Tin mới

Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: "Hóa ra là vậy!"

Thứ năm, 14/06/2018, 08:23 (GMT+7)

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi 3 con nhỏ của Trang Hạ cùng lời khuyên hãy trở thành một bà mẹ... “lười” của chị nhận được sự tán thành của các bà mẹ bỉm sữa với mong muốn sự nghiệp làm mẹ trở nên thảnh thơi hơn.

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi 3 con nhỏ của Trang Hạ cùng lời khuyên hãy trở thành một bà mẹ... “lười” của chị nhận được sự tán thành của các bà mẹ bỉm sữa với mong muốn sự nghiệp làm mẹ trở nên thảnh thơi hơn.

Làm mẹ chính là một nghề, đó là nghề quản trị thời gian!

Sự nghiệp làm mẹ bao giờ cũng vất vả và chiếm phần lớn thời gian của phụ nữ, đặc biệt là làm mẹ của ba con nhỏ thì có lẽ người mẹ phải có "ba đầu sáu tay" và quỹ thời gian nhiều hơn 24 giờ mỗi ngày mới quán xuyến nổi.

Nhưng đó là điều không thể. Vậy phải làm thế nào để công cuộc "làm mẹ" trở nên thảnh thơi, thoải mái hơn?

Nhà văn Trang Hạ đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm mà chị tự mình rút ra khi nuôi ba con nhỏ: "Mình nuôi ba đứa con, đứa đầu vất vả chiếm toàn bộ thời gian mỗi ngày. Cả ngày mẹ chỉ xoay quanh con, tới mức con tròn 1 tuổi mẹ mới dám đi làm. Mà vẫn thấy mình chưa chu đáo, vụng về, đáng lẽ phải dành nhiều hơn thời gian chăm sóc con.

Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: Hóa ra là vậy! - Ảnh 1.

Nhà văn Trang Hạ với chia sẻ: Làm mẹ chính là một nghề, đó là nghề quản trị thời gian!

Nhưng những đứa sau càng ngày càng nhàn: Mẹ sinh xong chưa đầy tháng đã đi công tác dài ngày, đi nước ngoài. Mình vẫn có thời gian để học: học nấu ăn, học khoa Biên kịch ở Đại học Sân khấu Điện ảnh, rồi sau đó bắt đầu chạy bộ, tập aerobic buổi sáng, đi sưu tầm các quán cà phê, vừa ngồi viết vừa hối tiếc, vì sao khi có bé đầu lòng, mình đã không nhận ra rằng:

Làm mẹ chính là một nghề, đó là nghề quản trị thời gian!

Mọi kỹ năng làm mẹ, dù là cho con ăn dặm kiểu này kiểu kia, dạy con tự lập, cho con ngủ riêng, máy vắt sữa, bình ủ, bỉm, tã, rồi kể cả kỹ năng dạy con tự chơi, chơi với bạn, không gây gổ... thực ra chỉ có một mục đích cuối cùng: Giúp mẹ trong thời gian ngắn đạt hiệu quả cao nhất, tức là tiết kiệm thời gian để mẹ còn đi làm việc khác!"

Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: Hóa ra là vậy! - Ảnh 2.

"Chúng ta chỉ có 24 giờ mỗi ngày, một ngày mẹ cũng cần 30 phút nghỉ ngơi chứ đâu phải làm mẹ suốt ngày".

Bất kỳ ai cũng chỉ có quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày, kể cả một bà mẹ bỉm sữa với trăm thứ việc phải giải quyết trong một ngày: chăm sóc con cái, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa và cả công việc bên ngoài.

Mỗi ngày mẹ cũng cần 30 phút nghỉ ngơi chứ không thể cứ "làm mẹ" suốt ngày. Chính vì thế, nhà văn Trang Hạ đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của bản thân để các mẹ khác có thể học hỏi và biết cách "quản trị thời gian" giúp sự nghiệp làm mẹ trở nên thảnh thơi hơn.

Bài viết của chị Trang Hạ nhanh chóng được Cộng đồng mạng mà đặc biệt là hội các bà mẹ bỉm sữa chuyền tay nhau để học hỏi.

"Những kinh nghiệm để trở thành một bà mẹ... "lười!"

Trang Hạ (SN 1975) - người được mệnh danh là "nhà văn của đàn bà" với nhiều phát ngôn gây "sốc" nhằm bảo vệ nữ quyền và đấu tranh cho phụ nữ đã khiến các mẹ bỉm sữa gật gù tâm đắc khi chia sẻ bí quyết để trở thành một bà mẹ "lười".

Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: Hóa ra là vậy! - Ảnh 3.

Sau khi sinh con thứ hai, thứ ba, Trang Hạ vẫn có thời gian để nghỉ ngơi, trải nghiệm các khóa học mới

"Lười" ở đây có nghĩa là phụ nữ sẽ được làm mẹ một cách "nhàn tênh", không mất nhiều thời gian nhưng vẫn đảm bảo chăm con tốt, dạy con ngoan. Nghe qua tưởng chừng bất khả thi, nhưng đây là một số bài học kinh nghiệm Trang Hạ tự rút ra:

1. Không được ép con ăn

Muốn có thời gian để tự phát triển bản thân, bạn không được phép làm một bà mẹ cầm bát và thìa chạy theo con trong sân nhà trẻ, lăm lăm tìm cách đút một thìa thức ăn vào miệng con mỗi sáng.

