Tin mới

Nhà Rông và đàn Tơ rưng làm nên sự đặc biệt trong đời già làng A Wer

Thứ năm, 11/02/2016, 06:51 (GMT+7)

Hơn 50 năm gắn bó với văn hóa, bản sắc của đồng bào Ba Na, nghệ nhân A Wer đón nhận nhiều giải thưởng cao quý, được vinh dự được đại diện đồng bào Ba Na ra Hà Nội phục dựng mô hình nhà Rông.

Hơn 50 năm gắn bó với văn hóa, bản sắc của đồng bào Ba Na, nghệ nhân A Wer đón nhận nhiều giải thưởng cao quý, được vinh dự được đại diện đồng bào Ba Na ra Hà Nội phục dựng mô hình nhà Rông.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nghệ nhân A Wer vẫn miệt mài cống hiến, truyền lửa cho thế hệ trẻ, để tiếng đàn Tơ rưng mãi trường tồn nơi đại ngàn nắng gió.

Mê đàn Tơ rưng từ thuở thiếu thời

Những ngày cuối năm, vùng đất Tây Nguyên rộn ràng mùa thu hoạch nông sản. Trời vừa hửng sáng, trên khắp các ngả đường thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) rộn rã tiếng cười, từng đoàn máy cày nối đuôi nhau báo hiệu một vụ mùa bội thu. Đám trẻ con tóc vàng hoe, ríu rít nắm tay nhau đến trường làng. Làng Kon Rờ Bàng 2 êm đềm tiếng chim hót líu lo hòa quyện trong gió, giai điệu du dương của tiếng đàn Tơ rưng làm say đắm lòng người.

Nghệ nhân A Wer say mê với tiếng đàn Tơ rưng.

Lần theo âm thanh vang vọng trìu mến từ ngôi nhà Rông cổ kính, thật may mắn chúng tôi có dịp được diện kiến tác giả A Wer (77 tuổi, già làng Kon Rờ Bàng 2), người tạo nên bản giao hưởng ngọt ngào mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên. Bên trong ngôi nhà sàn đơn sơ, gia tài đáng giá nhất của già A Wer là những tấm bằng khen được treo kín tường, giải thưởng từ cấp xã đến Trung ương. Đó là những đóng góp đáng nể của vị già làng. Gặp chúng tôi, thay vì cái bắt tay, già A Wer lại cất cao bài hát Ba Na kèm theo giai điệu du dương từ chiếc đàn Tơ rưng. Sau màn chào đón có phần đặc biệt, già buông đàn, nở nụ cười hiền. Rót nước mời khách, già A Wer cho biết: “Năm nay, tôi 77 tuổi! Tuy đã già nhưng với tôi, âm nhạc không bao giờ có tuổi”.

Già A Wer kể, từ nhỏ vốn đã say mê âm nhạc, văn hóa người Ba Na. Năm 13 tuổi, già sử dụng thành thạo đàn Tơ rưng, đàn đá, đàn trắc, những điệu cồng chiêng... Đến năm 30 tuổi, già gần như thuộc hết các bài hát dân ca Ba Na. Hiện tại, già A Wer đã sáng tác được trên 35 bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, lứa đôi như: Bài ca mừng già Lia, Kon Tum quê hương tươi đẹp, Làng tôi... Những bài hát ca ngợi tình yêu của già với quê hương Kon Tum in đậm trong lòng đồng bào Ba Na. Năm 2012, già được bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tặng giấy khen là Nghệ nhân làm mô hình làm nhà Rông truyền thống. Ngoài ra, già còn được nhận giải C tại cuộc thi Dân ca tiếng hát Việt Nam do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Là một trong số ít những nghệ nhân ở Kon Tum vinh dự nhận được nhiều giải thưởng tinh thần có giá trị, nhưng có lẽ giải thưởng khiến già A Wer vui và phấn khởi nhất là khi được tỉnh trao tặng giấy khen bảo tồn, phát triển các loại nhạc cụ của dân tộc Ba Na. “Tôi dành tất cả tâm huyết cho các nhạc cụ của dân tộc mình, nhất là đàn Tơ rưng, nét văn hóa, biểu tượng của người Ba Na. Tôi quyết tâm không để văn hóa Ba Na mai một theo năm tháng”, già A Wer tâm sự.

