Tin mới

Nhức nhối nạn buôn bán tiền giả, đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán

Thứ bảy, 20/01/2018, 09:33 (GMT+7)

Nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, các đối tượng đã công khai rao bán tiền giả trên mạng với vô số mánh khóe, thủ đoạn khác nhau…

Nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, các đối tượng đã công khai rao bán tiền giả trên mạng với vô số mánh khóe, thủ đoạn khác nhau…

Chỉ với vài từ khóa đơn giản, ai cũng có thể tìm thấy "chợ" tiền giả trên mạng Internet, mạng xã hội. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát "thị trường" tiền giả trên những trang mạng xã hội để tìm hiểu mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán mặt hàng đặc biệt này.

Theo khảo sát, đặc điểm chung của các tài khoản này là không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có địa chỉ liên hệ, cũng không có số điện thoại liên lạc. Chủ trang chỉ giao dịch với "khách hàng" qua tin nhắn trên Facebook.

Sau khi chọn tài khoản cá nhân có tên "Shop tiền giả", PV nhắn tin với nội dung muốn mua tiền, chủ tài khoản này lập tức hỏi PV cần mua bao nhiêu. Theo giới thiệu, chủ tài khoản này tên là Ngọc B..

B. cho biết đã buôn tiền giả được hơn một năm. Chủ "shop" tiền giả này cung cấp thêm tiền giả đang kinh doanh có nhiều loại mệnh giá từ 50 nghìn, 100 nghìn, 200 nghìn, thậm chí có cả 500 nghìn và được "ăn" theo tỷ lệ 1-10. B. giải thích: "Nếu đổi 1 triệu tiền thật thì sẽ nhận được 10 triệu tiền giả, số tiền giả này không phụ thuộc vào mệnh giá tiền. Khách hàng có thể đổi tiền thật lấy nhiều loại tiền giả với mệnh giá khác nhau".

Nhức nhối nạn buôn bán tiền giả, đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Một số đoạn chát giữa PV và chủ shop tiền giả.

Thấy PV nói việc đặt cọc trước quá rủi ro vì không có địa chỉ hay thông tin gì để đảm bảo, B. khẳng định ngay: "Làm ăn uy tín, lâu dài, chứ không phải mấy đồng trước mắt, bạn mua hay không bên mình không ép. Phải có niềm tin thì mới làm ăn với nhau được…".Sau khi trao đổi, PV ngỏ ý muốn mua 3 triệu tiền giả, B. nhắn tin lại: "3 triệu thì được 30 triệu, bạn gửi địa chỉ kèm số điện thoại và mệnh giá tiền muốn lấy, bên mình sẽ giao hàng".

Với mục đích tìm ra địa chỉ thực của "shop" tiền giả này, PV hỏi kỹ hơn về tiền chất lượng giả và ngỏ ý xin địa chỉ cũng như số điện thoại để đến giao dịch trực tiếp. Tuy nhiên, với sự cảnh giác cao độ, B. đáp lại: "Nếu cho địa chỉ thì "shop" đã bị công an bắt từ lâu rồi". Tuy vậy, sau đó B. vẫn quyết định cho PV số điện thoại để liên hệ.

Về chất lượng tiền giả, chủ "shop" tiền giả này quảng cáo tiền được nhập từ Thái Lan nên giống 99% tiền thật, không phai màu hay mục nát. Để thuyết phục PV, B. còn chụp ảnh một tờ tiền giả mệnh giá 500 nghìn, gửi cho PV xem với lời động viên rằng: "Bạn yên tâm, hàng này nhìn bằng mắt thường thì không nhận ra được. Tuy nhiên bạn không được vào ngân hàng hoặc chỗ có máy kiểm tiền vì sẽ bị lộ. Còn lại bạn xài thoải mái".