Con bạn nhịn ăn một bữa không chết, nhịn ăn sáng suốt 1một tháng cũng không chết đâu! Cứ để trẻ con tự lựa chọn ăn, bạn chỉ đề nghị ăn thứ này thứ kia, hỏi nó có thể ăn thêm hay không, chứ đừng ép.

2. Từ 1,5 - 2 tuổi, hãy để trẻ con tự ăn

Trẻ sẽ tự bốc được thức ăn để ăn, đừng có chạy theo "hầu" nó! Rau luộc, thịt luộc, cá bỏ xương, canh ấm, bò viên, tôm bóc vỏ, trứng hấp, cơm nắm lại nhỏ bằng ngón tay chấm vừng rang, rong biển, phô mai bò cười, kể cả bé sẽ ăn bốc sữa chua và bốc bánh flan, không sao cả! Lúc đó bé coi cái thìa và cái bát chỉ là đồ chơi thôi!

Quần áo bẩn thì thay, tay bẩn thì rửa. Đút cho con ăn xong lại kêu bận quá, bận hết thời gian, ôi sao mà tôi khổ thế! Xong lại quay qua trách chồng, sao anh không giúp em chăm con gì hết?

Có khi người lớn ăn một mâm, đặt bé vào ngồi giữa cái mâm thứ hai ở ngay bên cạnh, cho bé hai cái bát đựng thức ăn, bốc ăn có rơi cũng sạch sẽ. Muốn con tự xúc thì phải cho con cơ hội học làm điều đó, và tự nó thích.

3. Muốn trẻ ăn thêm món gì khác, hãy nấu món đó thật ngon

Hồi con đầu lòng nhỏ, nó chỉ thích ăn mỡ và lòng trắng trứng, hành tây, tóm lại là toàn thức ăn màu trắng. Mình lo lắng chạy đi hỏi ý kiến... giáo sư Nguyễn Lân Dũng về chế độ dinh dưỡng của bé vậy có khiến nó bị lệch lạc khi phát triển?

Bác Dũng bảo, đừng có lo, kệ nó đi, 95% não của trẻ con là từ mỡ và nước, nó thích ăn gì cứ để nó ăn, đừng lo bị ảnh hưởng về trí não. Cơ thể trẻ có cơ chế để ra tín hiệu rằng cơ thể cần gì, thiếu gì, ví dụ thiếu nước thì tự trẻ sẽ có nhu cầu phải đi uống nước!

Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: Hóa ra là vậy! - Ảnh 4.
 
Nhà văn Trang Hạ bật mí cách nuôi 3 con nhàn tênh, chị em phụ nữ hào hứng: Hóa ra là vậy! - Ảnh 5.

Những món ăn nhà văn Trang Hạ thường chuẩn bị cho các con mình.

Và kinh nghiệm của mình: Muốn trẻ ăn thêm món gì khác, mình sẽ nấu món đó thật ngon, làm cho trẻ vui thích! Ví dụ muốn con ăn thêm nhiều cơm, mình nghĩ ra món trứng phủ cơm, rồi món cơm phủ trứng.

Chỉ là cho cơm nóng lên phủ hết cái đĩa, ấn dẹp cơm, phủ 1 cái trứng rán mỏng lên trên, rồi lấy kéo cắt ra vài chục miếng vuông, miếng nào cũng có cơm ở dưới, trứng ở trên, vừa thìa xúc!

Trẻ con coi đó là trò chơi, nó sẽ thi nhau ai xúc lên ăn mà trứng không rơi ra khỏi nóc của thìa cơm! Chỉ trong vài ngày, bé ăn bữa 1 bát thành bữa 2 bát!

Rồi cho rau lên nóc từng miếng cơm phủ trứng đó, là thành 3 tầng, khi xúc cơm, độ khó càng tăng lên. Thế thôi là con ăn nguyên cả bát rau!

4. Muốn con ngồi bô, hãy nghĩ ra 1 câu chuyện

Mình mua nắp bồn cầu bé xíu cho con, nó không chịu ngồi! Mình bèn gọi tên nắp bồn cầu bé xíu đó là "bạn gấu ngủ gật" hoặc "bạn gấu cởi trần" (vì in trên đó là hình con gấu ngả đầu). Từ đó mỗi lần bé đi vệ sinh, là mẹ nói gì đó về bạn gấu đấy! Chỉ 2 ngày, bé đã chịu dùng, và đi vệ sinh như người lớn.

5. Lên lịch đi chơi

Hồi đứa thứ 2-3 ra đời, mình lên lịch: chồng đi chơi chiều 2-4-6, vợ đi chơi chiều 3-5-7, hẹn ai cũng ghép lịch vào đó, về muộn cũng không sao vì đó là lịch rồi.

Còn nếu ai muốn ở nhà chăm con cũng được, nhưng ít nhất mẹ bỉm sữa tuần có 3 ngày đi chơi thoải mái, nằm khểnh đọc sách cũng được, sẽ không bao giờ có vụ stress sau sinh, hoặc thấy, cuộc đời này làm mẹ khổ quá, không còn thời gian làm cái gì cả!

Nhà văn Trang Hạ đã và đang được làm một bà mẹ nhàn tênh, thoải mai, năng động với rất nhiều trải nghiệm mới mỗi ngày: bay dù trên trời, chèo thuyền dưới nước, tham gia các bộ môn thể thao, nghỉ ngơi, đi chơi vì chị đã không phải là bà mẹ cầm bát cầm thìa chạy theo đút cơm cho con.

Hãy áp dụng những lời khuyên trên để biết cách "quản trị thời gian" giúp công cuộc làm mẹ trở nên nhàn hơn bao giờ hết!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news