Tin mới

Người trồng rừng trở thành lâm tặc: “Anh An không phạm tội”

Thứ tư, 15/01/2014, 17:03 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Đại Nam: “Việc anh An tiến hành thực bì trên diện tích rừng được giao không phạm tội Hủy hoại rừng.”


 

(Tinmoi.vn) Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Đại Nam: “Việc anh An tiến hành thực bì trên diện tích rừng được giao không phạm tội Hủy hoại rừng.”

Sự việc anh Hoàng Văn An (SN 1974, công nhân công ty Lâm Nghiệp Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh quảng Ninh) nhận đất rừng từ công ty LNBL (theo hồ sơ gốc và hợp đồng bàn giao là đất trống - PV) rồi tiến hành phát thực bì nhưng bị cơ quan tố tụng bắt giam, khởi tố tội “Hủy hoại rừng” đã gây hoang mang cho người dân trên địa bàn và công nhân lâm trường. Hiện, anh An đang phải đối mặt với mức án bị truy tố theo điểm a, khoản 3, Điều 189 – Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 7-15 năm).

Quan điểm của lãnh đạo công ty TNHH Lâm nghiệp Bình Liêu cho rằng, cơ quan tố tụng không đủ căn cứ để khởi tố anh An. Diện tích anh An tiến hành thực bì là đất trống theo hồ sơ bàn giao không phải rừng tự nhiên. Phía công ty LNBL cũng đã gửi những hồ sơ có liên quan đến cơ quan chức năng.

Người trồng rừng trở thành lâm tặc: “Anh An không phạm tội”
Ông Lê Công Tuyến - Tổng giám đốc công ty LNBL cho rằng chưa đủ cơ sở để khởi tố anh An.

Tuy nhiên, anh An vẫn bị truy tố trước hàng loạt dấu hỏi lớn của gia đình và phía công ty nơi anh An làm việc. Sự việc không những gây ảnh hưởng đến cá nhân anh An mà còn tạo nên hệ lụy đến nhiều hộ dân, công nhân lâm trường đang quản lý và trồng rừng.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Đại Nam cho biết: “Không có việc anh An phạm tội Hủy hoại rừng đối với diện tích đất 2,8 ha mà Hoàng Văn An thuê người dọn thực bì để trồng rừng; Theo hợp đồng giao khoán rừng và đât rừng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp giữa công ty Lâm nghiệp Bình Liêu Quảng Ninh với ông Hoàng văn An là đất trống. Diện tích đất đó theo các quy định hiện hành từ Trung ương tới địa phương là là được phép cải tạo trồng rừng. Vì vậy việc cải tạo trồng rừng trên diện tích đó không sai Pháp luật.

Việc dọn thực bì là quy trình bắt buộccủa công tác trồng rừng. Theo các tài liệu và hướng dẫn kỹ thuật trổng rừng thì việc trồng cây Keo trước tiên là phải dọn thực bì. Công tác dọn thực bì gồm 2 cách: Phát trắng và phát theo luống và người trồng rừng được khuyến cáo việc phát trắng đem lại hiệu quả hơn. Do đó, việc ông Hoàng Văn An thuê người dọn thực bì là đúng các quy trình kỹ thuật của việc trổng rừng.

Video công nhân lâm trường bức xúc

 

 

Thứ hai, anh An không có động cơ Huỷ hoại rừng. Theo kết luận điều tra, những người trực tiếp chặt cây đều không cho hành vi của họ là trái phép vì họ biết mục đích của ông Hoàng Văn An là dọn thực bì để trồng rừng. Hơn nữa, kết luận điều tra cũng khẳng định; Toàn bộ số cây bị chặt hạ không có giá trị (Tổng giá trị là 22.316.000 đ. Chi phí vận chuyển còn gấp nhiều lần giá trị vì xa đường quốc lộ và đường liên thôn). Vậy có thể khẳng định Hoàng Văn An không có động cơ hủy hoại rừng; động cơ và mục đích của Hoàng Văn An là để Trồng rừng.

Việc Hoàng Văn An thuê người chặt cây trên diện tích 2,8 ha đất được Lâm trường giao, tuy còn thiếu một vài thủ tục nhỏ về triển khai trồng rừng đối với Lâm trường (trách nhiệm của Lâm trường phải làm các thủ tục với các cơ quan quản lý Nhà nước) là công việc dọn thực bì, một quy trình bắt buộc để trồng rừng. Phù hợp với động cơ, mục đích là để trồng rừng, Hoàn toàn không có động cơ, mục đích Hủy hoại rừng. Việc trồng rừng trên diện tích đất đó hoàn toàn không vi phạm các quy định pháp luật. Vì vậy không có việc phạm tội Hủy hoại rừng."

Luật sư Nguyễn Hồng Sinh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định

Theo tôi, việc truy tố bị can Hoàng Văn An trong vụ án này với tội danh “hủy hoại rừng” theo điểm a, khoản 3, Điều 189 BLHS chưa đúng bởi mục đích của An là tốt, xử lý thực bì để lấy đất trồng cây keo chứ không phải vì mục đích tư lợi khác. Hơn nữa, những cây gỗ bị chặt hạ cũng được xác định là đã mục hỏng, chi phí vận chuyển cao hơn nhiều lần so với giá trị cây gỗ.

Điều 189. Tội huỷ hoại rừng

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;

d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news