Khảo sát một vài trang Facebook khác, PV nhận thấy các trang rao bán tiền giả đều có cùng nội dung quảng cáo gần giống nhau, "như tiền giả nhập về chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, giống tiền thật đến 99%". Hầu như các "cửa hàng" tiền giả thường cung cấp tiền mệnh giá 100 nghìn, 200 nghìn và 500 nghìn, được bán theo tỷ lệ 1-10. Và một điểm chung nữa là các đối tượng bán tiền giả thường lựa chọn phương pháp thanh toán bằng thẻ điện thoại, thay vì chuyển khoản ngân hàng. Bên mua sẽ gửi số thẻ điện thoại cùng số seri cho bên bán, sau khi xác nhận thẻ nạp được tiền, bên bán sẽ chuyển tiền giả cho bên mua theo cách gửi nhà xe hoặc chuyển phát nhanh.

Kết thúc cuộc trò chuyện, chủ shop tiền giả tên B. không quên dặn PV cách sử dụng tiền giả sao cho khó bị phát hiện nhất.

Theo điều tra của PV, trên các trang Facebook bán tiền giả không thiếu những bình luận của khách hàng bóc mẽ chiêu trò lừa đảo của các đối tượng này. "Nó lừa đảo đấy mọi người. Gửi tiền cọc xong nó chặn luôn đấy. Đừng tin nó". Một số người khác lại thắc mắc "không hiểu sao công an lại chưa bắt mày nữa". …

Nhiều người cho biết, việc đăng ảnh hấp dẫn cùng những lời quảng cáo "có cánh" về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo đánh vào lòng tham của nạn nhân. Hơn nữa, vì mua tiền giả nên người bị lừa cũng không dám trình báo công an, đành "ngậm đắng nuốt cay" vì sợ vướng vòng lao lý.

Ngoài vấn nạn buôn bán tiền giả, PV còn phát hiện trên các trang mạng xã hội hiện nay đang tồn tại một loại hình trao đổi tiền ăn chênh lệch nhất là vào dịp Tết Nguyên đán bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng. Vào thời điểm này, nhiều người bắt đầu tìm các nguồn tiền lẻ để sử dụng cho dịp lễ sắp tới. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã cho đổi tiền lẻ công khai và tăng phí đổi gấp nhiều lần.

Vẫn bằng những thao tác tìm kiếm tương tự với từ khóa "đổi tiền lẻ", nhiều người không khỏi bất ngờ khi trên trang Facebook xuất hiện nhiều người nhận đổi tiền lẻ từ mệnh giá 1 nghìn đồng tới loại tiền 100 nghìn đồng.

Ghé thăm trang Facebook có tên "đổi tiền lẻ uy tín", theo quan sát của PV, trang này ngập tràn những hình ảnh về tiền lẻ với mệnh giá lớn bé khác nhau cùng với những lời quảng cáo có cánh: "Tiền lẻ mới cứng nguyên seri "thơm phức mùi tiền". Chúng tôi chuyên cung cấp các loại tiền lẻ. Giá đảm bảo rẻ nhất Hà Nội, hoàn toàn là tiền đóng theo cọc tiêu chuẩn NHNN, mới nguyên seri từ khi in…".

Thậm chí, người kinh doanh còn cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại giao dịch… Khách hàng chỉ cần gọi điện vào số hotline của bất cứ trang đổi tiền nào sẽ được nhân viên "chăm sóc" chu đáo, đưa ra các loại mệnh giá tiền và cam kết tiền mới 100%, nguyên cọc, đầy đủ số tờ, mức phí thấp, giao hàng tận nơi…

Nhức nhối nạn buôn bán tiền giả, đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Dịch vụ đổi tiền lẻ tràn ngập mạng xã hội.

Người này tiết lộ, mệnh giá càng nhỏ, mức phí phần trăm càng cao. Ví dụ như đổi 1 triệu đồng tiền 100 nghìn thì có phí đổi là 10%. Cùng loại tiền 100 nghìn đồng, nếu đổi 10 triệu đô thì phí đổi chỉ còn 4-5%. Còn những tờ tiền có mệnh giá dưới 5.000 nghìn đồng thì có mức phí đổi cao hơn nhiều.Chủ Facebook có tên "đổi tiền lẻ giá rẻ" cho biết, người này chuyên đổi tiền lẻ với các mệnh giá từ 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn, 20 nghìn, 50 nghìn và 100 nghìn đồng với mức "ăn" chênh lệch cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào từng mệnh giá tiền và phụ thuộc vào cả số tiền muốn đổi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news