Tin mới

Nhiều “mập mờ” vụ 8 người cố thủ dọa tự thiêu vì phản đối cưỡng chế

Thứ tư, 08/06/2016, 11:54 (GMT+7)

Theo luật sư, việc chỉ dựa vào một bản cam kết viết tay để đưa ra một phán quyết yêu cầu những người thừa kế của bà Hiên phải trao trả nhà, đất cho bà Yến là hoàn toàn không có cơ sở.

Theo luật sư, việc chỉ dựa vào một bản cam kết viết tay để đưa ra một phán quyết yêu cầu những người thừa kế của bà Hiên phải trao trả nhà, đất cho bà Yến là hoàn toàn không có cơ sở. 

Vụ việc "Phản đối cưỡng chế, 8 người cố thủ đổ xăng dọa thiêu" xảy ra tại nhà số 209 Đống Đa, phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khoảng 8h sáng 7/6 gây xôn xao dư luận.

Nhiều độc giả cho rằng việc bà Võ Thị Hoàng Yến (em gái bà Võ Thị Hiên) chỉ bỏ tiền xây nhà nhưng lại được thừa kế luôn diện tích có gì đó bất thường. Thêm vào đó, bà Hiên mất đột ngột, không có di chúc thì theo luật người thừa kế hợp pháp là con ruột bà Hiên. Việc, buộc bà Hương và ông Hùng trao trả toàn bộ nhà đất tại căn nhà trên cho bà Yến sở hữu sử dụng có nhiều điểm chưa hợp lý.

Hiện trường vụ cưỡng chế sáng 7/6 - Ảnh: Người lao động

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Hà Nội tinh hoa.

Luật sư Lực nhận định: “Một bản án khi được tuyên cơ bản cần phải đảm bảo yếu tố thấu tình và đạt lý. Qua những thông tin cơ quan báo chí cung cấp tôi nhận thấy bản án của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đối với vụ án căn nhà số 09 Đống Đa, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng không có đủ hai yếu tố này”.

Luật sư Lực phân tích, về mặt lý thì theo thông tin được đưa trên báo chí, dựa trên một văn bản cam kết của bà Hiên ngày 24/2/2000 với nội dung: "Tôi ký tên dưới đây là chủ sở hữu ngôi nhà 209 Đống Đa, Đà Nẵng. Ngôi nhà trên là do người em ruột của tôi là Võ Thị Hoàng Yến, Việt kiều Mỹ tạo dựng và bỏ tiền ra xây cất toàn bộ cho tôi ở. Vậy tôi cam kết rằng, sau này nếu tôi muốn bán hoặc sang tên cho người khác...đều phải được sự đồng ý của em tôi...". Khi bà Hiên mất những người thừa kế con ruột bà Hiên là ông Hùng và bà Hương ký vào giấy do người phía bà Yến soạn sẵn, tiếp tục thực hiện cam kết của bà Hiên.

Cam kết này chỉ là sự ghi nhận bằng văn bản giữa hai bên với nhau về một nghĩa vụ phải thực hiện trong tương lai của chủ sử dụng đất. Nghĩa vụ đó không phải là chuyển giao, mua bán quyền sử dụng đất giữa bà Hiên và bà Yến.

Nội dung của văn bản yêu cầu sự đồng ý của bà Yến đối với việc định đoạt tài sản, chứ không có nội dung cam kết quyền sở hữu ngôi nhà, quyền sử dụng đất thuộc về bà Yến” – Luật sư Lực nhấn mạnh.

Do vậy nếu bà Hiên, các người thừa kế có vi phạm cam kết này thì bà Yến chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận và những người thừa kế có trách nhiệm thanh toán chi phí xây dựng nhà cho bà Yến. Hoàn toàn không có cơ sở để chỉ dựa vào cam kết này để có một phán quyết yêu cầu những người thừa kế của bà Hiên phải trao trả nhà, đất cho bà Yến.

Phán quyết như vậy là đánh đồng việc cam kết nghĩa vụ hỏi người thứ ba khi định đoạt quyền sở hữu tài sản với việc cam kết người thứ ba được sở hữu nhà; đánh đồng quyền sở hữu nhà thông qua cam kết với việc được sở hữu cả đất. Về mặt lý, tôi nhận thấy đây là một phán quyết rất thiếu cơ sở pháp lý, thực tiễn” – luật sư Lực nói.

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa

Luật sư cũng phân tích thêm, bản án này cũng thiếu cả cái tình trong đó. Rõ ràng nhu cầu về nơi ở của hai hộ gia đình với tám con người trong đó có ba trẻ em phải bức thiết hơn một người định cư bên Mỹ. Buộc những con người này ra khỏi mảnh đất hương hỏa, nơi cư ngụ hiện tại là đẩy họ vào cảnh màn trời chiếu đất. Những con người này sẽ phải đối mặt với cuộc sống vô cùng cơ cực, không chốn dung thân, tài sản lớn nhất không còn.

“Về cơ bản người dân chúng ta là những người hiền lành, chăm chỉ lao động, ghét sự thị phi, tranh chấp. Chỉ khi có những điều quá đáng, phi lý đụng chạm đến quyền lợi thiết thân thì họ mới phản kháng và phản kháng hết sức mạnh mẽ. Tôi cho rằng nhưng người dân trong vụ việc này đã rơi vào tình trạng đó nên mới có phản ứng quyết liệt đến như vậy” – luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.

Theo nội dung vụ việc được phản ánh trên báo chí, vụ việc xảy ra tại nhà số 209 Đống Đa, phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khoảng 8h sáng 7/6.

Theo một số hàng xóm, hiện có tám người gồm bốn trẻ em sống trong căn nhà thuộc gia đình ông Võ Văn Hùng và gia đình bà Đặng Thị Thu Hương.

Căn nhà xây trên phần đất rộng 44,5 mét vuông vốn thuộc sở hữu của bà Võ Thị Hiên, là mẹ ruột bà Hương và mẹ nuôi ông Hùng, căn nhà do bà Võ Thị Hoàng Yến, em ruột của bà Hiên bỏ tiền xây dựng. Cách đây ít năm, bà Hiên đột tử không kịp để lại di chúc.

Trải qua nhiều phiên xét xử phân định quyền thừa kế, TAND tối cao tại Đà Nẵng ra quyết định tuyên ông Hùng và bà Hương cùng gia quyến dọn ra bên ngoài để bàn giao căn nhà cho bà Võ Thị Hoàng Yến.

Tháng 11/2013, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng căn cứ bản án ra quyết định cưỡng chế đối với ông Hùng và bà Hương vì không chịu bàn giao nhà. Đây là lần thứ ba Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện cưỡng chế.

Trong quyết định cưỡng chế có nêu: ông Võ Văn Hùng và bà Đặng Thị Thu Hương có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Do đó, cưỡng chế thi hành án đối với ông Hùng và bà Hương, địa chỉ 209 Đống Đa.

Hai người phải giao trả toàn bộ nhà đất tại căn nhà ba tầng số 209 Đống Đa, có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất đứng tên bà Võ Thị Hiên, cho bà Võ Thị Hoàng Yến sở hữu sử dụng.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news