Tuy nhiên, khi nói đến đây, vẻ mặt già A Wer phảng phất nét buồn. Đôi mắt đăm chiêu, già chùng giọng: “Thật đáng buồn khi không ít thế hệ trẻ ngày nay dần xa lãng quên cội nguồn bản sắc dân tộc. Với tâm nguyện “uống nước nhớ nguồn” già luôn vận động bà con cố gắng cùng nhau tập đánh đàn Tơ rưng, đánh cồng chiêng... để giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na”.

Gian nan truyền lửa nghề

Ngoài biệt tài sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của dân tộc, già A Wer còn được biết đến như một người thợ với đôi bàn tay khéo léo, tạo nên những mái nhà Rông Tây Nguyên huyền thoại.

Nghệ nhân A Wer bên nhạc cụ bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na.

Năm 2012, già cùng 22 người trong thôn được bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra Hà Nội, dựng lại nguyên bản nhà Rông Ba Na. Già là người hiểu rõ cách làm nhà Rông của dân tộc mình và cũng muốn giới thiệu, tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội tìm hiểu bản sắc của dân tộc Ba Na ngay giữa lòng Hà Nội. Trong vòng 7 tháng ròng rã, già cùng 22 người trong thôn đã hoàn thành nhà Rông của dân tộc mình ở bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Thực hiện xong mong muốn về bảo tồn nhà Rông của dân tộc Ba Na, nỗi niềm lớn nhất của già A Wer là truyền lại cách đánh đàn Tơ rưng cho thế hệ trẻ.
Già tâm sự: “Trên cương vị già làng, nhiều lần họp thôn, tôi luôn động viên, tuyên truyền bà con nên học đàn Tơ rưng, cồng chiêng để giữ văn hóa của dân tộc mình. Hiện tại, tôi đã vận động được 2 lớp thanh niên theo học cồng chiêng. Để học được đàn Tơ rưng không phải là chuyện dễ, người chăm chỉ cũng phải mất cả năm trời mới đánh được. Do đó, các thanh niên dễ nản chí, không như cồng chiêng học theo tốp vui hơn. Hơn nữa, thanh niên trong thôn bây giờ thích nhạc trẻ và uống rượu, còn nhạc truyền thống ít người theo”.

Chia sẻ với chúng tôi, em Y Hiền (15 tuổi, thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) tâm sự: “Là một người con của dân tộc Ba Na, em rất tự hào vì dân tộc mình có đàn Tơ rưng, nét đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên. Để học và đánh đàn Tơ rưng rất khó, phải chú tâm học và có niềm đam mê. Từ nhỏ em đã sống cạnh nhà ông A Wer, được nghe những tiếng đàn của ông mỗi chiều. Em rất yêu thích và quyết tâm học. Đến năm 13 tuổi, cứ mỗi buổi tối, em lại sang nhà ông học đàn Tơ rưng”.

Với già A Wer, Y Hiền là niềm tự hào. Bởi từ lâu, trong già luôn đau đáu sợ tiếng đàn Tơ rưng sẽ mai một. Nhưng giờ đây, cháu Y Hiền đã hiểu được nỗi niềm của già, thay già giữ được tiếng đàn thống của dân tộc mình.

Ngoài Y Hiền, còn có A Quy mới theo già học được 6 tháng, biết đánh hai bài dễ nhất. Bao nhiêu năm, già gắn bó với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na. Dù lớn tuổi, nhưng tình yêu và niềm đam mê nhạc cụ vẫn giống như ngày còn trẻ. Niềm đam mê ấy, ngày ngày già truyền lại cho các thế hệ trẻ của làng mình. Đến nay, dù tiếng đàn không còn vang trên nương rẫy, nhưng nó không thể thiếu trong lễ hội, mừng dịp Tết.

 

Niềm tự hào của thôn làng

Trao đổi với chúng tôi, ông A Hậu, chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương những thành quả, đóng góp của nghệ nhân A Wer trong suốt thời gian qua. Hiện tại, để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của người Ba Na, chính quyền địa phương tổ chức các lớp kỹ năng, truyền lửa, vận động tầng lớp thanh niên trên địa bàn xã theo học.

Trên địa bàn xã, những người có kinh nghiệm, nhiệt huyết cả đời vì nghệ thuật, vì bản sắc dân tộc như nghệ nhân A Wer chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do đó, để phát huy, tôn vinh những cống hiến của ông A Wer, chính quyền xã đã đề xuất lên các cơ quan cấp trên để bình xét trao bằng khen phong tặng danh hiệu nghệ nhân – người giữ văn hóa bản sắc dân tộc Ba Na cho cá nhân ông A Wer.

   

Hồ Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Ba Na