, không gây thiệt hại, nhưng trở thành mối lo của người dân nơi đây.

Nếu như động đất xảy ra “như cơm bữa” thì mùa mưa đến người dân còn nơm nớp lo sợ những lần tháo chạy khi thủy điện Sông Tranh xả lũ. Cơn lũ ào ào đổ về cuốn đi nhà cửa, người thân trở thành nỗi ám ảnh không nguôi của họ.

“Ðộng đất thì liên tục, còn bom nước thì ở ngay trên đầu. Quá sợ chứ sao không sợ”, anh Võ Tư (xã Trà Don, huyện Bắc Trà My) nói.

Theo ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, địa phương đã có diễn tập về việc sơ tán dân khi có động đất ở Sông Tranh, vì vậy, người dân không nên quá lo.

Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc huyện Bắc Trà My – nơi xảy ra 3 trận động đất liên tiếp ngày 26/7. (Ảnh: VnEXpress)

Trong khi đó, ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My cho biết, tỉnh đã kiến nghị với các ngành chuyên môn của cấp trên cần kiểm tra, đánh giá lại hiện tượng động đất để có kết quả mới nhất, nhằm chủ động thông tin cho người dân.

Theo Báo Kiến Thức, từ khi đập Sông Tranh được tích nước vào cuối năm 2010 và nhà máy đi vào hoạt động thì xuất hiện động đất. Đầu năm 2011, người dân huyện Bắc Trà My bắt đầu nghe thấy những tiếng nổ trong lòng đất và hiện tượng này ngày càng gia tăng. Các nhà địa chấn Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, đây là hoạt động động đất hồ chứa (động đất kích thích) do ảnh hưởng của việc tích nước và biến động mực nước hồ chứa.

Cùng quan điểm, GS. Cao Đình Triều – chuyên gia nghiên cứu động đất cho Zing biết, những trận động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Nam Trà My là do “động đất kích thích” liên quan đến hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

Theo GS. Triều, sau quá trình khảo sát, khu vực này có 2 đới đứt gãy địa chất đang hoạt động là Rào Quán – A Lưới và Trà My – Trà Bồng, liên thông với vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Hầu hết động đất nơi đây là động đất kích thích liên quan đến hồ chứa với cường độ tối đa chỉ 4,7 độ richter.

Trong khi đó, Tiến sĩ địa Vật lý Lê Huy Y lại cho rằng, nguồn gốc của động đất kèm tiếng nổ ở Trà My là do núi lửa phun nghẹn chứ không phải do tích nước hồ thủy điện. Song, cần kiểm tra lại đập Sông Tranh 2 cả về địa chất và xây dựng để có công nghệ xử lý.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news